Ðầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ chế tạo thiết bị điện

Từ một đơn vị chuyên sửa chữa các thiết bị điện, Tổng công ty Thiết bị điện Ðông Anh (EEMC) thuộc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã không ngừng phát triển, chuyển sang chuyên chế tạo các sản phẩm cơ khí điện chất lượng cao. Đặc biệt, Tổng công ty không ngừng đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ để chế tạo các loại máy biến áp (MBA) 220 kV và 500 kV, góp phần quan trọng vào việc phát triển lưới điện truyền tải quốc gia.

Chế tạo máy biến áp 220 kV ở Tổng công ty Thiết bị điện Ðông Anh (EEMC)

Cạnh tranh bằng chất lượng

Ðến nay, MBA vẫn là sản phẩm chủ lực làm nên thương hiệu EEMC và luôn được cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng với năng lực hơn 1.500 MBA/năm. Những năm gần đây, EEMC đã chú trọng đầu tư mở rộng, nâng cấp công nghệ để nâng cao năng lực chất lượng sản phẩm truyền thống nhằm sản xuất MBA 500 kV với tổng vốn 60 tỷ đồng. EEMC cũng mạnh dạn mua phần mềm thiết kế MBA, cầu dao cách ly 110 - 220 kV của các nước G7.

Dây chuyền sản xuất cầu dao 110 - 200 kV của Tổng công ty đầu tư có sản lượng hơn 350 bộ/năm, đáp ứng 100% nhu cầu trong nước.

Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc EEMC Trần Văn Quang cho chúng tôi biết, thực tế có loại MBA của hãng lớn nước ngoài rất có uy tín trên thế giới nhưng khi lắp đặt ở Việt Nam lại vận hành không ổn định, hay xảy ra sự cố do ko phù hợp với khí hậu nhiệt đới, thời tiết khắc nghiệt (nhất là hiện tượng sét đánh), điều kiện vận hành lưới điện của Việt Nam khác với các nước...

Trong khi đó, với nhiều năm dạn dày "chinh chiến" trong lĩnh vực sửa chữa thiết bị điện, Tổng công ty đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu để chỉnh sửa những bản thiết kế MBA được nước ngoài cho là hoàn hảo nhất, cùng với các loại phụ tùng, vật tư đặc chủng được nhập khẩu từ các nước tiên tiến để cho ra đời các sản phẩm "Made in Vietnam" chất lượng cao. Ðến nay, hàng trăm MBA 200 kV thương hiệu EEMC đang được vận hành ổn định trên các trạm biến áp khắp cả nước.

Không thỏa mãn với cấp điện áp 220 kV, EEMC mạnh dạn chế tạo MBA 500 kV. Khi bắt tay vào thiết kế MBA 500 kV, nhiều chuyên gia tỏ ý nghi ngờ, cho rằng việc chế tạo còn khó hơn nhiều, khác hẳn cấp điện áp 220 kV và không khả thi. Không lùi bước, EEMC đã huy động tổng lực trí tuệ của tập thể, mua thiết kế nước ngoài, thuê cả các chuyên gia giỏi của nước ngoài sang tư vấn, thẩm định quá trình thiết kế, chế tạo MBA. Nhờ vậy, Tổng công ty là đơn vị đầu tiên trong nước, cũng như trong khu vực Ðông - Nam Á chế tạo được MBA 500 kV với tỷ lệ nội địa hóa theo giá trị 45% và khối lượng gia công 95%. Ðến nay, MBA 500 kV nội địa đầu tiên được lắp đặt tại TBA 500 kV Nho Quan (Ninh Bình) vẫn đang vận hành rất tốt, các thông số đều bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.

Việc chế tạo được MBA 220-500 kV đã tạo ra các sản phẩm mới, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh của DN, chủ động cung cấp các loại MBA và các sản phẩm thiết bị điện, phục vụ chống quá tải lưới điện quốc gia, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của ngành cơ khí chế tạo thiết bị điện, đồng thời làm đối trọng để các hãng nước ngoài chào bán sản phẩm MBA vào Việt Nam phải giảm giá thành. Ông Trần Văn Quang dẫn chứng: Trước đây, một MBA 220 kV của nước ngoài sản xuất bán với giá ít nhất 2,2 - 2,3 triệu USD, nhưng từ khi EEMC sản xuất được thì họ lập tức giảm còn 1,5 đến 1,7 triệu USD, thậm chí nhà thầu Trung Quốc còn giảm còn 1,1 triệu USD.

Ðiều quan trọng hơn cả, đội ngũ cơ khí thiết bị điện trong nước làm chủ thiết kế - công nghệ, chủ động trong việc sửa chữa, khắc phục sự cố và bảo hành lưới điện. Trước đây, khi Nhà máy Thủy điện Ya Ly bị hỏng MBA 500 kV, nếu đem sửa ở nước ngoài rất phức tạp, tốn tiền và mất tới ít nhất sáu tháng, mà mỗi ngày nhà máy thiệt hại 3 tỷ đồng. Lúc đó, EEMC đã đánh cược uy tín khi mạnh dạn nhận sửa và đơn vị đã thành công với chi phí bằng 60% và tiết kiệm một nửa thời gian so với báo giá của nước ngoài.

Từ đó đến nay, đơn vị đã sửa chữa, bảo dưỡng hàng trăm MBA 110, 220, 500 kV trên khắp cả nước... Do vậy, EEMC được mệnh danh là "bệnh viện đa khoa" của ngành điện. Ðể có được những thành công như trên, EEMC phần lớn dựa vào lực lượng cán bộ, công nhân kỹ thuật lành nghề. Ðơn vị có khoảng 900 CBCNV thì lực lượng có trình độ đại học trở lên chiếm tới 350 người. Ðây chính là tài sản quý báu nhất mà đơn vị đang sở hữu.

Ðến nay, thị phần MBA 110 kV của EEMC chiếm khoảng 35% cả nước; MBA 220 kV khoảng 25%. Không dừng ở thị trường trong nước mà EEMC còn từng bước vươn ra thị trường nước ngoài. MBA của đơn vị đã được xuất sang một số nước ASEAN, Nga, I-rắc, Ấn Ðộ. Hướng tới những thị trường mới "khó tính" hơn, Tổng công ty đang gấp rút chế tạo MBA để đưa sang Anh thử nghiệm phá hủy để được cấp chứng chỉ quốc tế đầu năm 2014.

Gỡ khó về cơ chế

Mặc dù phát triển mạnh như vậy nhưng EEMC là DN Nhà nước cổ phần hóa thuộc EVN, cho nên, những dự án đầu tư của ngành điện bằng nguồn vốn vay nước ngoài hoặc vay các tổ chức quốc tế, Đơn vị lại không được tham gia đấu thầu. Thậm chí, nhiều sản phẩm của EEMC chỉ bằng 80% giá của nhà thầu Trung Quốc, Ấn Ðộ nhưng vẫn không được xét thầu. Ðây là "vòng kim cô", cản trở lớn nhất hoạt động của Tổng công ty. Vì vậy, EEMC mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tạo mọi điều kiện để đơn vị được tham gia đấu thầu các gói thầu của EVN có nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng.

Nói về cơ chế đấu thầu, Tổng giám đốc Trần Văn Quang cho rằng, cơ chế hiện nay vẫn nặng về đấu giá, chưa chú trọng việc lựa chọn các thiết bị công nghệ hiện đại. Ông Quang khẳng định, bản thân các nước lớn đều áp dụng những chính sách bảo hộ sản phẩm của họ bằng các cơ chế rất kín kẽ, hoặc bằng các hàng rào kỹ thuật mà không hề vi phạm các cam kết WTO, trong khi đó, chúng ta lại chưa quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN chế tạo cơ khí. Nếu cứ áp dụng "máy móc" theo các cam kết quốc tế thì các DN trong nước không thể trụ được ngay tại chính thị trường của mình chứ chưa nói tới việc phát triển.

Từng lặn lội sang các nước, nhất là Trung Quốc để tìm hiểu thị trường cũng như việc chế tạo thiết bị điện, ông Quang được biết, họ có những chính sách bảo hộ "lách" luật WTO (thưởng xuất khẩu bằng tặng nhà, ô-tô, kỳ nghỉ nước ngoài...) cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm MBA xuất sang Việt Nam, nhờ đó, họ có thể giảm giá hàng chục % so với giá bán của EEMC cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam mà vẫn có lãi. Về điểm này, EEMC kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, EVN, khi lập kế hoạch đầu tư dự án thì cần tách nguồn vốn tự có hoặc vay thương mại trong nước để mua các sản phẩm trong nước sản xuất được như chủ trương của Chính phủ.

Qua tìm hiểu EEMC, cũng như một số doanh nghiệp chế tạo cơ khí trong nước, chúng tôi được biết, có điều bất hợp lý là để chế tạo được các loại MBA chất lượng cao, EEMC đều phải nhập khẩu những loại vật tư, linh kiện đặc chủng (trong nước chưa sản xuất được) với các mức thuế suất khác nhau, trong khi việc nhập khẩu MBA vào Việt Nam lại có thuế suất bằng 0%. Ðiều này vô hình trung không khuyến khích mở rộng sản xuất MBA trong nước.  Hơn nữa, với việc các vật tư, linh kiện được nhập khẩu từ các nước G7 như trên nên chất lượng MBA, thiết bị điện của EEMC rất bảo đảm, ổn định hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại của các nước láng giềng sản xuất khi đi vào vận hành trên lưới điện.

Vì vậy, để bảo đảm chất lượng thiết bị ổn định khi vận hành trên lưới quốc gia, ngay từ khâu đấu thầu, các hồ sơ thầu cần phải có điểm đánh giá xuất xứ vật tư, phụ kiện quan trọng của sản phẩm phải có chất lượng tốt từ các nước G7. Có như vậy, nhà thầu nước ngoài không thể đưa vào các sản phẩm giá rẻ, chất lượng thiết bị kém, gây hậu họa sau này cho lưới điện quốc gia.

Sản phẩm MBA 220-500 kV là nằm trong danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn 2009 - 2015 theo Quyết định số 10/2009/QÐ-TTg ngày 16-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ, cho nên, EEMC mong muốn được các bộ, ngành có cơ chế hỗ trợ về vốn như được vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, được giải ngân vốn vay đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất...


  • 22/09/2013 10:36
  • Theo Báo Nhân Dân
  • 3281


Gửi nhận xét