Ðảm bảo điện giai đoạn 2020 - 2025: Rất cần chung tay, góp sức

Năm 2020, điện sản xuất từ các nhà máy của EVN và các EVNGENCO (kể cả các công ty cổ phần) chiếm 54,5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Tuy nhiên, trong những năm tới, tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm. Vì vậy, cùng với nỗ lực của EVN, việc đảm bảo cung ứng điện giai đoạn 2020-2025 rất cần sự chung tay, góp sức của các nhà đầu tư ngoài EVN.

EVN luôn chủ động

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HÐTV EVN cho biết, nhận định tình hình cấp điện giai đoạn 2020-2025 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ngay từ năm 2018, EVN đã thường xuyên cập nhật, đề xuất các giải pháp, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương. Chỉ trong tháng 1/2020, EVN đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên quyết liệt triển khai các giải pháp đảm bảo cung ứng điện.

Ðối với năm 2020, để đảm bảo cung cấp điện, nhất là vào mùa khô, EVN đã yêu cầu các nhà máy điện phải phát đủ công suất theo thiết kế, số giờ vận hành phải đạt 7.200 giờ/năm. Ðồng thời, chủ động đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện; vận hành an toàn tin cậy hệ thống điện, đặc biệt hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam; siết chặt kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố do chủ quan; nỗ lực đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án lưới điện, nhất là các dự án lưới điện truyền tải đồng bộ giải phóng công suất các nguồn điện, giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo khu vực miền Nam và các thủy điện nhỏ. Các đơn vị trực thuộc EVN cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước cho phát điện và cấp nước hạ du; phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh phụ tải hợp lý, sẵn sàng vận hành các nguồn điện tại chỗ của doanh nghiệp trong trường hợp hệ thống điện bị thiếu nguồn… Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2020, EVN sẽ quyết tâm đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc đảm bảo điện giai đoạn 2021-2025 là một thử thách không nhỏ, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các cơ quan, tổ chức. Theo tính toán của EVN, do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ, nên giai đoạn 2021-2024, hệ thống điện sẽ thiếu nguồn cung. Riêng năm 2025, hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu phụ tải nếu tiến độ các chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí Lô B, khí Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện sử dụng khí LNG đảm bảo đúng tiến độ. Trong trường hợp các dự án nhiệt điện Long Phú 1, Thái Bình 2 tiếp tục bị chậm tiến độ thêm 1 năm, hệ thống sẽ thiếu khoảng 18,9 tỷ kWh vào các năm 2023, 2024 và khoảng 8,3 tỷ kWh năm 2025.

Ðể bù đắp sản lượng điện thiếu hụt và giảm huy động sản lượng các nguồn điện chạy dầu, EVN cũng đã chủ động đề xuất các giải pháp như: Chuyển đổi nhiên liệu cho Nhà máy điện Hiệp Phước sang sử dụng LNG từ năm 2021 và bổ sung quy hoạch dự án nâng công suất Nhà máy lên 1.124 MW từ năm 2020; tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu cho phát điện…

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Có thể thấy, điều kiện tiên quyết để đảm bảo cung cấp đủ điện trong giai đoạn 2020-2025, là phải đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án nguồn điện lớn, đặc biệt là Nhiệt điện Thái Bình 2 (năm 2022), cụm khí điện lô B - Ô Môn (năm 2023), cụm khí Cá Voi Xanh (năm 2024), Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (năm 2025),… Ðiều đáng nói, hiện nay, việc triển khai các dự án điện đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập về thủ tục đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng...

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển Ðiện lực, trong số 62 dự án nguồn điện lớn, công suất trên 200 MW, chỉ 15 dự án đạt tiến độ, 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ. Một số công trình lưới điện quan trọng cũng chưa thể đưa vào vận hành hoặc chưa thể khởi công trong năm 2019 do vướng mắc khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là tại các thành phố lớn; vướng mắc liên quan chuyển đổi đất rừng, thủ tục đầu tư còn phức tạp, phải thực hiện qua nhiều bước, thời gian bị kéo dài.

Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng đến việc xác định nguồn gốc đất, gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài; đơn giá bồi thường còn bất cập, nhất là khu vực giáp ranh giữa các tỉnh không có quy định đối với diện tích đất mượn tạm thi công, dẫn tới người dân có những đòi hỏi đền bù phi lý.

Nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện trong giai đoạn tới, Ban Chỉ đạo đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét giải pháp thuê tàu, xà lan/nhà máy điện nổi để cung cấp điện, trong trường hợp các dự án nhiệt điện phía Nam vẫn tiếp tục chậm tiến độ. Ðây là giải pháp ngắn hạn và trung hạn tương đối hiệu quả cho các quốc gia có nhu cấp điện cấp bách. Ðồng thời, xem xét phân cấp cho các Tập đoàn EVN, PVN, TKV chủ động thực hiện các bước thiết kế cho một số công trình hoặc hạng mục dự án trong phạm vi thẩm quyền, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ ngành liên quan cũng như các địa phương, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là các đường dây, trạm đấu nối đồng bộ với sản lượng điện của nhà máy, các dự án điện cấp bách, các dự án giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo…

Khi sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện thuộc EVN và các EVNGENCO càng ngày càng giảm theo lộ trình, dù chịu trách nhiệm chính trong việc cung ứng điện, nhưng để đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong giai đoạn tới, EVN rất cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, liên quan.

Theo tính toán của EVN, do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ, nên giai đoạn 2021-2024, hệ thống điện sẽ:

- Thiếu nguồn cung, mức thiếu hụt cao nhất là 13,3 tỷ kWh (năm 2023);

- Phải huy động các nguồn điện chạy dầu giá cao (trung bình từ 1,5-11 tỷ kWh/năm).


  • 01/04/2020 05:44
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 5996