Xu thế - Thách thức - Giải pháp chuyển đổi số ngành Điện

EVN đang được đánh giá là một trong những doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số, với nhiều kết quả nổi bật.

Thực trạng và xu thế

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. 

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Đến nay, chương trình này đã từng bước đi vào đời sống và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2020, EVN đã bắt tay vào đánh giá thực trạng số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ của Tập đoàn; đồng thời nghiên cứu xu hướng chuyển đổi số trong ngành Điện của các nước trên thế giới và trong khu vực. Từ đó có những định hướng, quyết sách đúng đắn trong công cuộc chuyển đổi số của toàn Tập đoàn. Đến ngày 17/2/2021, Hội đồng thành viên EVN đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-EVN với mục tiêu chung: Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và hướng tới doanh nghiệp số vào năm 2025.

Đại diệnTrung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung nhận giải thưởng sản phẩm Make in Viet Nam hạng mục sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số

Để đạt được các mục tiêu đề ra, EVN đã phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng những thuận lợi, khó khăn trong triển khai chuyển đổi số. Về thuận lợi, lúc này, các hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin (VT&CNTT) của EVN đã cơ bản đáp ứng được công tác phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh trong Tập đoàn. Đặc biệt, các hệ thống CNTT dùng chung đã cơ bản thống nhất nghiệp vụ trong từng lĩnh vực hoạt động, đáp ứng những nghiệp vụ lõi trong công tác quản lý điều hành. Tập đoàn cũng chuyển đổi các hệ thống ứng dụng từ phân tán sang vận hành và khai thác tập trung ở các Trung tâm dữ liệu. Hầu hết các hệ thống CNTT cơ bản đã chuyển sang ứng dụng công nghệ web, đáp ứng truy nhập bằng các phương tiện và từ vị trí địa lý khác nhau. Các nghiệp vụ hoạt động của Tập đoàn cơ bản được số hóa và thường xuyên được hiệu chỉnh bổ sung hoàn thiện.

Tuy nhiên, EVN cũng gặp không ít thách thức: Hệ thống thông tin quản lý có tính tích hợp và liên thông chưa cao; các tiện ích khai thác số liệu chưa được tập trung, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày cao của Tập đoàn; công nghệ mới nhất liên quan đến CMCN 4.0 (trí tuệ nhân tạo, Big Data, công nghệ đám mây,...) mới được ứng dụng ở mức độ hạn chế hoặc đang trong quá trình nghiên cứu ứng dụng… Bên cạnh đó, trình độ nhân sự chưa đồng đều, đặc biệt, nhân lực đáp ứng được yêu cầu công nghệ mới còn hạn chế, đặc biệt là công nghệ nền tảng như: IoT, Bigdata, AI, Cloud, mobile, BI,…

Quyết liệt trong triển khai

Để thực hiện thành công Đề án chuyển đổi số, lãnh đạo EVN đã vào cuộc chỉ đạo rất quyết liệt. Tập đoàn đã xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số tổng thể trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam. Trên cơ sở đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị. EVN cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số do Chủ tịch HĐTV Tập đoàn làm Trưởng ban, Tổng giám đốc làm Phó Trưởng ban Thường trực…; các đơn vị cũng thành lập Ban chỉ đạo do người đứng đầu đơn vị làm Trưởng ban. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số EVN khẳng định, sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm ý tưởng, công nghệ mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm đổi mới sáng tạo, làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy đổi mới, phát triển sáng tạo.

Là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng, tích hợp theo chiều dọc, EVN đã xác định các lĩnh vực trọng tâm để thực hiện chuyển đổi số gồm: 
- “Số hóa dữ liệu”: Với mục tiêu “Một hạ tầng, một cơ sở dữ liệu”, thống nhất trong toàn Tập đoàn 01 nền tảng chung, đồng nhất về công nghệ, về giải pháp kỹ thuật và quản trị cơ sở dữ liệu dùng chung. Chuẩn hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh thu thập, khai thác, phân tích dữ liệu từ hiện trường, kết nối với các hệ thống điều khiển/giám sát/vận hành để nâng cao giá trị dữ liệu của EVN, đáp ứng mục tiêu của chuyển đổi số.

Lãnh đạo EVN tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm Make in Viet Nam của EVN

- “Số hóa khách hàng”: Lấy khách hàng là trung tâm, phân tích hành vi để cung cấp các dịch vụ gia tăng, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên không gian số, không ngừng nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng.
 
- “Số hóa quy trình nghiệp vụ”: Đẩy mạnh cải cách quy trình nghiệp vụ phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong Tập đoàn, khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Trong công tác quản trị nội bộ lấy người lao động làm trung tâm để xây dựng các ứng dụng số, cải tiến công việc bằng giải pháp mới cho việc sàng lọc, tìm kiếm và chia sẻ thông tin, hỗ trợ tốt nhất cho công việc và tiết kiệm thời gian, sức lao động.

- Tiếp tục lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động của Tập đoàn; tận dụng thành tựu nghiên cứu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhân rộng các Đề án mà EVN và các đơn vị đã và đang thực hiện có hiệu quả.

- Tăng cường an ninh bảo mật trong điều kiện các hoạt động của EVN chủ yếu diễn ra trên môi trường mạng: Xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin và tự động hóa của EVN theo phương án hình thành Trung tâm điều hành an ninh bảo mật trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được HĐTV EVN thông qua; kịp thời cập nhật, điều chỉnh, báo cáo HĐTV các nội dung sửa đổi.

Trong đó, giai đoạn 2021-2022, EVN tập trung chuyển đổi số trong 5 lĩnh vực: Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, viễn thông và công nghệ thông tin. Đến nay, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ở 5 lĩnh vực trên đã cơ bản hoàn thành ở mức cao. Nhiều công nghệ hiện đại đã được ứng dụng, mang lại lợi ích cho khách hàng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, EVN là đơn vị tiên phong trong việc kết nối dịch vụ điện với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, các nền tảng công dân số của 1 số địa phương…

Có thể nói, những thành quả của EVN trong quá trình chuyển đổi số không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số theo định hướng của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. 

Ông Hồ Đức Thắng - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Mặc dù không phải là một đơn vị chuyên về công nghệ thông tin và viễn thông, nhưng EVN đã có mức độ chuyển đổi số rất cao. EVN sẽ nằm trong nhóm những đơn vị đi đầu, dẫn dắt và hỗ trợ các doanh nghiệp khác triển khai chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: EVN là một trong những tập đoàn kinh tế đi đầu trong chuyển đổi số. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, EVN sẽ chuyển đổi số toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa để phục vụ lợi ích của doanh nghiệp cũng như người dân.


  • 14/10/2023 03:38
  • Theo Tạp chí Điện lực quý III/2023
  • 8253