Xu hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai

Đây là một trong những nội dung tại Hội thảo “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045” (Quy hoạch điện VIII) do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức vào ngày 28/9, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, Quy hoạch điện VIII về cơ bản đã hoàn thành. Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2020.

Theo chương trình phát triển nguồn điện tới năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000MW so với năm 2020; trong đó, các nguồn điện lớn như các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000MW. Các nhà máy điện gió và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng gần 30.000MW.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Hội thảo

Phần lớn các nguồn điện này đều nằm xa trung tâm phụ tải. Việc phát triển lưới truyền tải để giải tỏa công suất các nguồn điện này đặt ra nhiều nội dung cần xem xét và nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của đề án chỉ ra rằng, xu hướng truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam như những năm qua có xu hướng thay đổi dần theo chiều ngược lại trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Phát triển hệ thống điện – Viện Năng lượng, hiện đang có sự thiếu cân đối giữa công suất nguồn đăng ký với phụ tải, giữa các vùng, tiểu vùng và các tỉnh. Các nguồn điện hiện đăng ký tập trung quá nhiều tại miền Trung, miền Nam. Dự kiến đến năm 2030, miền Bắc có xu hướng bị thiếu nguồn, cần nhận điện từ vùng lân cận như Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Đến 2045, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ là 2 khu vực nguồn điện lớn của cả nước, cần truyền tải đi xa tới các vùng khác.

Tại hội thảo, ông Cường đưa ra 3 phương án truyền tải điện liên vùng. Phương án 1 là xây dựng thêm đường dây AC 500kV mạch kép Nam Trung Bộ - Bắc Bộ có chiều dài khoảng 1.200km, quy mô truyền tải 2.000MW. Phương án 2, xây dựng thêm đường dây truyền tải điện 1 chiều (DC) 525kV Nam Trung Bộ - Bắc Bộ dài 1.200km, quy mô 2.000MW. Phương án 3, xây dựng thêm đường dây truyền tải điện 1 chiều 800kV Nam Trung Bộ - Bắc Bộ.

Phân tích từng phương án, ông Cường cho hay, phương án 1 đường dây AC 500kV có mức chi phí đầu tư thấp, còn lại phương án 2 và 3 có vốn đầu tư cao hơn do chi phí của các trạm chuyển đổi đường dây AC-DC lớn. “Do vậy, chúng tôi đề xuất xem xét phương án 1 là phương án nâng cấp hệ thống truyền tải 500kV Nam Trung Bộ - Bắc Bộ”.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Trưởng phòng Phát triển hệ thống điện (Viện Năng lượng) thuyết trình về chương trình phát triển lưới điện truyền tải trong Quy hoạch điện VIII

Ông Cường cũng cho biết thêm: Trong 10 năm tới, trung bình mỗi năm cần đưa vào vận hành 1.200km đường dây 500kV (trung bình hiện nay 400 km/năm), 2.000km đường dây 220kV (trung bình hiện nay hơn 1.000 km/năm).

Đầu tư lưới truyền tải 500 – 220kV giai đoạn 2021-2030 sẽ là thách thức rất lớn cho ngành Điện. Khối lượng đầu tư trung bình hàng năm cao gấp khoảng 2 lần năng lực hiện nay, nhưng hệ số sử dụng lưới điện năng lượng tái tạo thấp hơn các loại nguồn truyền thống, thời gian hoàn vốn lâu hơn. Điều này khó đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế thông thường. Do đó, cần có cơ chế về phí truyền tải phù hợp để tái đầu tư lưới điện với tỷ trọng cao năng lượng tái tạo.

“Cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu để nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện, giảm thiểu các rủi ro về an toàn hệ thống do sự bất định của năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió; nghiên cứu ứng dụng các loại công nghệ tích trữ năng lượng, nhà máy điện ảo...”, ông Cường kiến nghị.

Đề cập đến giá truyền tải điện, bà Lê Thị Thu Hà, phòng Phát triển Hệ thống điện – Viện Năng lượng cho hay, nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025 rất lớn, trong khi các nguồn vay ODA chính đã dừng hẳn. Do vậy, cần xem xét điều chỉnh giá truyền tải (xem xét tăng tỷ lệ lợi nhuận, tạo nguồn vốn tự có lớn hơn), đáp ứng nhu cầu đầu tư của hệ thống. 


  • 28/09/2020 04:00
  • Chiến Thắng
  • 5038