Xóa “vùng lõm” điện ở phía Bắc: Không thể tính toán lợi nhuận

Có thể nói, 2017 là một năm thành công của EVNNPC trong việc đưa điện lưới quốc gia đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hẻo lánh chưa có điện. Để hiểu rõ hơn, Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Thái - Phó Tổng giám đốc EVNNPC.

Ông Lê Quang Thái

PV: Xin ông cho biết, kết quả nổi bật trong Chương trình điện khí hóa nông thôn của EVNNPC năm 2017?

Ông Lê Quang Thái: Điện khí hóa nông thôn là quá trình EVNNPC kiên trì thực hiện nhiều năm, được các địa phương đánh giá cao. Tổng công ty đã từng bước xóa các xã, các thôn, bản còn “trắng” điện và đến nay 100% số xã ở miền Bắc đã có điện. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong giai đoạn 2013-2017, thông qua các nguồn vốn khác nhau, EVNNPC đã phối hợp với chính quyền 27 tỉnh, thành phố triển khai hàng chục dự án đầu tư lưới điện nông thôn với tổng số tiền lên tới 6.483 tỷ đồng.  

PV: Hiện vẫn còn những thôn, bản, hộ dân chưa có điện nằm ở vùng quá khó khăn, hẻo lánh. Giải quyết vấn đề này thế nào, thưa ông?

Ông Lê Quang Thái: Trên thực tế, tại các xã vùng biên giới, vùng cao, bà con sống không tập trung và ở những vùng có địa hình hiểm trở, phức tạp. Có những khu vực, kéo đường dây điện hàng trăm km, nhưng chỉ cung cấp điện cho một số ít hộ dân. Do đó, việc đầu tư lưới điện ở khu vực này đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thi công kéo dài. Đó là chưa kể, sản lượng điện tiêu thụ ở những khu vực này cũng rất thấp.

Chính vì vậy, khi đầu tư điện cho khu vực nông thôn, EVNNPC xác định đây là địa bàn trọng yếu, không thể tính toán lợi nhuận, không thể lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo, phải coi  ý nghĩa chính trị - xã hội, trách nhiệm vì cộng đồng làm tiêu chí.

Hiện nay, EVNNPC đã và đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, kết hợp với vốn đối ứng của Tổng công ty, tiếp tục hành trình mang “ánh sáng” về với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. 

PV: Theo mục tiêu của Chính phủ đề ra, đến năm 2020, 100% hộ dân nông thôn cả nước được sử dụng điện. Với khu vực miền Bắc, EVNNPC có giải pháp gì để “cán đích” mục tiêu này, thưa ông?

Ông Lê Quang Thái: Đây là “bài toán” không dễ dàng đối với EVNNPC khi nguồn vốn đang ngày càng khó khăn. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Đảng, Chính phủ giao phó, nên Tổng công ty đã và đang phối hợp với các địa phương, huy động mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung xóa các “vùng lõm” về điện một cách hiệu quả nhất. 

Bên cạnh nỗ lực của ngành Điện, EVNNPC rất mong Chính phủ sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù về vốn và cơ chế thực hiện các dự án đưa điện lưới quốc gia về nông thôn tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng cần phối hợp hiệu quả hơn nữa trong giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, triển khai thi công, giám sát, kiểm tra, thanh quyết toán. Trong đó, cần phân công, phân cấp cụ thể cho các đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm rõ ràng.

PV: Địa hình khu vực miền núi phía Bắc vốn rất hiểm trở, đi lại khó khăn. Vậy, với những xã, bản đã được cấp điện, EVNNPC có giải pháp gì để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục, thưa ông?

Ông Lê Quang Thái: Với địa bàn rộng, hiểm trở, công tác quản lý vận hành, kinh doanh bán điện ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí vận hành, sữa chữa và bảo dưỡng lưới điện định kỳ, chăm sóc khách hàng sử dụng điện… cũng lớn, dẫn tới giá thành sản xuất kinh doanh điện ở những khu vực này là rất cao. Để bán điện theo giá được Chính phủ phê duyệt, nhiều khi Tổng công ty phải bù lỗ.

Hiện nay, để khách hàng khu vực miền núi cũng được thụ hưởng chất lượng điện năng và các dịch vụ chăm sóc khách hàng như ở khu vực nông thôn, thành thị miền xuôi, ngoài việc bố trí cán bộ công nhân ngành Điện quản lý trực tiếp, các công ty điện lực trực thuộc EVNNPC còn thuê người làm dịch vụ bán lẻ điện năng, ghi chỉ số công tơ và thu tiền điện. 

Những người được lựa chọn làm dịch vụ bán lẻ điện năng là người dân địa phương đã được đào tạo cơ bản về kỹ thuật điện, nắm vững địa bàn, thông thạo văn hóa vùng miền, hiểu rõ tâm lý khách hàng. Chính vì vậy, các dịch vụ bán lẻ điện năng đã thực hiện rất tốt công việc được giao, đảm bảo chất lượng và hiệu quả chăm sóc khách hàng của ngành Điện. 

Dịch vụ bán lẻ điện năng còn là cầu nối giữa ngành Điện với chính quyền địa phương trong các hoạt động như, vận động, tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ hành lang lưới điện; tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả… 

PV: Xin cảm ơn ông!

Đến hết năm 2017, EVNNPC đã đưa điện lưới quốc gia về 100% số xã và 98,6% số hộ dân, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 98,3%. 

Một số dự án tiêu biểu của EVNNPC 

- 14 dự án cấp điện cho 17.748 hộ dân nông thôn giai đoạn 2013-2020 (Chương trình 2081) do UBND các tỉnh làm chủ đầu tư;
- 05 dự án cấp điện cho 94.934 hộ dân các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An và đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng);
- Dự án mở rộng và cải tạo lưới điện nông thôn vùng sâu, vùng xa, cấp điện cho 25.510 hộ dân tại Lai Châu, Điện Biên;
- Dự án cấp điện cho 30.157 hộ dân tỉnh Sơn La; 
- Dự án cấp điện cho 5.286 hộ dân tỉnh Bắc Kạn. 


 


  • 29/01/2018 04:29
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 11083