Xây dựng Trung tâm điều khiển (TTĐK) hệ thống điện phân phối các TBA 110 kV không người trực

Đề tài này do ông Hoàng Đăng Nam - Trưởng phòng Điều độ, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng làm Chủ nhiệm, đã được nghiệm thu và áp dụng vào thực tiễn, không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động mà còn tiết kiệm phí đầu tư, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Đề tài đã đoạt giải Ba, Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam - VIFOTECH năm 2017.

Các TBA 110 kV không người trực được vận hành thông qua TTĐK, nghĩa là toàn bộ việc giám sát trạng thái vận hành và các tín hiệu cảnh báo, thu thập dữ liệu đo lường, điều khiển các thiết bị, giám sát hệ thống báo cháy và cảnh báo an ninh… đều được thực hiện từ TTĐK. Đây là một mô hình vận hành mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. 

Theo ông Hoàng Đăng Nam, trước đây, các TBA 110 kV có người trực được vận hành theo chế độ 3 ca 5 kíp, mỗi kíp có 02 người trực. Như vậy, mỗi TBA phải có ít nhất 10 công nhân thay phiên trực. Nhưng từ khi TTĐK đi vào hoạt động, các TBA 110 kV không cần công nhân trực vận hành, thao tác thiết bị. Việc thu thập thông số kỹ thuật TBA 110 kV được thực hiện hoàn toàn tự động. Mọi thao tác đóng, cắt, điều khiển thiết bị trạm 110 kV được tiến hành ngay tại TTĐK thông qua hệ thống thiết bị hiện đại mới được lắp đặt. 

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành (thứ 3 từ trái sang) thăm và làm việc tại Trung tâm điều khiển

Bên cạnh đó, các hệ thống hỗ trợ TBA không người trực như, giám sát an ninh; hệ thống báo cháy, báo khói tự động… được truyền tín hiệu trực tiếp về TTĐK, phục vụ theo dõi, quản lý trạm. Thông qua việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa, TTĐK có rất nhiều ưu điểm như, giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị TBA, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố trạm biến áp, qua đó giảm thời gian mất điện ảnh hưởng đến người sử dụng điện. Cụ thể: 

Hiệu quả về kinh tế:

Tiết kiệm được chi phí đầu tư nhờ lựa chọn giải pháp cải tạo các thiết bị hiện có trong lưới điện. Đối với các trạm xây dựng mới, không cần xây dựng các công trình phục vụ nhân viên vận hành do không cần người trực. Qua đó, giảm diện tích xây dựng trạm, tiết kiệm chi phí đầu tư. 

Hiệu quả về kỹ thuật:

Hệ thống TTĐK đã hỗ trợ đắc lực cho các điều độ viên trong việc giám sát điện áp tại các nút trên lưới điện, kịp thời có giải pháp điều chỉnh điện áp, điều chỉnh phân bố công suất, từ đó giảm tổn thất điện năng trên lưới điện phân phối, góp phần vào việc vận hành hợp lý hệ thống điện. Sản lượng điện từ các nhà máy điện sẽ được truyền tải và phân phối đến hộ sử dụng điện với hiệu quả cao nhất, tổn thất điện năng thấp nhất. Đây là một trong những giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả cao.

Việc đưa vào vận hành TTĐK và các TBA không người trực đã tạo điều kiện cho các công ty điện lực chủ động xử lý số liệu phục vụ phân tích và báo cáo. Khi có sự cố trên hệ thống điện, TTĐK nhanh chóng phát hiện, tiến hành cô lập và khôi phục cung cấp điện cho các hộ không bị ảnh hưởng. Nhờ đó, giảm được mức độ ảnh hưởng do mất điện đến quá trình sản xuất kinh doanh của khách hàng, nhất là đối với các khách hàng lớn. 

Hiệu quả về môi trường - xã hội:

Với TTĐK và các TBA không người trực, các nhân viên vận hành không còn phải trực tiếp thao tác, giám sát các thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện cao áp, nhờ đó, TBA vận hành an toàn hơn, giảm tai nạn điện; giảm sự điều động nhân lực, phương tiện trong quá trình vận hành hệ thống điện, góp phần vào việc sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội... Nhân viên vận hành hệ thống điện không phải ghi chép hay lưu trữ thủ công các số liệu báo cáo, giảm thời gian truy cập thông số vận hành tức thời trên máy tính, đảm bảo tính khách quan, khoa học khi phân tích các số liệu thu thập được, từ đó, hỗ trợ kịp thời công tác điều độ hệ thống. Việc vận hành hợp lý luồng công suất trên hệ thống điện nhờ có TTĐK đã góp phần giảm tổn thất điện năng, qua đó giảm nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (đặc biệt là than và khí đốt), giảm phát thải khí nhà kính (CO2, SO2...). Kết quả nghiên cứu cũng góp phần giảm thời gian mất điện của khách hàng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo chất lượng điện năng.  

Ông Trần Đình Nhân - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNCPC cho biết, việc đưa vào vận hành TTĐK các TBA 110 kV không người trực đã thể hiện được năng lực của cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng trong việc nắm bắt kịp thời các công nghệ hiện đại, áp dụng và phát triển trên lưới điện thực tế. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hoá, tự động hoá lưới điện Đà Nẵng theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh; là giải pháp đóng vai trò quan trọng, thiết thực, góp phần nâng cao năng suất lao động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 

Ông Hoàng Đăng Nam

- Làm việc trong ngành Điện từ 1990; 

- Trưởng phòng Điều độ Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay. 

- Một số sáng kiến, đề tài nghiên cứu: Phối hợp bảo vệ rơle trên lưới điện phân phối Đà Nẵng; Chủ nhiệm đề tài: Lập trình ứng dụng tính toán rơle trên lưới điện phân phối; Tính toán khép vòng 22 kV lưới điện Đà nẵng; Xây dựng TTĐK hệ thống điện phân phối các TBA 110 kV không người trực. 


  • 15/08/2018 10:00
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 20337