Xã Bok Tới sáng “cái điện” Bok Hồ

Hoài Ân là huyện trung du phía Tây Bắc tỉnh Bình Định, gồm 15 đơn vị hành chính, trong đó, 2 xã có nhiều người dân tộc Ba-Na và H’re sinh sống là Bok Tới và  Đăk Mang.

Người dân Bok Tới đã đi theo Bác Hồ từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhưng hơn 20 năm sau ngày quê hương được giải phóng, điện lưới quốc gia mới về đến Hoài Ân. Ông Đinh Văn Nghin - Chủ tịch xã Bok Tới cho biết: “Cái bụng đồng bào Ba Na nó chờ cái điện của Bok Hồ lâu lắm, điện về Huyện rồi mà phải nhờ Chương trình 134 , 135 của Chính phủ và đầu tư của ngành Điện, đến năm 1989, điện mới lên được Bok Tới” .

Thực vậy, khi đồng bào Ba Na ở Bok Tới đón được điện Bok Hồ cũng là thời điểm  được hưởng lợi từ các Chương trình 134, 135… với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, phát triển lâm nghiệp có hiệu quả, cuộc sống của người dân Bok Tới được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người được nâng lên 9 triệu đồng/người/năm, cao gấp 3 lần so với năm 2005. Nếu trước năm 2005, 100% hộ gia đình ở xã Bok Tới đều là hộ nghèo thì đến nay tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 40% và ngày càng giảm dần.

Ông Đinh Văn Líp, Phó chủ tịch UBND xã Bok Tới, cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia, 95% hộ xây dựng nhà ở kiên cố. Đường liên xã, liên thôn được bê tông hóa nên việc đi lại, giao thương của người dân ngày càng thuận lợi hơn. Trường học được xây dựng khang trang hơn với 2 trường tiểu học, 5 trường mẫu giáo, số lượng học sinh hơn 250 con, em đồng bào dân tộc biết được cái chữ. Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe của người dân cũng được thuận lợi từ khi trạm y tế xã Bok Tới được xây dựng”.

Đưa điện về xã Bok Tới huyện Hoài Ân, Bình Định

Điện về, bà con dân tộc Ba Na, H”re còn biết sử dụng điện để bơm nước  vào ruộng, góp phần tăng diện tích, tăng vụ, tăng năng suất gieo trồng, đảm bảo lương thực tại chỗ cho người dân. Cuộc sống đã đổi đời, người dân Bok Tới phát triển chăn nuôi. Hiện tổng số đàn trâu bò đã có 1.150 con, thêm gia súc, gia cầm để tăng thu nhập.

Đặc biệt, do địa hình rừng núi nên xã Bok Tới phát triển mạnh cây lâm nghiệp. Trên địa bàn xã có khoảng 6.000 ha rừng nguyên liệu giấy và 2.093 ha rừng tự nhiên được giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ. Nhờ trồng rừng, một số hộ gia đình có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm, như gia đình các anh: Đinh Văn Khiêm, Đinh Văn Nhan (thôn T2), Đinh Xuân Nghĩa (thôn T1)…

Nhờ được xây dựng mới theo Quy hoạch của huyện Hoài Ân, lưới điện ở Bok Tới trông rất bề thế và đẹp. Nhiều nhánh rẽ tạo thành trục đi thẳng vào từng làng nên việc cấp điện cho bà con rất thuận tiện. Đã có trên 300 hộ dân ký hợp đồng sử dụng điện trực tiếp với Điện lực, Đặc biệt, xã Bok Tới là xã điểm của huyện Hoài Ân, nên hoàn toàn không sử dụng bóng đèn sợi đốt. Đây là kết quả của Công trình Thanh niên Chi đoàn Điện lực Hoài Ân trong suốt 2 tuần tình nguyện về với đồng bào vùng sâu, gắn trên 1.200 bóng đèn Compact tiết kiệm điện cho các gia đình xã Bok Tới.

Anh Đinh Văn Sít - Phụ trách nhà Rông xã Bok Tới cho biết: “Không biết bóng đèn Compact nó tiết kiệm điện thế nào, nhưng nó sáng như ban ngày, mà lắp đặt đơn giản lắm, không cần con chuột (tắt - te), tăng phô gì đấy rườm rà quá, bà con ở Bok Tới ưng cái bóng đèn compact hơn.”

Đêm hội đâm trâu của bà con Ba Na ở Bok Tới tưng bừng tiếng cồng chiêng, ngoài ánh lửa bập bùng theo điệu nhảy ngất ngây của con trai, con gái và lũ làng, ánh điện nhà Rông Bok Tới sáng trưng như tấm lòng bà con dân tộc H”re, Ba Na đang sáng lên niềm tin vào cuộc sống nhờ có “cái điện” của Bok Hồ.


  • 15/01/2014 02:58
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3972


Gửi nhận xét