Vụ nhận chìm 1 triệu mét khối bùn, cát: 'Chất thải của biển nên đưa về biển'

Đại diện Bộ TN&MT khẳng định vật chất nhận chìm không phải là chất thải của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, cũng không phải là chất thải của quá trình nạo vét của công trình.

Chiều 13/7, tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Bình Thuận, HĐND tỉnh này đã dành thời gian để ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên & Môi trường) thông tin thêm về vấn đề cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát.

Trước đó, ngày 23/6, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm 1 triệu m3 vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Ông Sơn khẳng định đây không là chất thải. Vật chất nhận chìm bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, đã được phân tích các chất phóng xạ, chất độc đều không vượt quá quy chuẩn cho phép, nằm trong danh mục được Chính phủ ban hành. Việc cấp phép đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường biển.

"Tôi khẳng định vật chất nhận chìm không phải là chất thải của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, không phải là chất thải của quá trình nạo vét của công trình mà là chất thải của biển nên đưa về biển”, ông Sơn nhấn mạnh.

Sơ đồ khu vực nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát xuống biển Vĩnh Tân

Khu vực nhận chìm rộng 30 ha gần khu bảo tồn biển Hòn Cau, nên giải pháp để bảo vệ môi trường đã được Bộ TN&MT tính tới, ngăn ngừa phát tán bùn thải. Việc nhận chìm chỉ thực hiện vào mùa gió Tây Nam từ tháng 6 - 31/10 là chấm dứt nên không ảnh hưởng đáng kể tới khu bảo tồn Hòn Cau.

Để tránh những sự cố bất ngờ, việc quan trắc, giám sát sẽ được Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bình Thuận cùng các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam sẽ tiến hành quan trắc, giám sát độc lập tại 13 điểm. Việc quan trắc, giám sát sẽ được thực hiện 3 lần/ngày trong suốt quá trình nhận chìm.

Nếu có một thông số chất lượng nước biển tại bất kỳ điểm quan trắc nào vượt quá giới hạn quy định thì Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 phải dừng ngay hoạt động và chỉ được phép tiếp tục khi có giải pháp khắc phục được Bộ TN&MT chấp nhận.

Cũng theo ông Sơn, về lâu dài phải tìm ra nhiều giải pháp khác như san lấp lấn biển. Trước mắt, ông Sơn đề nghị tỉnh Bình Thuận quan tâm, quy hoạch, nỗ lực để giải quyết vấn đề vì sắp tới Vĩnh Tân sẽ tiếp tục xin nhận chìm hơn 2,3 triệu m3 bùn, cát.

Hôm 11/7, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc gửi đến Bộ TN&MT kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát sau nạo vét xuống biển Vĩnh Tân.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị phải tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda, các cơ sở sản xuất tôm giống, khu lấy nước nuôi tôm trước và sau khi nhận chìm để làm cơ sở so sánh. Ngoài ra, cần xây dựng ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát và quy chế phối hợp thông tin công khai cho người dân và các tổ chức nuôi trồng thủy sản.

Cạnh đó, bổ sung thêm 10 điểm quan trắc tại các khu vực nuôi cá lồng bè, lấy nước nuôi tôm giống, làm muối,… Phải tiếp tục thực hiện chế độ quan trắc, theo dõi chất lượng môi trường biển cho đến hết ngày 31/7/2018 (giấy phép hết hạn là 31/10/2017); báo cáo thông tin hàng ngày, hàng tuần để có phương án theo dõi, xử lý các vấn đề phát sinh.

Tỉnh Bình Thuận cho rằng việc Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát thu được từ quá trình nạo vét vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được dư luận rất quan tâm.


  • 15/07/2017 04:30
  • Theo zing.vn
  • 12272