Viện Năng lượng: Năng lượng tái tạo có thể cắt giảm trong 5 năm tới

Viện Năng lượng đã đề cập tới việc rà soát, đánh giá về hiện trạng năng lực hệ thống điện quốc gia. Nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục cắt giảm các nguồn năng lượng tái tạo trong 5 năm tới.

Báo cáo từ Viện Năng lượng cho hay, đến hết năm 2020, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn điện khoảng 69GW (bao gồm điện mặt trời áp mái); trong đó, nhiệt điện than có khoảng 21GW; thủy điện khoảng 21GW; turbine khí và nhiệt điện chạy dầu có khoảng 9GW, điện mặt trời (gồm cả điện mặt trời áp mái) khoảng 17GW; điện gió, điện sinh khối và nhập khẩu có công suất dưới 1GW mỗi loại.

Giai đoạn 2011-2020, tổng công suất đặt nguồn điện tăng với tốc độ trung bình 12,9%/năm. Trong các nguồn điện truyền thống, nhiệt điện than tăng trưởng nhanh nhất với tốc độ trung bình 18%/năm, tiếp đến là công suất nguồn thủy điện tăng với tốc độ 9,2%/năm.

Bên cạnh các nguồn truyền thống, nguồn điện mặt trời và điện mặt trời áp mái cũng có sự tăng trưởng đột ngột trong các năm 2019 - 2020. Từ mức không đáng kể đầu năm 2018, hiện tại, cơ cấu của nguồn năng lượng tái tạo biến đổi (gió và mặt trời) đã chiếm gần 26% tổng công suất đặt của nguồn điện. Nhiệt điện khí và dầu hầu như không phát triển mới trong suốt giai đoạn 2011-2020.

Ảnh minh họa

Đánh giá của Viện Năng lượng cho hay, do tác động của cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018, các dự án điện gió và mặt trời đã phát triển rất mạnh trong thời gian vừa qua.

Tính đến hết tháng 12/2020, tổng công suất điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500MW (chiếm 24,1% tổng công suất), tổng công suất điện gió là 567MW (chiếm khoảng 0,86% tổng công suất). Các nguồn điện này phân bổ không đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có nhiều tiềm năng tại miền Trung và miền Nam như Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Long An...

Hiện nay, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch đến năm 2025 khoảng 25.500MW (chưa bao gồm các dự án điện mặt trời mái nhà), gồm 13.900MW điện mặt trời trang trại và 11.500MW điện gió. Như vậy còn lại khoảng 5.000MW điện mặt trời và 6.144MW điện gió đã phê duyệt quy hoạch nhưng không kịp đưa vào vận hành trong năm 2021. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thông tin cụ thể về các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn sau tháng 10/2021 nên tiến độ các nguồn này còn nhiều rủi ro.

Các loại hình năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng có thời gian đầu tư xây dựng ngắn hơn nhiều so với việc đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Hơn nữa, các nguồn điện này có nhiều đặc tính vận hành khác biệt với các nguồn điện truyền thống như: tính bất định cao, chế độ vận hành phụ thuộc vào thời tiết, không đóng góp cho quán tính hệ thống và điều tần sơ cấp...

Do vậy, sự gia tăng đột biến của loại hình nguồn điện này dẫn đến nhiều vấn đề trong vận hành hệ thống điện như: đầy tải, quá tải cục bộ, sụt giảm quán tính hệ thống, tăng số lần khởi động và yêu cầu điều chỉnh công suất các nhà máy nhiệt điện... Một trong những hệ quả trực tiếp của các vấn đề này là việc giảm phát các nguồn năng lượng tái tạo. Năm 2020, sản lượng không khai thác được của điện mặt trời vào khoảng 364 triệu kWh. Năm 2021, theo dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện không khai thác được của các nguồn năng lượng tái tạo nói trên tăng lên, đạt khoảng 1,68 tỷ kWh (trong đó, dự kiến tiết giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời và 430 triệu kWh điện gió, tương đương khoảng 7-9% sản lượng khả dụng các nguồn điện này). Trong 3 tháng đầu năm 2021, điều độ quốc gia đã tiết giảm công suất điện mặt trời nối lưới/điện mặt trời mái nhà lớn nhất, lên đến hàng nghìn MW.

Link gốc


  • 01/06/2021 03:39
  • Nguồn: petrotimes.vn
  • 28580