Vì sao cần phát triển kinh tế xanh

Thời gian qua, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, thậm chí hủy hoại và lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Nền kinh tế tuy có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, nhưng lại đang đối mặt với nguy cơ lãng phí nhiều nguồn lực.

Chính vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong giai đoạn phát triển hiện nay của nước ta, kinh tế xanh ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải cam kết mang theo công nghệ, máy móc và thiết bị mới. Tuy nhiên, nhằm thu hút nhiều dự án từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), có tình trạng nhiều địa phương có phần dễ dãi khi cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài. Có không ít dự án FDI sử dụng công nghệ và thiết bị cũ đã tân trang lại để qua mắt nhà quản lí Việt Nam và hệ lụy là tiêu hao năng lượng lớn, tốn nhiều nguyên vật liệu, năng suất lao động thấp trong khi số lượng các sản phẩm phế thải lại gia tăng, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp và cho nguồn lực của quốc gia.

Phát triển kinh tế phải gắn liền với tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên- Ảnh: T.Lan 

 

- Kinh tế xanh là nền kinh tế ở đó con người là trung tâm, trong đó có các chính sách tạo ra các nguồn lực mới về tăng trưởng kinh tế bền vững và bình đẳng.

- Thúc đẩy nền kinh tế xanh và cải tổ quản lý môi trường là hai nhân tố căn bản đảm bảo tiến trình phát triển bền vững.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp trong nước cũng sai lầm khi ham rẻ và mua thiết bị lạc hậu về rồi đắp chiếu vì không sử dụng được, hoặc nếu sử dụng thì gây hao tốn năng lượng cao và năng suất lao động thấp.

Cũng theo chuyên gia Phạm Chi Lan, thời gian tới, cần nhấn mạnh vai trò của kinh tế xanh, nhấn mạnh những tiêu chí về môi trường làm sao cho sự phát triển cần thân thiện với môi trường chứ không phải làm cho môi trường bị xấu đi. Đồng thời, phát triển kinh tế phải gắn liền với tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên liên quan. Kinh tế xanh phải trở thành ý thức cho tất cả các ngành khác nhau. Ngoài ra, mỗi công dân phải tăng cường ý thức trách nhiệm đóng góp cho nền kinh tế xanh.

Các doanh nghiệp khi xây dựng nền kinh tế xanh cần tiết giảm chi phí, nhất là chi phí nguyên liệu và chi phí năng lượng, nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên về khái niệm kinh tế xanh để dễ dàng thực hiện những tiêu chuẩn của kinh tế xanh. Giáo dục khách hàng nâng cao hiểu biết của họ về kinh tế xanh.

Nhà nước cần có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh theo hướng tiết kiệm năng lượng, vật tư đầu vào, tiết kiệm các chi phí và có các hoạt động thân thiện với môi trường hướng tới bảo vệ môi trường một cách bền vững. Đồng thời, cần có những biện pháp xử lí và xử phạt đủ mạnh đối các doanh nghiệp gây ra các vấn đề về môi trường, lãng phí tài nguyên và lãng phí năng lượng.

 


  • 18/03/2013 11:51
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 6355


Gửi nhận xét