Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp: Đủ về hình thức xử phạt nhưng...

Mức độ hình phạt tại các qui định pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm - đó là ý kiến của một số chuyên gia trước thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.

Thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Trong đó, điển hình nhất là việc các tổ chức, cá nhân khi thi công công trình, trồng cây công nghiệp,… đã vi phạm khoảng cách an toàn.

Cần tuyệt đối tuân thủ quy định về an toàn điện khi xây dựng các công trình gần đường dây điện (ảnh minh họa)

Theo TS. Lương Văn Tuấn - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Luật (Học viện Phụ nữ Việt Nam), căn cứ Điều 15, Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt tiền do vi phạm quy định an toàn điện thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 50 triệu đồng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Ngoài hình thức xử phạt chính (phạt tiền), cá nhân, tổ chức vi phạm có thể phải chịu các hình thức phạt bổ sung như tịch thu phương tiện vi phạm, bồi thường thiệt hại, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, đồng thời buộc chấm dứt hành vi vi phạm,…

Với những hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nghiêm trọng, hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính một lần mà vẫn tiếp tục vi phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp nghiêm khắc hơn, đó là xử lý hình sự.

TS. Lương Văn Tuấn - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam

Theo Điều 314 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung) có quy định các hành vi có thể bị khởi tố hình sự như: Người nào cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang an toàn của công trình điện lực; gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, trồng cây, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện lực; đào hố, đóng cọc, xây nhà trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm; thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo; lắp các thiết bị điện hoặc thi công đường điện không bảo đảm an toàn hoặc các hành vi khác gây mất an toàn vận hành công trình điện lực,...

Tùy vào mức độ hậu quả gây ra, có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, hoặc phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất đến 10 năm. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể chịu hình phạt bổ sung như: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

“Các quy định trên đã có tính răn đe, xử phạt nặng hơn so với các văn bản pháp luật trước” - TS. Lương Văn Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, theo quan điểm của PGS.TS. Cao Thị Oanh - Phó trưởng khoa Pháp luật hình sự (Trường Đại học Luật Hà Nội), các hình thức xử lý vi phạm hiện nay tuy đầy đủ về hình thức nhưng mức độ hình phạt còn nhẹ, chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của việc vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện quốc gia, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm.

"Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, những hành vi xâm phạm quyền sở hữu hay tính mạng của một người (trộm cắp tài sản, giết người,...) đều bị xử lý nghiêm minh (cao nhất tù chung thân, tử hình). Trong khi đó, nhiều hành vi xâm phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cũng gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng và tài sản thì chỉ bị phạt tù cao nhất đến 10 năm"- PGS.TS. Cao Thị Oanh bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, TS. Võ Khánh Linh - Trưởng bộ môn Luật, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, vi phạm hình sự trong lĩnh vực này cần được sửa đổi theo hướng tăng nặng trách nhiệm đối với người vi phạm. Có như vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của hệ thống chính trị, mới có thể ngăn ngừa hiệu quả tình trạng tái diễn vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.


  • 26/07/2019 10:03
  • Huy P.
  • 19549