Văn hóa làm việc ở Google giúp nhân viên cảm thấy hạnh phúc như thế nào?

Tuyển người giỏi đã khó, giữ còn khó hơn. Gã khổng lồ công nghệ Google từ lâu được các chuyên gia đánh giá cao bởi chính sách động viên và làm cho người lao động cảm thấy hạnh phúc, trong cuộc sống lẫn công việc.

Theo các nhà quản trị, những yếu tố liên quan tới cơ thể như vệ sinh, ăn uống hay ngủ nghỉ, là điều kiện cơ bản để nhân viên hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều năm qua, Google đã thực sự chú trọng tới điều này. Ví dụ, thiết kế các văn phòng sáng tạo, bữa ăn ngon, dịch vụ massage toàn thân bằng máy hay giặt ủi. Tất cả đều không tốn tiền.

Ban lãnh đạo Google tin rằng, nhân viên sẽ trung thành và làm tốt công việc khi nhận được sự động viên và hỗ trợ kịp thời. Tại đây, luôn có hệ thống người trước hỗ trợ người sau rất nhiệt tình. Ngoài ra, Google cho phép một lượng lớn được tự do lựa chọn dự án, lịch làm việc và phương án tiếp cận vấn đề. Sự linh động thậm chí tăng thêm rất nhiều trong thời kỳ COVID-19 hoành hành.

Môi trường ở Google luôn hỗ trợ mỗi cá nhân tự học. Tiêu biểu là chính sách kết nối mang tên G2G, viết tắt của “Google to Google”, cho phép mọi người tương tác và học hỏi chéo. Ví dụ nhân viên A giỏi kỹ năng đọc sách nhanh, có thể chia sẻ điều đó với đồng nghiệp thông qua các buổi diễn thuyết. Điều này giúp A luyện khả năng nói trước đám đông, thỏa chí đam mê đọc sách và được khuyến khích tiếp tục phát huy. Người nghe thì nhận được kiến thức miễn phí. Học hỏi chéo như thế này, từ lâu đã trở thành một phần trong bản sắc văn hóa của Google.

Mọi trụ sở của Google trên khắp nước Mỹ, hay các chi nhánh toàn cầu, đều có tủ sách riêng. Một số du khách khi đến tham quan đã so sánh rằng, bước vào Google không khác gì một trường đại học khổng lồ. Nhân viên được tự do mang sách ở đây đi nơi khác, hoặc mang sách của mình tới chia sẻ.

Nhằm khuyến khích nhân viên tìm ra lỗi hệ thống, hay sai sót trong sản phẩm, Google có chính sách mang đến cảm giác an toàn nhất về tâm lý và tiền bạc. Ví dụ, nhân viên có thể nhận được những phần thưởng giá trị rất lớn, hàng trăm nghìn USD, nếu tìm ra lỗ hổng về bảo mật.

Các lãnh đạo Google hiểu rằng, cảm xúc và nhận thức của nhân viên ảnh hưởng lớn đến động lực làm việc. Do đó, môi trường ở các văn phòng đều hướng đến tạo cảm xúc tích cực. Ví dụ, rợp bóng cây và không khí trong lành. Giờ nghỉ trưa hay cuối tuần thường tràn ngập các hoạt động thể thao thư giãn như bowling, cầu lông, bóng đá, bóng rổ hay leo tường.

Để củng cố niềm tin cho nhân viên, ban lãnh đạo Google duy trì tính minh bạch rất cao. Nội dung những buổi họp của hội đồng quản trị, kế hoạch ra mắt sản phẩm mới, hay lộ trình chinh phục thị trường nào đó, đều được công khai. Chỉ số ít thông tin cần giữ bí mật. Ngoài ra, nhân viên cũng được tự do hỏi đáp với lãnh đạo cấp cao thông qua hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp, cả công khai lẫn bí mật.

Ban lãnh đạo Google nhận thức rằng, cảm giác hoàn thành công việc đôi khi rất tuyệt vời. Nếu đó là công việc khó, sẽ giúp tăng động lực rất lớn cho nhân viên. Do vậy, Google thường thiết kế nhiều nhiệm vụ mang tính thử thách, tùy mỗi phòng ban khác nhau. Phần lớn nhân viên đều thấy phấn khích hơn, nhiệt huyết hơn và hài lòng hơn sau khi tham gia, dù kết quả thành công hay thất bại.

Có ý kiến cho rằng, sự sáng tạo đến từ một trong hai điều kiện: yên tĩnh hoặc tương tác giữa người với người. Không gian của Google mang đến cả hai yếu tố đó. Nếu bạn muốn làm việc lặng lẽ một mình, luôn có sẵn những bàn ghế như vậy. Bên cạnh đó, văn phòng của Google có nhiều nơi chứa đồ ăn, hoặc các bếp rất nhỏ, mục đích giúp hình thành những nhóm tương tác với nhau khi cùng làm một việc ngẫu nhiên, ví dụ nấu nướng hoặc đi lấy thức ăn. Một khi gặp đúng người tâm đầu ý hợp, câu chuyện cứ tuôn ra không dứt, những phát kiến mới hay điều gì đó hướng tới sự đột phá, sẽ dễ dàng xuất hiện.

Google có quy tắc độc đáo mang tên 80-20. Đó là dành 20% thời gian trong tuần cho các dự án do nhân viên đề xuất. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi nhân viên làm trong dự án xuất phát từ ý tưởng của mình, động lực cao gấp 4 lần bình thường.

Cuối cùng, khích lệ không thể thiếu mà Google dành cho nhân viên là lương bổng. Hàng chục năm qua, gã khổng lồ này luôn là một trong những “Big Tech” có chính sách lương tốt nhất ở Mỹ cũng như toàn cầu. Không những vậy, các khoản tiền tặng thêm nhân dịp lễ, sinh nhật, khám bệnh, nhóm nào đó hoàn thành nhiệm vụ khó, hoặc có những đột phá, đôi khi cũng khiến đối thủ ghen tị.

Cách khen thưởng của Google cũng rất đặc biệt. Ví dụ, hằng quý, những người quản lý giỏi sẽ được trao tặng phần thưởng tại tòa thị chính của thành phố. Người thân hay bạn bè của họ cảm thấy vô cùng tự hào. Khi vợ chồng con cái có ấn tượng tốt với công ty, sẽ góp phần củng cố tính gắn kết của nhân viên và tỷ lệ tự xin nghỉ việc thường thấp hơn đối thủ.

Theo cuộc khảo sát mới nhất, 97% nhân viên Google thấy vui vẻ và hạnh phúc tại nơi làm việc. Các khảo sát này thường được thực hiện mỗi năm một lần, để giúp công ty nhận diện bất kỳ rủi ro hay sự không hài lòng nào, sau đó tìm ra phương án khắc phục.

Tất cả giải pháp trên, đều hướng tới mục đích là gắn kết nhân viên với công ty, từ đó tăng niềm tin của họ vào tầm nhìn và sứ mệnh chung.

Link gốc


  • 17/10/2023 11:25
  • Theo doanhnhansaigon.vn
  • 12278