Vận hành lưới điện bằng công nghệ số: Các đơn vị đang “tăng tốc”

Các trung tâm điều khiển từ xa được ví như “cánh tay nối dài” giúp thợ điện nhanh chóng thực hiện thao tác thiết bị ở các trạm biến áp không người trực mà không cần tới hiện trường. Vì vậy, các đơn vị ngành Điện đang đẩy mạnh triển khai việc vận hành lưới điện bằng công nghệ số, nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng cường độ tin cậy lưới điện.

Một công nghệ, nhiều lợi ích

Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) hiện đang quản lý, vận hành mạng lưới truyền tải điện khu vực phía Nam và hơn 33 trạm biến áp từ 220 - 500 kV. Trong đó, nhiều trạm đã áp dụng công nghệ tự động hóa trạm (SAS). Với số lượng trạm biến áp (TBA) và đường dây ngày càng lớn, việc quản lý vận hành các TBA cần được tập trung vào 1 trung tâm để dễ dàng theo dõi, quản lý, điều độ công suất trong lưới truyền tải và giảm các lỗi thao tác do vận hành gây ra.

Từ đòi hỏi thực tế, năm 2017, PTC 4 đã đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển từ xa đặt tại TBA 500 kV Tân Định và Mỹ Tho. Với công nghệ kết nối dữ liệu hiện đại và cho phép thực hiện thao tác điều khiển thực tế, trạm 500 kV này có thể điều khiển được từ 10 - 12 TBA 220 kV vệ tinh. 

Theo lộ trình của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và PTC4, những TBA đủ điều kiện thực hiện mô hình điều khiển từ xa sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn, giai đoạn đầu là “bán người trực”, bắt đầu từ 25/11/2017. Sau 4 tháng vận hành sẽ chuyển qua mô hình trạm không người trực.

Ông Võ Đình Thủy - Giám đốc PTC4 cho biết, việc quản lý giám sát, điều khiển TBA từ trung tâm điều khiển đã khắc phục được những khuyết điểm của phương pháp truyền thống, giúp từng bước phát triển lưới điện thông minh, giảm bớt đầu mối trong công tác điều độ; rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố TBA... Từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Còn tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), Công ty quản lý 9 TBA thì tới hết năm 2017, đã có 6 trạm được vận hành theo mô hình không người trực. 3 trạm còn lại, Công ty sẽ nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình không người trực ngay trong quý I năm 2018.

Theo ông Ngô Tấn Cư - Giám đốc PC Đà Nẵng: “PC Đà Nẵng quản lý vận hành lưới điện tại “thành phố sự kiện”, do đó, phải rất chú trọng công tác đảm bảo chất lượng cung ứng điện. Việc đưa vào vận hành các TBA không người trực thực sự tạo “cuộc cách mạng” công nghệ tại đơn vị, giúp nâng cao năng suất lao động, và nhất là giúp PC Đà Nẵng nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện. Khi có sự cố, sẽ dễ dàng thực hiện thao tác thiết bị để nhanh chóng khoanh vùng xử lý cũng như cấp điện trở lại”. Vì vậy, PC Đà Nẵng đã chủ động đẩy nhanh tiến độ xây dựng, chuyển đổi sang các TBA không người trực và sẽ “về đích” sớm 2 năm so với kế hoạch Tập đoàn yêu cầu.

Ông Nguyễn Thành - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, tới hết năm 2017, toàn Tổng công ty đã có 11 trung tâm điều khiển từ xa với 55 TBA không người trực. Với địa bàn phức tạp và trải rộng ở 13 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, việc đưa vào vận hành các trung tâm điều khiển từ xa và chuyển đổi mô hình các trạm biến áp hiện đại thực sự đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong những dịp khôi phục điện sau bão lũ, thiên tai. Nếu như trước đây, công nhân điện có khi phải mất cả buổi di chuyển tới 1 TBA ở vùng sâu, vùng xa để thực hiện thao tác hiện trường, thì hiện nay, các điều độ viên có thể đưa lệnh sa thải phụ tải, hay cấp điện trở lại trên lưới ngay từ Trung tâm điều khiển. Nhờ đó, EVNCPC và các đơn vị có thể cấp điện an toàn, kịp thời cho người dân vùng bão.

Các điều độ viên thực hiện thao tác thiết bị từ Trung tâm điều khiển xa 

Đã hội đủ các yếu tố

Theo định hướng phát triển Trung tâm điều khiển xa và TBA không người trực của EVN, mục tiêu tới năm 2020, 100% TBA 110 kV sẽ là trạm không người trực, còn tại các TBA 220 kV, 500 kV sẽ giảm số lượng người trực, giúp Tập đoàn nâng cao năng suất lao động, tăng độ tin cậy cung cấp điện đồng thời đảm bảo vận hành an toàn lưới điện. Các đơn vị trong toàn Tập đoàn cũng đang gấp rút “tăng tốc” để hoàn thành mục tiêu này.

Trong năm 2017, các Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền đã thực hiện điều khiển xa cho 18 trạm biến áp 220 kV của EVNNPT, các tổng công ty điện lực đã đưa vào vận hành 43 trung tâm điều khiển và thực hiện điều khiển xa cho 386 trạm biến áp 110 kV không người trực và bán người trực (chiếm 57,6% tổng số trạm 110 kV).

Để đạt được kết quả này, các đơn vị trong Tập đoàn đã phải vượt qua rất nhiều thách thức. Mấu chốt là làm chủ được công nghệ, xây dựng hạ tầng CNTT đồng bộ, đảm bảo được thiết bị luôn ổn định trong quá trình vận hành lâu dài; hoàn thiện kết nối tín hiệu hệ thống SCADA một cách ổn định, liên tục. 

Ông Nguyễn Thành cho biết, với quyết tâm cao, EVNCPC đã chủ động xây dựng phần mềm vận hành cho các trung tâm điều khiển, phát triển hạ tầng CNTT phù hợp với thực tế vận hành lưới điện các đơn vị. Đặc biệt, việc xây dựng Trung tâm điều khiển và chuyển đổi TBA được Tổng công ty chỉ đạo các đơn vị thực hiện “cuốn chiếu”, có lộ trình và tiến độ cụ thể. Nhờ đó, hiện EVNCPC đang vượt tiến độ so với Tập đoàn giao. 

Để làm chủ công nghệ lưới điện hiện đại, các đơn vị thuộc EVN đã tham khảo kinh nghiệm thực tế từ nước ngoài, tổ chức đào tạo chức danh, đào tạo nâng cao cho các kỹ sư vận hành và các điều độ viên, đáp ứng yêu cầu mới của công việc. Bên cạnh đó, việc bảo mật cho hệ thống cũng là vấn đề được các đơn vị quan tâm, thực hiện tốt. Đại diện Ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN cho biết, để đảm bảo an ninh mạng và an ninh hệ thống điện quốc gia, trong quá trình xây dựng và vận hành, các đơn vị đã cách ly hoàn toàn mạng IP của hệ thống điều khiển với mạng Internet, mạng nội bộ của đơn vị; đồng thời, các kết nối với hệ thống SCADA, trung tâm điều khiển đều đặt tường lửa (firewall), cũng như thực hiện nghiêm ngặt các quy định của Tập đoàn về an ninh mạng. 


  • 12/03/2018 02:20
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 13632