Vận hành hệ thống điện và thị trường điện: Thách thức còn ở phía trước

Được giao nhiệm vụ vận hành hệ thống điện lớn thứ 23 thế giới và thứ 2 khu vực ASEAN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vậy làm thế nào để vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy và kinh tế? Tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, phóng viên Tạp chí Điện lực đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Khu – Phó giám đốc EVNNLDC.

Ông Vũ Xuân Khu

PV: Thưa ông, việc điều hành hệ thống điện Việt Nam hiện nay có khác gì so với giai đoạn thị trường điện chưa đi vào vận hành?

Ông Vũ Xuân Khu: Từ 1/7/2012, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đi vào vận hành đã đánh dấu bước chuyển cơ bản trong phương thức vận hành hệ thống điện. Nếu như trước đó, việc huy động các tổ máy được dựa theo nguyên tắc tối thiểu hóa chi phí mua điện toàn hệ thống, thì khi thị trường phát điện cạnh tranh được đưa vào vận hành, việc huy động các tổ máy hoàn toàn dựa theo giá chào của các nhà máy điện. 

Bên cạnh đó, trước kia, việc lên/xuống các tổ máy hoàn toàn do cấp điều độ điều khiển quyết định dựa theo sự tối ưu toàn cục. Còn khi vận hành theo cơ chế thị trường điện, việc lên/xuống tổ máy hoàn toàn do các đơn vị phát điện chủ động thông qua bản chào giá. Đây là điểm rất minh bạch, tránh được sự thắc mắc của các đơn vị phát điện so với trước đây. 

Không chỉ có vậy, do các đơn vị phát điện thường xuyên phải chào giá, thường xuyên nhận lệnh điều độ liên tục theo giá của thị trường, thường xuyên tính toán doanh thu của các nhà máy điện theo từng chu kỳ 1 giờ, nên EVNNLDC cũng như các đơn vị phải trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng để điều hành thị trường điện như hệ thống cổng thông tin điện tử, website, hệ thống chào giá, hệ thống gửi lệnh điều độ, hệ thống đo đếm từ xa…

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2019, thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức vận hành, các tổng công ty điện lực trực tiếp tham gia mua buôn điện trên thị trường. Với bước tiến này, mức độ hoàn thiện của thị trường điện đã tăng lên khi cả người bán và người mua đều đã có thể trực tiếp tham gia thị trường điện và tương đối chủ động trong khâu sản xuất kinh doanh theo chiến lược riêng của mỗi đơn vị. Tại bước này, công tác vận hành của điều độ đã phức tạp hơn, đòi hỏi công tác tính toán lập lịch huy động, lập bảng kê nhiều và phức tạp hơn; công tác đo đếm từ xa cũng đồ sộ hơn so với cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

Dự kiến, từ năm 2021, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ đi vào vận hành thí điểm, khi đó, công tác vận hành hệ thống điện và thị trường điện sẽ còn nhiều khác biệt và khó khăn hơn nữa. 

PV: Cùng với thị trường điện, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có gần 90 nhà máy điện mặt trời (ĐMT) đi vào hoạt động. Thực tế này đã tạo ra những khó khăn, thách thức như thế nào trong việc vận hành hệ thống điện, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Khu: Tính đến hết 30/6/2019, đã có 89 nhà máy ĐMT đi vào vận hành với tổng công suất 4.440 MW, chiếm gần 9% công suất đặt toàn hệ thống. Như vậy, sản lượng ĐMT đã hỗ trợ tích cực cho hệ thống điện, đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng cuối mùa khô (từ tháng 5 đến tháng 7/2019). Tuy nhiên, điều này cũng gây ra không ít khó khăn, thách thức mới cho EVNNLDC.

Cụ thể, các nhà máy ĐMT chủ yếu tập trung tại khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra quá tải cho các đường dây truyền tải và các TBA. Chính vì vậy, phải tiết giảm công suất các nhà máy ĐMT tại một số thời điểm trong ngày, nhằm đảm bảo an toàn cho cả hệ thống điện. Cụ thể, EVNNLDC đang phải tính toán phân bổ công suất cắt giảm cho 24 nhà máy trong khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang và công bố cho các đơn vị liên quan.. 

Bên cạnh đó, do đặc thù tự nhiên (phụ thuộc nhiều vào thời tiết), các nhà máy ĐMT có hệ số đồng thời khá cao, làm thay đổi lớn về công suất trong khoảng thời gian rất ngắn; trong khi đó, công suất dự phòng của hệ thống lại không cao. Đây chính là thách thức không nhỏ mà hệ thống điện Việt Nam từ trước tới nay chưa phải đối mặt. 

Cụ thể, theo thống kê các dự án ĐMT đã đi vào vận hành, trong khoảng từ 5 đến 10 phút, công suất phát của các nhà máy có thể thay đổi từ 60-80%. Các biến động xảy ra ngẫu nhiên theo thời tiết. Điều cần lưu ý, các nhà máy ĐMT trong cùng 1 khu vực thường có biến động công suất phát đồng thời. 

Theo tính toán của EVNNLDC, khi công suất các nhà máy ĐMT đạt trên 4.000 MW, công suất dự phòng cần từ 150-200 MW. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tương ứng với công suất tăng của các nhà máy ĐMT. Trong bối cảnh hệ thống điện thiếu nguồn dự phòng tại chỗ ở miền Trung - Nam và đầy tải các giao diện Bắc - Trung - Nam, thì khả năng đáp ứng dự phòng cho miền Trung và miền Nam càng khó khăn hơn.

PV: EVNNLDC đã có những giải pháp gì để “hóa giải” những thách thức mới này, đảm bảo vận hành hệ thống điện, thị trường điện an toàn, tin cậy và kinh tế, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Khu: Trước những thách thức trên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc vận hành hệ thống điện, phù hợp với sự phát triển các cấp độ thị trường điện, hạ tầng phục vụ điều độ vận hành hệ thống đã được EVNNLDC liên tục nâng cấp, trang bị những công cụ hỗ trợ mạnh, hiện đại từ các nhà cung cấp có uy tín hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, việc vận hành hệ thống điện hiện nay cũng đã được tự động hóa ở mức độ cao, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện mà còn đảm bảo tính minh bạch của thị trường điện. 

EVNNLDC cũng đang tiến hành đầu tư nâng cấp một số hệ thống hỗ trợ như: Mở rộng hệ thống giám sát ghi sự cố, hệ thống giám sát điện diện rộng, xây dựng hệ thống giám sát chất lượng điện năng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nguồn điện mới; xây dựng hệ thống dự báo công suất phát các nguồn điện từ năng lượng tái tạo, từ đó có phương án huy động hợp lý, đảm bảo khai thác tối đa nguồn năng lượng này.

EVNNLDC cũng đã mua số liệu dự báo công suất phát của các nhà máy điện NLTT của các hãng nổi tiếng trên thế giới, nhằm nâng cao khả năng dự báo chính xác công suất khả dụng của các nhà máy, từ đó làm cơ sở lập lịch cho các nhà máy điện đảm bảo công bằng, minh bạch. Đồng thời, các điều độ viên các cấp thường xuyên giám sát chặt chẽ các phần tử trên lưới điện thường xuyên bị đầy/quá tải để có sự điều chỉnh kịp thời…

Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp cơ bản để EVNNLDC có thể đối mặt được với những thách thức ngày càng lớn. Trong điều kiện đặc thù của hệ thống điện Việt Nam hiện nay, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia xác định, chỉ có phát huy nội lực và ưu thế nguồn nhân lực chất lượng cao, mới có thể giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề mới và khó đã và đang phát sinh... 

PV: Ông có thể cho biết, mục tiêu chủ yếu của EVNNLDC trong thời gian tới, đặc biệt là khi nguồn điện đang ngày càng khó khăn?

Ông Vũ Xuân Khu: Theo dự báo, trong thời gian tới, hệ thống điện Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, trong khi các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành chưa đáp ứng được tiến độ. Bên cạnh đó, vấn đề cung cấp nhiên liệu như than, khí cho phát điện cũng sẽ tiếp tục khó khăn do không đủ nguồn cấp; nguồn thủy điện đã khai thác tới mức tới hạn trong khi phụ tải tiếp tục tăng cao. Do đó, việc vận hành hệ thống điện, thị trường điện thời gian tới sẽ phải đối mặt rất nhiều thách thức.

Để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, đáp ứng các chỉ tiêu đặt ra, với vai trò chủ đạo trong vận hành hệ thống điện và thị trường điện, thời gian tới, EVNNLDC liên tục tính toán cân đối cung cầu trung và dài hạn để báo cáo Bộ Công Thương/Cục điều tiết Điện lực và EVN.

Đồng thời, EVNNLDC cũng nâng cao chất lượng công tác chỉ huy điều độ thời gian thực; ứng phó linh hoạt với các diễn biến bất định của hệ thống điện; vận hành hiệu quả hệ thống AGC nhằm mục tiêu đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục, với các chỉ tiêu về độ lệch tần số (FDI) và độ lệch điện áp (VDI) ngày càng được cải thiện.

Về thị trường điện, EVNNLDC sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu phụ tải, điều tiết hợp lý các hồ thủy điện, tính toán nhu cầu dịch vụ phụ trợ, phân tích các phương án vận hành theo tiêu chí tài chính trong thị trường điện..., từ đó, đề xuất các khuyến nghị phù hợp trong chiến lược vận hành dài hạn. 

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đầu tư nâng cấp hạ tầng vận hành hệ thống điện và thị trường điện, rút ngắn chu kỳ giao dịch xuống 30 phút; tự động hóa các khâu lập kế hoạch vận hành; phối hợp với các đơn vị tăng cường số lượng, chất lượng kết nối SCADA về Điều độ Quốc gia, đảm bảo chất lượng tín hiệu đầu vào cho hệ thống SCADA/EMS hoạt động hiệu quả; xây dựng cơ sở dữ liệu toàn Trung tâm đạt tiêu chuẩn hiện đại của thế giới (CIM); nâng cao độ an toàn, an ninh hệ thống thông tin...

Đặc biệt, EVNNLDC sẽ hoàn thiện quản trị theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động tuyển dụng kỹ sư mới; nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng, trình độ chuyên môn cho CBCNV, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong các năm tới...

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 17/09/2019 09:40
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 13317