Ưu đãi nguồn điện từ bã mía

Chính phủ đã chỉ đạo mỗi nhà máy đường phải đầu tư xây dựng một nhà máy phát điện để tận dụng nguồn bã mía loại thải. Đến nay, đã có 6 nhà máy phát điện từ bã mía hoàn thành và hòa lưới quốc gia.

(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, mục tiêu đề ra đến năm 2020, nguồn điện từ bã mía đồng phát tại các nhà máy đường sẽ đạt tổng công suất 500 MW, đến năm 2030 sẽ đạt mức 2000 MW. Hiện cả nước có 41 nhà máy sản xuất đường, nếu toàn bộ lượng bã mía thải ra được sử dụng để sản xuất điện, sẽ cho tổng công suất hơn 500 MW. Theo ông Lộc, do thiếu cơ chế, đến nay mới chỉ có 6 dự án đi vào hoạt động, với tổng công suất điện 76,5 MW.

Dự án phát điện bã mía của nhà máy đường SBT ở xã Tân Hưng, Tân Châu, Tây Ninh có công suất thiết kế 12 MW được đầu tư với số tiền 12.616.210 USD, sử dụng turbine genera – tor nhập khẩu từ Úc và châu Âu. Đến nay nhà máy này đã bán điện cho EVN với tổng lượng điện đã đưa lên lưới là 50 triệu kWh, được EVN trả giá 917 đ/kWh (tương đương 4,4 cent/kWh). Dự án của nhà máy đường AYUNPA ở Gia Lai có công suất thiết kế 12 MW/năm, sử dụng turbine genera – tor đối áp được cung cấp bởi Trung Quốc, tổng mức đầu tư 7.500.000 USD. Đến nay lượng điện đã đưa lên lưới của nhà máy này đạt 15.500.000 kWh, với giá điện được EVN trả 1.024 đ/kWh. Dự án điện bã mía Ninh Hòa, Khánh Hòa có công suất thiết kế 9 MW, được đầu tư với số tiền 4.650.000 USD. Đến nay đã bán được cho EVN 5.560.000 kWh với giá 603 đ/kWh. Dự án điện bã mía Cam ranh ở Diên Khánh – Khánh Hòa có công suất thiết kế 25 MW, lắp đặt turbine đối áp do Đức sản xuất có tổng đầu tư 7.050.000 USD. Hiện nay đã đưa lên lưới điện quốc gia 18.500.000 kWh với giá bán 680 đ/kWh (tương đương 3,2 cent).

Do khó khăn về nguồn vốn, nên hầu hết các nhà máy sản xuất điện từ bã mía tại Việt Nam sử dụng công nghệ cũ, lò hơi áp lực thấp dưới 45 ata và turbine đối áp dẫn đến suất sinh năng lượng thấp, chỉ ở mức 30 kWh/tấn bã mía. Trong khi trên thế giới, hệ thống máy phát điện bã mía chủ yếu áp dụng công nghệ lò hơi cao áp trên dưới 100 ata. Với giá bán điện bình quân hiện nay chỉ 778 đ/kWh (tương đương 3,73 cent), hầu hết các dự án điện này đều thua lỗ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc triển khai các dự án khác còn chậm.

Hiệp hội mía đường Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc xây dựng các nhà máy điện đồng phát từ bã mía. Để đưa điện lên lưới, yêu cầu không giới hạn công suất các dự án đồng phát điện bã mía. Giá bán điện ít nhất phải 8cent/1kWh thì phát điện bã mía mới có lãi. Tất cả các quốc gia phát triển điện bã mía đều có cơ chế hỗ trợ về giá bán điện lên lưới. Kiến nghị trước mắt, xin được cơ chế hỗ trợ giá mua điện từ bã mía tương tự như cơ chế áp dụng cho điện gió. Các dự án điện bã mía đồng phát điện cần được hưởng các ưu đãi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Kiến nghị miễn thuế nhập khẩu đối với các thiết bị máy móc lò hơi, turbine để lắp đặt cho các nhà máy phát điện. Ngoài ra cần ngành Điện hỗ trợ đường dây và các trạm biến áp để đấu nối từ các nhà máy điện bã mía với lưới điện quốc gia.

Điện đồng phát bã mía là nguồn năng lượng tái tạo từ sinh khối, do thay thế được năng lượng hóa thạch, mỗi tấn bã mía sẽ tiết giảm được 0,55 tấn dầu thô. Suất đầu tư của điện bã mía thấp hơn so với các lĩnh vực năng lượng sạch khác, chỉ bằng 50% so với thủy điện và bằng 40% so với điện gió. Thời gian xây dựng nhà máy để bổ sung nguồn phát nhanh, thông thường mỗi nhà máy chỉ xây dựng trong 2 năm là hoàn thành.

Ông Lộc nhấn mạnh: “Triển khai dự án điện đồng phát bã mía theo quy hoạch đã phê duyệt của Chính phủ là nghĩ vụ của các doanh nghiệp mía đường trong phát triển năng lượng quốc gia và phát triển nông thôn mới. Đây cũng là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp mía đường”.


  • 27/08/2012 09:49
  • Theo Báo Công Thương
  • 28322


Gửi nhận xét