Ước mong từ đảo Bé, 'vệ tinh' của đảo Lý Sơn

Tết Bính Thân 2016, người dân đảo Bé (xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) "vui như Tết" vì điện lưới đã được kéo ra đây, hòn đảo không còn cô đơn nữa. Vậy là 100% dân huyện đảo Lý Sơn đã được dùng điện.

Có thể bạn quan tâm

Đảo Bé thuộc cụm đảo Lý Sơn, cách đảo lớn chừng 2 hải lý. Gần vậy nhưng cuộc sống ở đảo bé và đảo lớn là hai thế giới rất khác nhau. Đảo Bé có diện tích tự nhiên chừng 67 hecta, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 27 hecta. Hòn đảo này khi xưa là một núi lửa, nham thạch còn dựng đứng khắp nơi quanh đảo. Từ Lý Sơn qua đảo Bé mất chừng 30 phút đi ca nô. Xã đảo này có 129 hộ/497 nhân khẩu tập trung sinh sống ở rìa phía tây.

Gặp chúng tôi những ngày cuối năm 2015, ông Huỳnh Lũy, Bí thư Đảng ủy xã An Bình phấn khởi lắm. Ông bảo: “Tết năm nay người dân chúng tôi sướng hơn rồi. Điện lưới đã về. Từ một xã đảo xa xôi, nay có điện, cuộc sống người dân sẽ phát triển, du lịch sẽ phát triển”.

Điện đã về đảo Bé

Ông Lũy cho biết từ hơn nửa tháng trước Tết, bên ngành điện lực đã hoàn tất việc làm trụ điện, kéo đường dây; 100% hộ dân trên đảo đã được hỗ trợ lắp công tơ điện. Trưa trên đảo, tiếng loa phóng thanh đều đặn hướng dẫn người dân cách phòng ngừa điện giật, lưu ý không leo trèo vướng dây điện, không đứng cạnh cột điện… Người dân ai cũng chú ý lắng nghe để căn dặn lũ trẻ.

Có điện, vài người dân đảo Bé đã tranh thủ vào bờ mua chiếc tivi về xem ba ngày Tết. Vài thanh niên còn tranh thủ mua đèn nháy về trang trí cho có không khí ngày xuân.

Đêm giao thừa, nhờ mẹ đẩy chiếc xe lăn ra ngoài mép đảo hướng về Lý Sơn xem bắn pháo hoa, anh Bùi Văn Huệ (39 tuổi, bị teo chân do đi lặn biển) hạnh phúc hơn hẳn. Đã bao nhiêu cái tết, anh và mẹ quanh quẩn trong căn nhà nhỏ ở rìa nam của đảo, đón giao thừa trong ánh đèn dầu leo lét, nghe Chủ tịch nước chúc Tết qua chiếc đài con rồi đi ngủ. Năm nay mọi thứ đã sáng bừng, có cả pháo hoa, nhà nhà đỏ điện, có thêm cả tiếng nhạc xuân réo rắt trong gió biển xào xạc hàng dừa. Đàn chó kéo đáng yêu quây quanh anh, rên ư ử bởi những ánh đèn lạ mắt.

“Có điện vui hẳn. Mai mốt chắc mình sẽ nhờ người quen mua cái tivi về để mẹ cùng xem cho đỡ buồn, biết thêm tin tức”, anh Huệ nói.

Những mong ước đầu năm

Đảo Bé, vì xa xôi nên còn rất hoang sơ, đẹp đến ngỡ ngàng. Nhưng đảo Bé, vì còn nghèo nên mới còn hoang sơ. Bí thư Huỳnh Lũy cho biết có tới 40%/129 hộ dân trên đảo còn thuộc diện hộ nghèo. Những người dân trên đảo sống một cuộc đời nhẹ nhàng đến mức thầm thĩ, để cái ồn ào dành cho sóng biển.

Là một hòn đảo sinh ra từ núi lửa ở giữa biển nhưng kinh tế của người dân xã An Bình lại chủ yếu là nông nghiệp. Ông Lũy cho biết xã có hơn 27 ha đất nông nghiệp, chủ yếu là trồng tỏi, năng suất trung bình khoảng trên 60 tạ/ha.

Tuy trồng cây nông nghiệp nhưng nguồn nước ngầm trên đảo hoàn toàn không có mà phải phụ thuộc vào nước mưa. Nguồn nước ăn và sinh hoạt phải chờ vào nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt. “Nước sinh hoạt đủ cung cấp cho người dân, nay đã có điện lưới, việc xử lý nước hoàn toàn chủ động. Còn nước tưới nông nghiệp thì hoàn toàn chịu, phụ thuộc hẳn vào trời”, ông Lũy nói.

Năm nay, không có mưa nhiều, vụ tỏi bị mất mùa. Nhiều hộ dân phải tỉa dần những cây hỏng gom lại bán vớt vát.

Trên đảo đã rộn ràng hơn với những tin tức, bài hát từ giàn loa phóng thanh xã

Khổ nhất đối với người dân và cán bộ trên đảo Bé là việc đi lại; cách đảo lớn không xa nhưng hòn đảo nhỏ này thường xuyên bị cô lập, nhất là khi biển động.

Ông Lũy kể vào mùa nắng trung bình một ngày có khoảng 50 người khách qua đây tham quan. Nhưng hễ trời động là chẳng ai qua được. “Ngay cả chúng tôi đây, hôm nào biển lặng thì mới qua trụ sở làm việc được, còn không là phải ở đảo lớn trao đổi, điều hành công việc qua điện thoại vì không có thuyền chở qua được”, ông nói.

Theo ông Bí thư, do chiếc cầu tàu duy nhất của đảo quá ngắn nên biển hơi động tí là không có tàu nào cập được vì bị sóng đánh rất mạnh. “Chúng tôi mong muốn làm sao được quan tâm đầu tư nối dài cầu tàu khoảng chục mét nữa thì dù biển động, tàu bè vẫn cập đảo được, công việc và sinh hoạt của người dân đỡ khó khăn hơn”.

Ông còn kể có năm đảo bị cô lập cả tháng trời vì biển động, không có tàu bè nào tiếp cận nổi. Lúc đó, trong bờ phải điều động trực thăng bay ra cứu trợ.

“Cũng vì khó khăn đi lại nên cuộc sống của người dân rất khổ, nhất là những người đau ốm. Có khi người đó không phải chết nhưng do chậm trễ tàu bè nên chết oan uổng”, ông Lũy buồn buồn.

Ông còn nói vui rằng hên cho chúng tôi gặp được ông ở trụ sở vì may mắn có thuyền qua chứ cán bộ ở đây muốn đi công tác phải phụ thuộc tàu bè hết. “Cán bộ công chức đi phương tiện nhỏ thì không đảm bảo, mà thuê thuyền lớn thì không có kinh phí. Địa phương phải cắt xén kinh phí hoạt động để hợp đồng với chủ phương tiện. Tính ra tiền đi qua lại một tháng của tất cả cán bộ xã khoảng 6 triệu đồng/phương tiện. Hiện có 2 thuyền hợp đồng với xã chuyên chở cán bộ, mỗi tháng mất 12 triệu. Mong muốn của xã là được cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí để hợp đồng phương tiện chứ ngân sách của xã quá eo hẹp”.

Báo cáo từ UBND huyện Lý Sơn cho hay tuyến đường thủy nội địa đảo lớn Lý Sơn-đảo Bé có 5 phương tiện tham gia hoạt động (4 thuyền gỗ và 1 ca nô) vận chuyển hàng hóa và hành khách. Hiện xã đảo này đã đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch, năm 2016 sẽ phấn đấu tăng thêm 3 tiêu chí là giao thông, chợ nông thôn và tiêu chí môi trường.

Mong rằng một năm mới cuộc sống người dân sẽ khang trang hơn nhờ dòng điện thắp sáng. Mong rằng những khó khăn còn tồn đọng của người đảo Bé sẽ được quan tâm hỗ trợ, để nơi xa xôi trên biển tổ quốc vẫn luôn gần gũi với đất liền.

 


  • 11/02/2016 08:46
  • Theo Một thế giới
  • 10729


Gửi nhận xét