Ước mơ trên những vuông tôm

Với tốc độ tăng không ngừng về cả diện tích và sản lượng, Sóc Trăng hiện đã vươn lên dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi tôm. Để nâng cao sản lượng và phát triển ngành tôm bền vững, vai trò của ngành Điện hiện tại và trong những năm tới là rất quan trọng.

Sáng kiến tiêu điểm của ngành Điện

Không có nhiều thời gian nên giữa trưa nắng, chúng tôi vẫn chạy về Vĩnh Châu thuộc huyện Trần Đề để được mục sở thị sáng kiến giá trị nhất năm 2017 của Công ty Điện lực Sóc Trăng (PC Sóc Trăng). Sáng kiến tiết kiệm điện trên những vuông tôm, đang là tâm điểm chú ý của ngành Điện, đặc biệt là với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm tới hơn 90% diện tích nuôi tôm của cả nước.

Lắp đặt cánh quạt tùy thuộc diện tích các vuông tôm

Nằm ở cửa Nam hạ nguồn của sông Hậu, nơi sông Hậu đổ vào biển Đông tại hai cửa Định An và Trần Đề, khí hậu nhiệt đới gió mùa, ít bão lũ nên Sóc Trăng có đủ “thiên thời, địa lợi” để phát triển nuôi tôm nước lợ qui mô công nghiệp và bán công nghiệp.

Dọc con đường Nam sông Hậu, hướng ra phía biển, là san sát những vuông tôm và mỗi khu vực đều có những trạm biến áp điện 3 pha để phục vụ người dân nuôi tôm. Đứng trên vuông tôm, nhìn những cánh quạt khỏa nước rào rào, bắn nước lên trắng xóa thật đẹp mắt. Cảm giác yêu quê hương, đất nước bỗng dâng trào, len lỏi trong tim thật khó tả. 

Chỉ vào dàn quạt mới tinh đang đều đều chạy, cung cấp ô xi hòa tan để nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Nhiệm – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh cho biết, “năm ngoái, khi PC Sóc Trăng triển khai hỗ trợ các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm, tôi đã xung phong làm ngay. Mặc dù ngành Điện hỗ trợ sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U và khuyến khích lắp đặt trục quay của động cơ đồng trục với trục quay của dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn, nhưng tôi đã đầu tư luôn đồng bộ cả đồng trục, con lăn và bộ truyền động mô tơ nên lượng điện năng tiết kiệm được rất lớn, tính ra đến gần 50%. Thấy hiệu quả, nên năm nay tôi sẽ tiếp tục đầu tư hết số diện tích khoảng 20 ha tôm gia đình đang nuôi, nếu suôn sẻ chỉ vài vụ là tôi thu hồi vốn.

Nghe ông Nhiệm nói mà tôi thấy “choáng”. Trước đó, qua kết quả khảo sát sơ bộ của PC Sóc Trăng, thì sau một năm triển khai “Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm hiện đang sử dụng thiết bị hiệu suất thấp giai đoạn 2016-2017”, với giải pháp sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U tỉ lệ tiết kiệm là 15,2%. Còn giải pháp lắp đặt trục quay của động cơ đồng trục với trục quay của dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn tỉ lệ tiết kiệm là 38,7%. Nhưng với kiểu đầu tư mạnh tay của ông Nhiệm, con số thực tế còn lớn hơn. Với những hộ nuôi tôm công nghiệp, mỗi năm chi hàng tỉ tiền điện thì con số tiết kiệm cũng được tính bằng tiền tỉ, niềm mơ ước đang nằm trong tầm tay.

Điện - “Lương thực của ngành công nghiệp”

Dẫn tôi đi dọc theo vuông tôm, ông Nhiệm tiếp tục kể giọng đầy tự hào. “Cô thấy không, ai đó nói điện là “lương thực của ngành công nghiệp” tôi thấy quá chính xác. Nuôi tôm công nghiệp mà không có điện 3 pha thì không làm được. Ở đây ngành Điện làm tốt lắm, kéo được điện 3 pha vào sâu trong các vuông tôm nên ngành nuôi tôm mới phát triển được như vầy”.

Theo số liệu của UBND tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 31/12/2017, nuôi tôm nước lợ 54.361 ha; diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đạt 48.128 ha. Và con số này đang tiếp tục tăng lên mỗi năm, song song với việc sản lượng điện cung cấp cho nuôi tôm cũng tăng theo.

Ngược lại 20 năm trở về trước, nghề nuôi tôm chưa phát triển. Ngành Điện thậm chí còn chưa có khái niệm cung cấp điện cho nuôi tôm, mà tại Sóc Trăng điện mới chỉ tập trung cho tưới tiêu cà phê. Tuy là một tỉnh nhỏ, nhưng hệ thống điện 3 pha phục vụ nuôi tôm của Sóc Trăng lại được đánh giá là số 1. Bởi nắm bắt được nhu cầu của người dân về sử dụng điện trong nuôi tôm, PC Sóc Trăng đã rất nỗ lực đầu tư vào lưới điện cung cấp, kéo đường dây trung thế về các khu vực nuôi tôm để bà con hạ trạm, kéo điện về các vuông tôm.

Nhờ có nguồn điện nuôi tôm, bộ mặt Sóc Trăng đã có nhiều thay đổi, mà điển hình phải kể đến là Cù Lao Dung. Là cồn đất chạy dài hơn 40 km trên sông Hậu, càng về cuối, Cù Lao Dung càng nở ra.Nơi đây những năm trước nổi tiếng với nghề trồng mía. Năm 1998, PC Sóc Trăng quyết định kéo điện vượt sông Hậu về Cù Lao Dung, hoàn thành điện khí hóa nông thôn cho huyện đảo, chấm dứt cảnh đèn dầu đêm đêm. Có điện, người dân cũng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tăng gia sản xuất.

Nhưng nuôi tôm ở Cù Lao Dung bắt đầu rộ lên từ trước năm 2014, do giá mía giảm sâu, người dân trồng mía thua lỗ, bắt đầu nhìn thấy tiềm năng lớn hơn từ nuôi tôm công nghiệp, nên phá mía nuôi tôm, dẫn đến nhu cầu điện tăng vọt. Để đảm bảo điện ổn định cho bà con, năm 2016, PC Sóc Trăng đầu tư lắp đặt một trạm biến áp 110 kV tại Cù Lao Dung. Có trạm biến áp, người dân Cù Lao Dung như có thêm sức mạnh, nhà nhà nuôi tôm. Theo số liệu của UBND huyện, tính đến tháng 6/2017, Cù Lao Dung đã thả nuôi được trên 1.338,6 ha tôm nước lợ, trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ là 1.138,9 ha và nuôi tôm sú 199,7 ha.

Nói thế để thấy, vai trò của ngành Điện lớn đến cỡ nào.

Dự định cho tương lai

Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Nam, đơn vị quản lý trực tiếp PC Sóc Trăng, thì qua khảo sát, nhu cầu dự kiến đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện trung, hạ thế phục vụ nuôi tôm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 còn cần khoảng hơn 5.110 tỉ đồng, với hàng nghìn trạm biến áp và hàng nghìn km đường dây trung thế và hạ thế cần cải tạo, xây mới.

Mặc dù năm 2017, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã bố trí 303 tỉ đồng bằng nguồn vốn tự có để thực hiện đầu tư nâng cấp điện phục vụ nuôi tôm với tiêu chí ưu tiên các khu vực cấp bách có diện tích ao nuôi phát triển mạnh, nhưng con số này vẫn không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện của người dân.

Cũng theo báo cáo này, việc khảo sát thực tế tại 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng cho thấy người dân vẫn sử dụng thiết bị điện hiệu suất thấp và chưa có giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm. Vì thế, việc triển khai thí điểm “Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm hiện đang sử dụng thiết bị hiệu suất thấp giai đoạn 2016-2017”, đang là tiêu điểm của ngành Điện, cần thực hiện triệt để bên cạnh giải pháp đầu tư cấp điện.

Với hai giải pháp sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U tiết kiệm 15,2% và lắp đặt trục quay của động cơ đồng trục với trục quay của dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn, tiết kiệm 38,7%, đã được Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng kiểm chứng, thì các cơ quan quản lý và người dân có thể hoàn toàn tin tưởng vào hiệu quả của chương trình.

Về phía Tổng công ty Điện lực miền Nam và PC Sóc Trăng đã có những đánh giá sơ bộ để đề xuất các biện pháp thúc đẩy, trong đó có giải pháp hỗ trợ kinh phí cho các hộ nuôi tôm để nhân rộng mô hình nuôi tôm, cũng như nuôi trồng thủy sản tiết kiệm năng lượng.


  • 24/04/2018 10:54
  • Theo Tạp chí Công Thương
  • 11839