Tuyên truyền về điện hạt nhân: Phải liên tục và lâu dài

Để đảm bảo chương trình phát triển điện hạt nhân thành công ở Việt Nam, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước và phải tiến hành thường xuyên, liên tục trong các giai đoạn tiếp theo.

Yếu tố quan trọng

Dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2009. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về điện hạt nhân tại Việt Nam đã được thực hiện từ rất sớm. Tháng 8/2002, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Diễn đàn công nghiệp nguyên tử Nhật Bản (JAIF) đã phối hợp tổ chức triển lãm “Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình” tại tỉnh Ninh Thuận và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân địa phương.

Từ đó đến nay, đã liên tục diễn ra các cuộc hội thảo, triển lãm trong nước và quốc tế về điện hạt nhân. Ngày 17/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 906/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2030, với mục tiêu đạt được tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện cả nước.

Quyết định này đã chỉ rõ các giải pháp tuyên truyền về điện hạt nhân gồm: Xây dựng Chương trình thông tin đại chúng về điện hạt nhân đồng bộ với Chương trình phát triển điện hạt nhân; Thường xuyên có sự  phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức liên quan nhằm tạo được sự nhận thức đúng đắn của công chúng về phát triển điện hạt nhân; đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời và minh bạch về lợi ích cũng như sự cần thiết phải phát triển điện hạt nhân; duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với các giai đoạn thực hiện Dự án điện hạt nhân, từ chuẩn bị đầu tư, triển khai cho đến đưa vào vận hành.

Mới đây, Hội nghị Tập huấn thông tin, truyền thông về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đã diễn ra tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Lần đầu tiên một hội nghị tập huấn thông tin, truyền thông về phát triển điện hạt nhân được tổ chức cho các tuyên truyền viên, cán bộ các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội của Trung ương và địa phương.

TS Hoàng Anh Tuấn – Phó cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng Nguyên tử khẳng định, công tác thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công, đảm bảo an toàn, an ninh Chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam. Riêng đối với tỉnh Ninh Thuận – nơi xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, công tác thông tin, tuyên truyền  càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, làm cho nhân dân trong Tỉnh hiểu và ủng hộ chủ trương phát triển điện hạt nhân của Đảng và Nhà nước.

Một mô hình nhà máy điện hạt nhân của Nga được trưng bày tại Triển lãm về điện hạt nhân diễn ra tại Hà Nội trong tháng 10/2012   Ảnh: Huyền Trang

Tuyên truyền một cách khoa học

Điện hạt nhân là lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật đòi hỏi phải có trình độ khoa học, công nghệ cao và rất nhạy cảm về mặt an toàn. Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng, hiểu biết đầy đủ về điện hạt nhân, các vấn đề an toàn, an ninh hạt nhân, về chương trình, kế hoạch phát triển điện hạt nhân quốc gia sẽ là cơ sở  tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong nước và sự hợp tác quốc tế và là sự đảm bảo hàng đầu để thực hiện thành công cũng như phát triển bền vững điện hạt nhân ở Việt Nam.

Vì vậy, “công tác thông tin, tuyên truyền cần được tiến hành một cách thực sư khoa học, toàn diện, mang tính chiến lược lâu dài, hướng đến từng người dân, từng địa phương địa nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng như trong cả nước” - Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến cho biết.

Theo đó, các cơ quan báo chí cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của công chúng đối với việc phát triển và ứng dụng điện hạt nhân; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các đối tác liên quan trong việc phát triển điện hạt nhân; cung cấp thông tin trong quá trình hoạch định chính sách ở các cấp quản lý; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Ông Nguyễn Cường Lâm – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trưởng ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cũng cho biết thêm: “Phát triển điện hạt nhân là chương trình quốc gia, EVN với tư cách là chủ đầu tư hai dự án đầu tiên, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương”.

Để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân, theo ông Lâm, nên tổ chức các buổi tập huấn cho các tuyên truyền viên, tổ chức hội thảo, tọa đàm cung cấp những kiến thức cơ bản về nguyên tử, hạt nhân và điện hạt nhân; giới thiệu các thuật ngữ, khái niệm về điện hạt nhân thường gặp trong báo chí; giúp những người làm công tác thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân dễ dàng tiếp cận và theo dõi các thông tin về nghiên cứu, ứng dụng năng lượng hạt nhân nói chung và điện hạt nhân nói riêng ở trong nước và trên thế giới. Quan trọng hơn là góp phần thực hiện thành công chương trình điện hạt nhân của Việt Nam, từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Dự thảo Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao Cục Năng lượng Nguyên tử chủ trì, phối hợp soạn thảo và sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong thời gian tới.

Các kênh truyền thông chủ yếu là: Phổ biến kiến thức cho học sinh THPT; thành lập hai trung tâm truyền thông tại phía Bắc và phía Nam; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng…

 


  • 13/12/2012 09:36
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 4630


Gửi nhận xét