Từ sự cố đường dây 500 kV nghĩ đến vấn đề an toàn hệ thống điện quốc gia

Sau sự cố bất khả kháng xảy ra trên đường dây 500kV đoạn Di Linh - Tân Định ngày 22/5/2013, đã đặt ra hàng loạt vấn đề, đặc biệt là trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện của quốc gia trong những năm sắp tới. Đây là nội dung bài viết phân tích và bình luận của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi. Ban biên tập trang Website evn.com. vn trân trọng giới thiệu bài viết này. Phần tiêu đề chính và những tiêu đề phụ đã được BBT đặt lại.

Đường dây 500 kV: Huyết mạch của quốc gia

Phải khẳng định rằng, trong nhiều thập kỷ qua, ngành Điện lực Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong 10 năm trở lại đây, ngành Điện đã xây dựng được trên 50 nhà máy phát điện, tăng công suất lên hàng chục nghìn MW, đã xây dựng được hàng trăm nghìn km đường dây và trạm từ 500kV trở xuống, nhằm đáp ứng việc cung cấp điện an toàn liên tục cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Đường dây 500kV mạch 1 có vai trò rất quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Ảnh: H.Hiếu

Đặc biệt, từ năm 1994 trở lại đây, đường dây 500kV mạch 1, dài 1.567 km từ Hoà Bình vào Phú Lâm và sau đó là đường dây 500 kV mạch 2 nối từ Nam ra Bắc, có nhiệm vụ truyền tải điện từ miền Bắc vào Nam và ngược lại đã phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của cả nước nói chung, đặc biệt khu vực miền Trung và Nam, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi xây dựng xong đường dây siêu cao áp 500 kV (mạch 1), Bộ Năng lượng đã ban hành quy phạm về an toàn bảo vệ đường dây cũng như các trạm biến áp, hành lang của đường dây 500 kV có mặt cắt ngang là 40m, chạy suốt từ Bắc vào Nam, độ võng từ đường dây tới mặt đất tuỳ theo từng địa hình được xây dựng đảm bảo khoảng cách an toàn.

Những quy định về an toàn hành lang lưới điện cao áp được quy định rất cụ thể tại Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Thủ tướng Chinh phủ về hướng dẫn thi hành Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Trong đó, có quy định về chiều rộng hành lang (được giới hạn bởi hai mặt phẳng thẳng đứng về 2 phía của đường dây, song song với đường dây có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại được quy định ≥ 7m). Khoảng cách thực tế của cây được trồng tại điểm sự cố cách pha C ngoài cùng theo phương thẳng đứng 14m, nằm ngoài hành lang. Và quy định thứ 2 là về chiều cao của hành lang (được tính từ mặt đất lên tới điểm cao nhất của công trình cộng thêm khoảng cách an toàn theo chiều thẳng đứng được quy định ≥ 6m).

Khoảng cách giữa pha - đất (tức là điểm võng thấp nhất của dây dẫn cách mặt đất) của đường dây 500 kV tại khoảng cột bị sự cố theo quy định > 10m, trong khi khoảng cách thực tế của đường dây tại thời điểm sự cố đạt 19m - nghĩa là phù hợp với quy định.

Thực tế cho thấy, đường dây 500 kV (mạch 1), sau gần 20 năm và đường dây 500 kV (mạch 2), sau gần 10 năm đều vận hành an toàn, chưa  xảy ra sự cố có tính chất nghiêm trọng nào. Cả hai đường dây này hàng ngày đã, đang truyền tải lượng điện từ Bắc vào Nam trên 3.000 MW, bổ sung lượng điện thiếu hụt của miền Nam vào các tháng mùa khô.

Sự cố bất khả kháng

Với sự cố xảy ra tại khu vực Tân Định (tỉnh Bình Dương), ngày 22/5/2013, do một lái xe đưa cần cẩu vào trong hành lang tuyến và cẩu một cây có chiều dài trên 10m đã đập vào đường dây 500 kV gây chập mạch và lập tức máy cắt bảo vệ đường dây cắt đường dây ra khỏi hệ thống lưới để bảo vệ cho hàng chục máy biến áp từ 500 kV đến 220 kV, đồng thời sa thải các nhà máy phát điện ra khỏi hệ thống.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, hệ thống bảo vệ của đường dây và trạm biến áp đã làm việc rất tốt. Chỉ sau hơn 3 giờ, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã chỉ đạo CBCNV tập trung lực lượng, khẩn trương khắc phục sự cố và đóng điện kịp thời, trả lại hệ thống điện hoạt động bình thường cho các tỉnh bị mất điện.

Đây là một sự cố hy hữu, có thể nhận định, người lái cần cẩu không biết gì về quy phạm của hành lang đường dây 500 kV, không ngoại trừ yếu tố phá hoại, cần khẳng định ngành Điện lực Việt Nam không có lỗi gì trong sự cố này.

Hiện trường cố điện nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Bình Dương, ngày 22/5/2013 - Ảnh CTV

Trên thế giới như Ấn Độ, năm 2012 cũng bị sự cố tương tự, mất điện cả một vùng rộng lớn hàng chục giờ, và các nước có đường dây 500 kV như Việt Nam cũng có sự cố hy hữu xảy ra như vậy. Ở đây cần phải nói rõ, do hệ thống đường dây và trạm làm việc rất tốt, nên khi sự cố xảy ra đã lập tức cắt điện, đảm bảo an toàn cho các trạm biến áp, đường dây và các nhà máy ở phía sau, nếu không tác hại xảy ra còn to lớn hơn rất nhiều.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia có 4 công ty truyền tải, được bố trí từ Bắc vào Nam, mỗi một công ty truyền tải có rất nhiều đơn vị nhỏ hơn, đóng chốt dọc chiều dài đường dây để thường xuyên kiểm tra an toàn đường dây, xử lý sự cố, các hư hỏng, cũng như làm nhiệm vụ bảo dưỡng đường dây theo định kỳ hoặc đột xuất.

Việc hành lang tuyến thường xuyên được phát cây, dọn dẹp đúng quy phạm, kể cả những cây cao trên 10m, nằm ngoài hành lang tuyến cũng được chặt để phòng tránh mưa bão gây đổ cây đập vào đường dây điện. Tuy nhiên, qua sự cố này, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cần phải cho rà soát lại trên toàn tuyến của đường dây 500 kV, 220 kV còn chỗ nào cây nằm ngoài hành lang có chiều cao trên 10m thì phải cho đốn hạ.

Nhanh chóng xây dựng đường dây 500 kV mạch 3

Để đảm bảo một hệ thống điện thường xuyên vận hành trong trạng thái an toàn và chất lượng cao trong thời gian tới, EVN cần phải tìm nguồn vốn để đầu tư xây dựng một đường dây 500 kV Bắc - Nam thứ 3.

Trong nhiều năm qua, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư xây dựng đường dây 500 kV ở nhiều khu vực và nhiều đường dây 220 kV, cũng như các trạm biến áp, trong đó có việc mở rộng trạm 500 kV Phú Lâm và các trạm biến áp khác, đã xây dựng hoàn thành đường dây 500 kV truyền tải điện từ Nhà máy Thuỷ điện Sơn La kết nối với đường dây 500 kV Bắc - Nam.

Việc xây dựng các đường dây 500 kV, 220 kV và các đường dây phân phối cần rất nhiều nguồn vốn, và đặc biệt khó khăn nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Hiện tại, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đang gấp rút xây dựng hoàn thành đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, dài 135km và đã hoàn thành đường dây 220 kV Đắc Nông - Phước Long - Bình Long để cấp điện cho khu vực miền Nam. Riêng đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đang gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, nên chậm tiến độ.

Để có một hệ thống điện thực sự an toàn và có tính bền vững, cần phải thực hiện hoàn thành các dự án nguồn điện, cũng như đường dây truyền tải điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu thực hiện được như vậy, sẽ có 52 nhà máy điện được bố trí đều khắp từ các miền Bắc - Trung - Nam. Trong đó, tập trung xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than.

Ví dụ: Khu vực Thái Bình, có nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, tổng công suất 3.600 MW; Vũng Áng, có Vũng Áng 1,2,3, công suất trên 3.000 MW; Quảng Trạch, Quảng Bình, công suất 2.400 MW; Bình Định, Ninh Thuận; Vĩnh Tân có 4 nhà máy trở thành trung tâm nhiệt điện than công suất trên 4.000 MW; Duyên Hải có Duyên Hải 1,2,3,4, công suất trên 4.000 MW; Long Phú, công suất 1.200 MW và nhiệt điện than Sông Hậu, công suất 2.100 MW…

Tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than khi hoàn thành sẽ nâng thêm 36.000 MW điện cho hệ thống điện quốc gia. Lúc đó, việc xây dựng các đường dây 500 kV và các trạm biến áp nối từ các nhà máy phát điện lên đường dây 500 kV Bắc - Nam và xây dựng đường dây, trạm 220 kV phục vụ cho từng khu vực của từng nhà máy, hệ thống được kết nối mạch vòng đường dây và trạm 220 kV, đặc biệt là kết nối mạch vòng đường dây và trạm 500 kV.

Việc bố trí hệ thống bảo vệ trên các đường dây và trạm được tổ chức theo một nguyên lý khoa học, đảm bảo hệ thống lưới điện vận hành an toàn, khi có sự cố cũng chỉ diễn ra trong một vùng hẹp và lập tức được khôi phục ngay, việc các nguồn điện được phân bổ đều từ Bắc vào Nam - tập trung nhiều công suất hơn, nhằm cân bằng việc cung cấp điện cho phụ tải ba miền một cách hợp lý, sẽ giảm tổn thất trong việc truyền tải điện, lúc đó gánh nặng của các đường dây 500 kV Bắc - Nam cũng được giảm nhẹ.

Triển khai Quy hoạch điện VII: Tập trung và quyết liệt

Vấn đề quan trọng bậc nhất là cần phải có nhiều vốn để cho EVN, PVN, TKV đầu tư xây dựng các dự án. Bên cạnh đó, phải khẩn trương xây dựng hệ thống hạ tầng để cung cấp than vào từng nhà máy, đồng thời phải có kế hoạch cân đối than trong nước và than nhập khẩu, để khi nhà máy hoàn thành thì đã có than sử dụng.

Mặt khác, hiện nay, việc quy hoạch khí cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện khí chưa được thực hiện, đặc biệt đường ống Lô B cung cấp khí cho Khu nhiệt điện Ô Môn đến nay chưa triển khai, trong lúc đó, theo kế hoạch đến năm 2016 trên 3.000MW nhiệt điện Ô Môn đã đi vào vận hành.

Theo dự báo, cuối năm 2020 lượng khí tự nhiên sẽ cạn kiệt, do vậy, ngay từ bây giờ phải tính toán phương án nhập khẩu khí hoá lỏng - LNG...

Theo Quy hoạch điện VII, cần khoảng 58 tỷ USD cho việc xây dựng các nhà máy và cần khoảng 15 tỷ USD cho việc xây dựng mới cũng như cải tạo hệ thống lưới điện cũ. Vấn đề đặt ra là tổ chức nghiên cứu lại Quy hoạch điện VII, bởi lẽ hiện nay, các dự án nằm trong quy hoạch đều chậm tiến độ, chỉ có EVN, PVN đang triển khai xây dựng một số dự án, trong đó có nhiều dự án nằm ở khu vực miền Nam.

Vấn đề tổ chức điều hành, chỉ đạo thực hiện Quy hoạch điện VII phải hết sức mạnh mẽ, tập trung cao độ và quyết liệt, lấy tinh thần chỉ đạo xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam (1992-1994) do Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt khởi xướng và chỉ huy làm gương.

Đường dây được xây dựng đầu tiên ở Việt Nam có điện áp siêu cao là 500 kV đi dọc dãy núi Trường Sơn, có độ dài 1.567 km, đáng lẽ phải xây dựng trong 7-8 năm, nhưng Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo ngành Năng lượng tập trung xây dựng trong 2 năm hoàn thành.

Giải bài toán về vốn và giá điện?

Hiện nay, gánh nặng xây dựng các nhà máy phát điện, các đường dây và trạm biến áp theo Quy hoạch điện VII đang đè nặng lên vai các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, nhưng các tập đoàn này đều trong tình trạng không có vốn, vốn vay cũng khó thu xếp, vì hoạt động của ba tập đoàn này đang bị lỗ.

Trong đó, theo Quy hoạch điện VII có hành chục dự án đầu tư theo hình thức BOT của các nhà đầu tư nước ngoài được đăng ký, nhưng đến nay chưa có dự án nào triển khai và có khả năng bỏ cuộc, bởi lý do giá điện Việt Nam còn thấp, các nhà đầu tư sẽ không có lợi nhuận và không thu hồi được vốn.

Để thực hiện được việc đại sự nêu trên, Chính phủ cần có những quyết sách thật mạnh mẽ, trước hết cần hỗ trợ vốn bằng nhiều nguồn khác nhau cho các dự án của các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Than - Khoáng sản Việt Nam để xây dựng được một số nhà máy cần thiết và quan trọng tới năm 2020 nhằm tăng thêm nguồn điện cho đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ở đây cũng cần phải đề cập thêm, mỗi một lần tăng giá điện (chỉ có 5%) đã bị nhiều người phản đối, nếu không tăng giá điện ở mức độ hợp lý thì các tập đoàn trên, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thường xuyên bị lỗ, bởi vì giá bán điện hiện nay của các tập đoàn đang thấp hơn giá thành sản xuất, không có lợi nhuận, không có nguồn vốn tái đầu tư phát triển...

Do đó, vấn đề lớn nhất hiện nay về chính sách giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng là hết sức quan trọng, nó quyết định đến sự phát triển bền vững mang tính chiến lược lâu dài của hệ thống năng lượng quốc gia.


  • 11/06/2013 02:47
  • Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam
  • 5727