Trước mỗi bài báo phản biện, phản ứng của chúng tôi là…!

Để tránh cho doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng truyền thông thì cần không để xảy ra những nguy cơ gây ra khủng hoảng, có nghĩa mỗi cá nhân, bộ phận của đơn vị phải thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất các nhiệm vụ được giao...

Ông Lê Xuân Thái – Trưởng ban Quan hệ cộng đồng - Tổng công ty Điện lực miền Nam: Là một kênh tích cực để đơn vị nâng cao chất lượng phục vụ

Khi phát hiện những bài báo phản biện về hoạt động của đơn vị, theo tôi, trước hết cần tìm hiểu ngay nguyên nhân vấn đề đó là gì để có hướng giải quyết kịp thời.

Có thể lý giải theo những hướng sau: Người viết chưa hiểu rõ, không có được thông tin đầy đủ; hoặc cố tình bôi xấu có mục đích; nêu ý kiến làm sai lệch bản chất của vấn đề;  hoặc đơn vị có sai sót và ý kiến phản ánh là đúng…

Nếu nguyên nhân là chưa kịp thời cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin cho các cơ quan báo chí và cộng đồng xã hội hoặc trường hợp bài báo phản ánh đúng thì cần có ngay thông tin phản hồi, tiếp thu khắc phục, sửa chữa. Với những thông tin sai lệch, chúng tôi sẽ tổ chức họp báo để giải thích, trao đổi thẳng thắn. Nếu chưa đến mức cần thiết phải họp báo thì cần có thông tin phản hồi ngay cho cơ quan báo chí và yêu cầu đính chính.

Riêng đối với những trường hợp báo chí phản ánh đúng thì đơn vị cần thể hiện ngay tinh thần cầu thị: Một mặt, gửi văn bản tiếp thu ý kiến, cảm ơn đến cơ quan báo chí đăng tải thông tin và tác giả vì đã phát hiện và nêu vấn đề, đồng thời nêu biện pháp khắc phục sửa chữa một cách tích cực. Mặc khác, tích cực phối hợp với các bộ phận liên quan giải quyết ngay sự việc và có kết quả thì cũng thông tin cho báo chí và tác giả biết.

Để tránh cho doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng truyền thông thì cần không để xảy ra những nguy cơ gây ra khủng hoảng, có nghĩa mỗi cá nhân, bộ phận của đơn vị phải thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất các nhiệm vụ được giao. Tiếp thu mọi yêu cầu, thắc mắc của người dân, khách hàng và giải quyết nhanh chóng với tinh thần cầu thị, đồng thời xem đó là một kênh tích cực cho đơn vị cải tiến thái độ, chất lượng phục vụ. Gắn việc trao đổi, cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về hoạt động của đơn vị đến với cơ quan báo chí, cộng đồng xã hội, nhằm tránh những suy diễn tiêu cực không đáng có.
 

Bà Nguyễn Hoàng Anh - Phó chánh văn phòng, Phụ trách truyền thông – Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội: Cùng phối hợp với báo chí trên tinh thần cầu thị

Thông tin nhanh, chính xác là đòi hỏi "sống còn" của từng tòa soạn. Nhưng mỗi thông tin nhà báo đưa đến với công chúng phải là một thông điệp tích cực, có tiêu chí, quan điểm rõ ràng, có sự cân nhắc lợi-hại đối với việc tiếp nhận thông tin của công chúng. Đây là đòi hỏi tất yếu của xã hội. Với báo chí, nhìn thẳng vào sự thật chính là tôn trọng sự thật khách quan, và nói rõ sự thật khi đã đánh giá đúng sự thật - tìm hiểu, phân tích tới bản chất sự thật. Với phương châm tôn trọng, cầu thị và vì quyền lợi khách hàng, EVN HANOI luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN HANOI theo định hướng EVN HANOI hoạt động hướng tới khách hàng và xã hội.

Trước những bài báo mang tính phản biện với doanh nghiệp, chúng tôi luôn luôn phải đọc kĩ, phân tích kĩ và liên hệ với tác giả bài báo để cùng trao đổi quan điểm viết của tác giả. Nếu thông tin đúng và mang tính góp ý xây dựng, chúng tôi sẽ tiếp thu, sẵn sàng tiếp nhận và có giải pháp khắc phục. Nếu thông tin chưa chính xác, chúng tôi sẽ  trao đổi, phân tích và phản hồi bằng văn bản. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin thường xuyên, nhanh và kịp thời cho các cơ quan thông tin truyền thông cũng là yếu tố quan trọng để các nhà báo có cái nhìn toàn diện về ngành Điện Thủ đô.

Việc giao tiếp, chia sẻ thông tin với các nhà báo cũng cần đòi hỏi kinh nghiệm giao tiếp, năng lực chuyên môn và bản lĩnh vững vàng để làm sao cho các nhà báo hiểu, thông cảm và chia sẻ những khó khăn vất vả của doanh nghiệp.
 

Ông Võ Công Hiền – Nhân viên văn phòng - Công ty Điện lực Gia Lai: Tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc

Là một trong những ngành có liên quan mật thiết đến đời sống người dân, nên các thông tin nhiều chiều về ngành Điện xuất hiện liên tục trên báo chí và phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, khi tiếp nhận những thông tin này, chúng ta cần có sự chọn lọc, đặc biệt là đối với những người làm công tác truyền thông trong ngành Điện.

Với lợi thế là người “trong cuộc” có những kiến thức cơ bản về ngành, chúng ta cần phối hợp trực tiếp và chặt chẽ với báo chí khi có những bài báo phản biện, tìm ra hướng giải quyết và phản hồi thông tin một cách đúng mực, kịp thời.
Cần để độc giả cảm nhận được thái độ cầu thị, khắc phục những tồn tại, yếu kém của ngành, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển của đất nước và nhân dân.

Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành Điện cần có sự chủ động, hợp tác thông tin với cơ quan báo chí và nhà báo, nhằm thông tin kịp thời những vấn đề xã hội quan tâm, người dân thắc mắc. Đây cũng là một trong nhiều “con đường” xây dựng hình ảnh đẹp về ngành Điện trong mắt khách hàng sử dụng điện.


  • 06/07/2013 11:05
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4147


Gửi nhận xét