Trung tâm Tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng thành phố Hồ Chí Minh: Những hiệu quả thiết thực

Hơn 2200 cuộc gọi, trong đó có nhiều thông tin sự cố nóng về hạ tầng giao thông, cấp nước, chiếu sáng… đã được Trung tâm tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng tại Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC) tiếp nhận và xử lý. Đó là những hiệu quả thực tiễn sau một tháng Trung tâm chính thức khai trương và đi vào hoạt động.

Mô hình mới

Trung tâm tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng (TTSCHT) là đơn vị thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh, do Sở Thông tin truyền thông trực tiếp quản lý. Đây là sáng kiến được UBND thành phố Hồ Chí Minh triển khai dựa trên mô hình của Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN HCMC. Sau 1 năm đi vào hoạt động, thành công của Trung tâm chăm sóc khách hành EVN HCMC đã được dư luận xã hội đồng thuận và UBND thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của Trung tâm tiếp nhận TTSCHT hiện nay.

Sau một thời gian chuẩn bị, Trung tâm tiếp nhận TTSCHT thành phố Hồ Chí Minh đã khai trương và đi vào hoạt động chính thức từ ngày 10/4/2013. Trung tâm được đặt tại trụ sở chính của EVN HCMC, có trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm được chuyển từ chính Trung tâm CSKH EVN HCMC. Nguồn kinh phí hoạt động sẽ được cấp từ UBND TPHCM. Tuy nhiên hiện tại EVN HCMC đang hỗ trợ tạm ứng chi phí ban đầu để thực hiện và sẽ hạch toán lại sau với UBND TPHCM thông qua Sở Thông tin Truyền thông.

Phó chủ tịch UBND TP. HCM Lê Mạnh Hà thực hiện nghi thức khai trương trung tâm
Tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng thành phố HCM. Ảnh: EVN HCMC

Và những hiệu quả thực tiễn

2242 cuộc gọi trong 1 tháng hoạt động đầu tiên, trong đó có nhiều thông tin nóng về các sự cố hạ tầng giao thông đô thị, viễn thông, hệ thống chiếu sáng… là minh chứng rõ nhất về hiệu quả thực tiễn của Trung tâm tiếp nhận TTSCHT.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực, ông Ngô Anh Việt – Giám đốc Trung tâm, cho biết: Mặc dù thời gian hoạt động còn ngắn, mô hình hoạt động mới, nhưng trung tâm đã nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng và dư luận. Hầu hết các cuộc gọi đến Trung tâm đều nhằm thông báo, thắc mắc những thông tin rất gần gũi, thiết thực với cuộc sống. Trong đó, thường gặp nhất là các cuộc gọi thông báo về sự cố ổ gà, ổ voi, sụt lún đường, vỡ đường ống dẫn nước, cây xanh đổ gãy, dây thông tin thòng xuống thấp gây nguy hiểm… Những hiện tượng này được thông báo sớm đã giúp các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin và có hướng xử lý, khắc phục kịp thời, tạo niềm tin và sự yên tâm cho người dân.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Anh Việt, vì Trung tâm mới đi vào hoạt động và cũng chưa từng có tiền lệ trước đó tại Việt Nam nên quá trình hoạt động là phải vừa làm, vừa điều chỉnh cho phù hợp với thực tế để dần hoàn thiện. Ông Việt cũng nêu quan điểm, việc phối hợp tiếp nhận thông tin từ Trung tâm tới các đầu mối và thực hiện xử lý cần có một quy trình cụ thể, rõ ràng hơn. Quan trọng nhất là phải có sự phối hợp tích cực của các đơn vị tham gia cũng như các cán bộ thực hiện. Ngoài ra, cũng rất cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các đơn vị chủ quản để duy trì và phát huy hiệu quả của toàn hệ thống.

Ông Việt cũng khẳng định, sau thời gian hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả thực tiễn, Trung tâm có thể mở rộng để phục vụ cho các tỉnh, thành phố khác nếu có nhu cầu thực hiện.


  • 05/06/2013 10:38
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới Điện
  • 2769


Gửi nhận xét