Trung tâm Nhiệt điện Mông Dương: Sẽ góp phần giải “cơn khát” điện

Dự kiến đến 2020, tổng công suất nhiệt điện đốt than của Việt Nam cần khoảng 36.000 MW, chiếm gần 47% tống công suất phát của hệ thống. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đang thực thi nhiều chính sách, giải pháp, trong đó, đặc biệt khuyến khích hình thức đầu tư BOT các dự án nguồn điện.

Việc xây dựng Trung tâm nhiệt điện Mông Dương (Cẩm Phả - Quảng Ninh) là một trong những giải pháp tăng hiệu suất sử dụng năng lượng đã được Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện VI.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ 15/9-22/10), 2 dự án Nhà máy Nhiệt diện Mông Dương 1 và 2 đã lần lượt khởi công với quy mô gần 2300 MW. Đây là các nhà máy nhiệt điện hứa hẹn tính hiệu quả kinh tế cao bởi sử dụng than chất lượng thấp, một loại tài nguyên khá phong phú và là nhiên liệu rẻ so với các loại nguyên liệu khác. Các nhà máy này đều thực hiện theo phương án đầu tư BOT, trong đó: Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 công suất 1.200 MW; Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 công suất 1.080 MW.

Dự án nhiệt điện Mông Dương 2 (khởi công ngày 15/9) có 2 tổ máy (2x600 MW), sản lượng điện khoảng 8,1 tỷ kWh/năm, tổng mức đầu tư gần 2 tỉ USD. Đây là dự án BOT nhiệt điện thứ 3 đã thu xếp vốn thành công kể từ năm 2001 (sau 2 dự án BOT Nhiệt điện chạy khí Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3). Chủ đầu tư của dự án là Công TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương, được thành lập bởi các công ty thành viên của AES Corporation (Mỹ), Posco Power (Hàn Quốc) và China Investment Corporation (Trung Quốc). Nhà máy sử dụng than cám 6a của Việt Nam. Theo kế hoạch, hoạt động vận hành thương mại của nhà máy sẽ bắt đầu vào giữa năm 2015 và dự kiến chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam sau 25 năm hoạt động. Sau khi xây dựng hoàn tất (dự kiến vào tháng 7/2015), Mông Dương 2 sẽ là dự án nhiệt điện đốt than đầu tiên và là dự án điện tư nhân lớn nhất của Việt Nam cho tới thời điểm này và sẽ đóng góp 7% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam.

Chỉ sau hơn 1 tháng khởi công Nhiệt điện Mông Dương 2, ngày 22/10, Dự án nhiệt điện Mông Dương 1 tiếp tục khởi công với hai tổ máy có tổng công suất lắp đặt là 1.080 MW (2x540 MW), sản lượng điện phát hàng năm 6,5 tỷ kWh, tổng mức đầu tư là 1,7 tỷ USD. Chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Công ty Hyundai Engineering and Construction Co., Ltd - Hàn Quốc (Hyundai E&C) là nhà thầu EPC. Theo kế hoạch, tổ máy số 1 sẽ đưa vào vận hành thương mại sau 40 tháng (quý I/2015) và tổ máy số 2 sẽ đưa vào vận hành sau 46 tháng (dự kiến quý III/2015). Nhà máy sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, thông số hơi cận tới hạn, công nghệ lò hơi đốt than kiểu tầng sôi (CFB) hiện đại, phù hợp với các loại than Antracite có chất lượng thấp của Việt Nam. Đây là công nghệ hiện đại tiên tiến, công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Nhiên liệu sử dụng cho nhà máy là than nội địa, loại than cám 4HG, 5HG, 6HG, TCN và than bùn thải của các mỏ Khe Chàm I, Khe ChàmII, Khe Chàm IIII, Khe Chàm IV, Cao Sơn, Mông Dương, Bắc Khe Chàm, Bắc Cọc 6, Đông Bắc Mông Dương theo Tiêu chuẩn Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ than cho Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 khoảng 3 triệu tấn/năm.

Theo tính toán, khi đi vào hoạt động năm 2015, Mông Dương sẽ trở thành Trung tâm nhiệt điện lớn nhất của Việt Nam, góp phần giải “cơn khát” điện đối với nền kinh tế nước ta hiện nay. Góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Việt Nam.

Sự kiện dự án quy mô rất lớn như nhiệt điện Mông Dương chính thức được triển khai thực hiện đã gợi mở “mô hình” và hướng đi mới trong việc giải quyết tình trạng thiếu điện giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT nếu được quan tâm và tạo điều kiện đúng mức thì hoàn toàn có thể thực hiện các dự án điện lớn trong quy hoạch chung, thúc đẩy khai thác các nguồn lực xã hội.

Phát biểu tại Lễ khởi công Dự án nhiệt điện Mông Dương 1 ngày 22/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định: Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tới, nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng rất nhanh. Theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, nhu cầu tăng trưởng điện phải tăng gấp đôi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Trung tâm Nhiệt điện Mông Dương đi vào vận hành sẽ góp phần làm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng thuỷ điện, tăng tỷ trọng nguồn nhiệt điện trong hệ thống, góp phần giúp hệ thống điện cung cấp điện ổn định trong các tháng mùa khô và thúc đẩy sự phát triển kinh tế nước ta, đặc biệt tại khu vực phía Bắc. Đây lại là dự án quan trọng đáp ứng yêu cầu cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, các chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp tốt với chính quyền địa phương và các Bộ, ngành để thực hiện đảm bảo tiến độ của dự án theo kế hoạch. Trong đó, các bên liên quan phải đặc biệt chú ý đảm bảo các điều kiện giữ gìn môi trường, giảm phát thải CO2 góp phần cung cấp lượng điện ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.


  • 02/11/2011 09:36
  • Theo Báo Công Thương
  • 9484


Gửi nhận xét