Trồng bù rừng các dự án thủy điện: EVN nỗ lực thực hiện trách nhiệm với cộng đồng

Tổng diện tích rừng EVN phải trồng bù do tác động môi trường rừng của các dự án thủy điện mà EVN làm chủ đầu tư hoặc có cổ phần khoảng 13.063 ha. Xác định, đây là trách nhiệm đối với cộng đồng, với đất nước nên EVN đang nỗ lực thực hiện công việc này.

Tuân thủ các quy định của pháp luật

Một số tỉnh đã trồng bù rừng đạt kết quả cao (số liệu của Bộ Công Thương)

– - Hòa Bình: 78,5 ha

– - Quảng Nam: 655,2 ha

– - Kon Tum: 185,97 ha

– - Đắk Lắk: 70 ha

– - Phú Yên: 12,9 ha

 

Theo báo cáo thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện của EVN gửi Bộ Công Thương: Trong 23 năm qua đã có 36 dự án thủy điện công suất trên 60 MW của EVN được xây dựng. Các nhà máy thủy điện của EVN đều đã được lập, trình và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Riêng thủy điện Tuyên Quang và Pleikrông đã được EVN tổ chức thực hiện đề án bảo vệ môi trường để khắc phục việc chưa có báo cáo đánh giác tác động môi trường được phê duyệt trong quá khứ.

EVN cũng đã và đang chỉ đạo các ban quản lý dự án, các công ty thủy điện thực hiện công tác trồng rừng thay thế theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Các công trình thủy điện Sơn La, sông Hinh, Quảng Trị, A Vương, sông Ba Hạ, sông Bung 4, Bản Vẽ, sông Tranh 2 đã và đang thực hiện trồng lại rừng. Các Thủy điện Đồng Nai 3,4, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah… tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và quy hoạch của các tỉnh.

Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc EVN cho biết: Để bảo vệ môi trường xung quanh các công trình thủy điện, EVN xác định việc trồng cây hoàn trả mặt bằng thi công, trồng bù rừng là góp phần phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn vì an toàn sinh thái và cải thiện cảnh quan môi trường cho khu vực xây dựng thủy điện. Đây cũng là trách nhiệm của EVN đối với cộng đồng, với đất nước. Đối với những dự án thủy điện triển khai trong những năm gần đây, việc trồng bù rừng đã được EVN thực hiện tuân thủ theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2013 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

“Ngoài việc trồng bù diện tích rừng đã mất, căn cứ vào sản lượng điện sản xuất ra từ các nhà máy thủy điện, EVN đã chi trả dịch vụ môi trường rừng cho địa phương thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của 29 tỉnh, góp phần nâng mức khoán bảo vệ rừng, xóa đói, giảm nghèo… Năm 2013, EVN đã trả tiền dịch vụ môi trường rừng 1.148 tỷ đồng, dự kiến năm 2014 phí dịch vụ môi trường rừng sẽ trả là 1.192 tỷ đồng”, ông Dương Quang Thành nhấn mạnh.

Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - Ảnh X.Tiến

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc trồng bù rừng, tuy nhiên đến nay EVN mới thực hiện trồng bù rừng được khoảng 1.560 ha, chủ yếu được thực hiện theo phương án chuyển tiền để địa phương tổ chức thực hiện.

Lý do triển khai trồng bù rừng chậm, theo ông Dương Quang Thành – Phó tổng giám đốc EVN thì: Một số địa phương chưa xác định được quỹ đất làm cơ sở lập phương án trồng bù rừng. Ngoài ra, phương án trồng bù chậm được phê duyệt do chưa thống nhất được đơn giá, thời gian chăm sóc bảo vệ, diện tích trồng bù đối với diện tích rừng sản xuất đã được chủ đầu tư đền bù đất và tài sản trên đất. Một số dự án chậm có quyết định thu hồi đất khu vực lòng hồ (như Thủy điện Đồng Nai 3, Bản Vẽ).

“Đặc biệt, hiện chưa có hướng dẫn, quy định thống nhất đối với các dự án đã triển khai trước thời điểm hiệu lực của Luật bảo vệ và phát triển rừng, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ trồng rừng thay thế tại các địa phương chưa thống nhất. Quy định về thời gian chăm sóc, bảo vệ, đơn giá trồng rừng, chi phí chăm sóc, bảo vệ, loại cây trồng quy định cũng không giống nhau ở các địa phương”, ông Thành nhấn mạnh.

Với mục tiêu sớm hoàn thành được công tác trồng bù rừng, EVN sẽ nỗ lực phối hợp với Bộ NN&PTNT để có hướng dẫn thực hiện các giải quyết các vướng mắc trong công tác trồng bù rừng đối với các dự án thủy điện đã quyết định đầu tư, xây dựng trước thời điểm hiệu lực của Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tiếp tục tổ chức thực hiện công tác trồng bù rừng đối với các dự án thủy điện còn lại theo quy định.

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát động trồng rừng bảo vệ môi trường thủy điện tại Sơn La - Ảnh X.Tiến

“Nhằm giải quyết khó khăn về thiếu chi phí trồng bù rừng tại các dự án đã, đang quyết toán, EVN đã kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng phí dịch vụ môi trường rừng để trồng bù rừng trong thời gian tới”, ông Thành cho biết thêm.

Về vấn đề trồng bù rừng, theo ông Đặng Huy Cường – Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), hiện Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh cử các đoàn kiểm tra việc thực hiện trồng bù rừng tại các dự án thủy điện, đồng thời chỉ đạo hướng dẫn các chủ đầu tư dự án lập phương án trồng bù rừng, bố trí quỹ đất cũng như cách thức thực hiện phù hợp đặc thù từng địa phương, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội.

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (Phát biểu tại Lễ phát động trồng rừng bảo vệ môi trường thủy điện ngày 22/3/2014 tại Sơn La): Trong thế kỷ XXI này cả thế giới cũng như Việt Nam chúng ta phải đứng trước 4 thách thức lớn: Thách thức về an ninh lương thực, an ninh nguồn nước,  an ninh năng lượng và về biến đổi khí hậu. Cả 4 thách thức này đều có liên quan đến việc chúng ta có thực hiện tốt trồng rừng và bảo vệ rừng hay không kể cả rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, ven sông. Tất cả công tác bảo vệ rừng này sẽ tác động đến việc phát triển bền vững của chúng ta. Tôi yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, UBND tất cả các địa phương trong cả nước và EVN tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ, đặc biệt nghiên cứu để xây dựng nhiều mô hình trồng rừng, bảo vệ rừng một cách bền vững.

 


  • 03/11/2014 04:41
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3179


Gửi nhận xét