Trộm cắp thanh giằng cột điện cao thế: Những hệ lụy khôn lường

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện ra nhiều vụ trộm cắp thanh giằng cột điện cao thế. Tình trạng này đang ở mức báo động và có thể gây ra những hậu quả khôn lường nếu không ngăn chặn kịp thời.

Trộm thanh giằng cột điện bán lấy tiền… chơi game

Ngày 5/11/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quốc Oai (TP.Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Đào Quốc Huy (SN 1989, ở thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Trước đó, chiều 25/10, công an bắt quả tang Đào Quốc Huy đang lấy cắp 7 thanh giằng kim loại tại các cột điện cao thế 220 kV truyền tải điện năng từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình về Hà Nội (thuộc Truyền tải điện Hà Nội quản lý). Theo khai nhận ban đầu của Huy, do nghiện game online, Huy đã 3 lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là các thanh giằng kim loại như trên, sau đó đem bán cho các cơ sở thu mua phế liệu lấy tiền chơi game.

Tình trạng trộm cắp thanh giằng cột điện cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác: Ngày 10/8/2013, phát hiện cột số 22 và 23 đường dây 110 kV Nội Bài cấp điện cho huyện Sóc Sơn và huyện Đông Anh (Hà Nội) đã bị kẻ gian tháo mất 14 thanh giằng.

Tại Thanh Hóa phát hiện kẻ gian tháo trộm 56 thanh giằng cột tại đoạn đường dây từ TBA 110 kV Hoằng Hóa đến TBA 110kV Núi I và Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình; Tại Hải Phòng  phát hiện đã mất 60 thanh giằng ở các cột 133, 134, 135, thuộc địa phận xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo.

Một đối tượng trộm cắp thanh giằng cột điện cao thế bị bắt. Nguồn: Internet

Hệ lụy khôn lường

Theo lãnh đạo Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc, việc mất thanh giằng tại các cột điện cao thế là rất nguy hiểm, có thể gây cong vẹo hoặc làm đổ cột điện. Trong  mùa mưa bão, hành vi trộm cắp thanh giằng càng nguy hiểm hơn, có thể gây mất điện trên diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến công trình quốc gia, thiệt hại không thể lường hết.

Còn ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Truyền tải điện Hà Nội cho rằng: Tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng việc mất các thanh giằng cột điện cao thế có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vì thanh giằng được thiết kế nhằm đảm bảo độ chắc khỏe cho cột điện.

Hiện nay, để hạn chế tình trạng trộm cắp thanh giằng, nhiều đơn vị đã cho “đánh chết” các bulong ở chân cột điện (nơi vị trí có khả năng dễ sờ, dễ lấy) gây khó khăn cho việc tháo trộm. Ngoài ra, các đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời ngăn chặn và phát hiện hành vi trộm cắp. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải được chú trọng. Ngoài việc mở các hội nghị tuyên truyền, các đơn vị ngành Điện cần in tờ rơi, dán áp phích cảnh báo nguy hiểm tại chân cột điện.

Tuy nhiên, theo ông Hồng quan trọng nhất là phải nhờ đến tai mắt của quần chúng nhân dân, chính quyền địa phương và lực lượng công an các cấp. Đề nghị lực lượng chức năng và chính quyền địa phương yêu cầu chủ cơ sở thu mua phế liệu ký cam kết không thu mua dây điện, vật tư ngành Điện của bọn trộm cắp; phát động nhân dân tăng cường cảnh giác, khi phát hiện hoặc nghi ngờ các hành vi trộm thiết bị điện, báo ngay cho công an nơi gần nhất để xử lý và nghiêm trị trước pháp luật.


  • 25/03/2015 03:00
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Thế giới Điện
  • 3766


Gửi nhận xét