“Trâu sắt” trên đồng Tân Uyên

Những chiếc máy cày mini do Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ kinh phí theo Chương trình 30a tại huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu, được người dân gọi là “trâu sắt”. “Trâu sắt” đã đồng hành cùng nông dân các bản, góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thoát nghèo nhờ “trâu sắt”

Thay vì “con trâu đi trước, cái cày theo sau” như trước đây, trên những cánh đồng thuộc huyện Tân Uyên, chúng tôi được chứng kiến những người nông dân đang vận hành thuần thục máy cày mini với gương mặt vô cùng rạng rỡ. Họ gọi máy cày mini bằng cái tên thân mật: “Trâu sắt”.

Gia đình anh Lù Văn Giót, bản Nà Hoi, xã Thân Thuộc vốn là hộ nghèo trong bản. Những năm trước, do không đủ tiền mua trâu cày, nên công việc đồng áng của nhà anh luôn chậm hơn nhiều gia đình khác trong xã. Vì gieo trồng không đúng lịch thời vụ, năng suất, sản lượng thu hoạch rất thấp. Thiếu sức kéo, không khai hoang được ruộng nước, cố gắng mãi, gia đình anh cũng không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Hai năm trở lại đây, được ngành Điện trao tặng máy cày mini, cuộc sống gia đình anh đã khởi sắc.

“Từ ngày có con “trâu sắt” này, gia đình tôi làm đất kịp thời vụ, tận dụng lúc thủy nông thuận lợi, xuống giống lúa đúng trà chính vụ. Nhờ đó, ít bị ảnh hưởng của sâu bệnh, cây lúa, cây ngô, cây lạc… liên tiếp được mùa. Không chỉ có vậy, gia đình tôi còn mạnh dạn khai hoang ruộng lúa nước, nâng tổng diện tích đất sản xuất lên hơn 2.000 m2. Giờ đây, chúng tôi không còn phải đối mặt với cái đói, cái nghèo nữa” - anh Giót phấn khởi chia sẻ.

Chiếc máy cày mini giúp các hộ dân nghèo ở Lai Châu làm đất kịp thời vụ

Trước đây, nhiều hộ gia đình nghèo ở huyện Tân Uyên không có trâu cày. Mỗi khi đến vụ cày bừa, họ phải đi mượn, thuê trâu,... nên xuống giống không kịp thời vụ. Từ khi được ngành Điện tặng máy cày mini, những hộ gia đình này không còn phải lo khi vào mùa. Có máy cày, người dân nghèo phấn khởi, nỗ lực khai hoang, tăng gia sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng. Nhờ đó, kinh tế các gia đình từng bước được cải thiện. 

Không chỉ sử dụng máy cày trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình còn mang “trâu sắt” đi làm công, vừa tạo thu nhập chính đáng vừa giúp các gia đình khác rút ngắn được thời gian làm đất... 

Sau khi hoàn tất việc đồng áng, anh Thào A Tâu (bản Hua Cưởm, xã Trung Đồng) lại rong ruổi khắp cánh đồng cày đất thuê cho các hộ trong bản. Nhờ “trâu sắt” giúp sức, gia đình anh có thu nhập tăng thêm từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Từng là hộ nghèo, nhưng nay gia đình anh Tâu có cuộc sống ấm no hơn. “Từ ngày có trâu sắt, ưng cái bụng lắm. Cây ngô, cây lúa đã tốt hơn, nặng hạt hơn. Tôi còn có thêm nguồn thu nhập từ việc đi cày ruộng thuê. Gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo”, anh Tâu chia sẻ.

Với những người dân nghèo huyện Tân Uyên, những con “trâu sắt” này cũng chính là “đầu cơ nghiệp”. Sau mỗi mùa vụ, gia đình nào cũng bảo dưỡng “trâu sắt” cẩn thận để mùa sau tiếp tục sử dụng đạt hiệu quả cao…

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

Ông Ngọ Doãn Bình - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho biết, trên địa bàn huyện có 40 hộ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ máy cày mini, tổng kinh phí 1 tỷ đồng. Đây là những hộ nghèo, không có sức kéo trong nông nghiệp. 

“Đảm bảo tính khách quan, công bằng, việc bình xét các hộ được thụ hưởng Chương trình tiến hành rất nghiêm túc, theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” - ông Bình cho biết.

Người dân huyện Tân Uyên dùng máy cày mini khai hoang ruộng nước phát triển kinh tế hộ gia đình

Cũng theo ông Bình, Chương trình hỗ trợ máy cày mini cho nhà nông ở Tân Uyên đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các hộ dân từng bước thoát nghèo bền vững. Việc ứng dụng máy móc vào trong sản xuất nông nghiệp không chỉ tiết kiệm sức lao động mà còn giúp người dân rút ngắn được thời gian làm đất, gieo cấy kịp thời vụ. Ruộng lúa, nương ngô được cày sâu, bừa kỹ, nên cây trồng phát triển tốt, nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế cao. 

Đặc biệt, sau khi khảo sát hiệu quả từ Chương trình hỗ trợ máy cày mini do EVN hỗ trợ, nhiều xã của huyện Tân Uyên đã đầu tư, đưa máy cày vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên các cánh đồng của huyện Tân Uyên, hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” đã dần lùi vào quá khứ và được thay thế bằng những “trâu sắt” - máy cày mini kinh tế và hiệu quả. 

Được biết, ngoài hỗ trợ máy cày mini, EVN còn hỗ trợ huyện Tân Uyên xây dựng trường học, nhà bán trú dân nuôi, đưa điện lưới về nông thôn, hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp… Những hỗ trợ của EVN đang góp phần giúp huyện đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo ở Tân Uyên. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm mạnh từ 39,3% (năm 2010) xuống còn 16,69% (năm 2015). Đồng bào các dân tộc có điều kiện tiếp cận với tiến bộ KHCN, vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương… Đây cũng chính là một trong những minh chứng sinh động về thắng lợi của Nghị quyết 30a khi đi vào thực tiễn. 
 


  • 16/01/2017 04:35
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 9146