Tổng quan về chứng chỉ Năng lượng tái tạo, sự khác biệt với Tín chỉ carbon và lợi ích đối với các doanh nghiệp hiện nay

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo đang gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu. Nổi bật trong xu hướng này là sự phát triển của Chứng chỉ năng lượng tái tạo REC - một công cụ thị trường quan trọng đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển năng lượng xanh và bảo vệ môi trường. Chứng chỉ năng lượng tái tạo REC là công cụ quan trọng trong việc chứng minh và xác nhận nguồn gốc tái tạo của năng lượng. Với REC, doanh nghiệp có thể cam kết và chứng nhận sử dụng năng lượng tái tạo, từ đó cải thiện uy tín, tuân thủ pháp luật và thu hút đầu tư.

Chứng chỉ năng lượng tái tạo REC – Renewable Energy Certificate (REC) là một loại chứng chỉ thuộc nhóm Chứng chỉ Năng lượng (Energy Attribute Certificate – EAC), có chức năng xác nhận lượng điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo. REC đóng vai trò là công cụ theo dõi các đặc điểm tái tạo của điện năng, từ giai đoạn sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi REC đại diện cho 1 MWh điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện và điện sinh khối.

Các loại Chứng chỉ năng lượng tái tạo REC

Chứng chỉ I-REC (International Renewable Energy Certificate) là Chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế, được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia và khu vực bao gồm Bắc Mỹ, châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, hơn 95% REC giao dịch quốc tế là I-REC.

Chứng chỉ đảm bảo nguồn gốc năng lượng – Guarantee of Origin (GO) được sử dụng tại thị trường năng lượng Liên minh Châu Âu.

Chứng chỉ năng lượng tái tạo – Renewable Energy Certificates (REC), sử dụng để chứng minh lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, được sử dụng tại thị trường năng lượng Mỹ và Canada.

Chứng chỉ TIGR (Tradable Instrument for Global Renewables) cũng là một loại Chứng chỉ năng lượng tái tạo tương tự I-REC. TIGR do APX phát hành và APX cũng phát triển nền tảng trực tuyến để theo dõi và chuyển giao chứng chỉ này, cho phép các nhà phát triển tạo, xác minh và bán TIGR.

Tác dụng của Chứng chỉ năng lượng tái tạo REC

Trên thực tế, các nguồn điện sau khi phát lên hệ thống điện và được truyền tải, phân phối đến các hộ tiêu thụ, hộ tiêu thụ không thể biết điện năng họ đang tiêu thụ đến từ nhà máy điện nào. Để áp dụng các cơ chế đặc biệt hỗ trợ các nguồn điện năng nhất định mà cụ thể là nguồn điện năng lượng tái tạo, cần phải giải quyết hai nhiệm vụ: Nhận diện một cách chính xác sản lượng điện năng đó (i) khi sản xuất và (ii) khi tiêu thụ. Vì lý do này, Các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ được cấp Chứng chỉ năng lượng tái tạo cho mỗi MWh điện tạo ra. 

Chứng chỉ này có thể dùng cho mục đích tự nguyện hoặc tuân thủ quy định. Trong thị trường tự nguyện, các bên tự chọn tiêu thụ điện sạch thường tuân theo các hướng dẫn tốt nhất từ các khuôn khổ báo cáo bền vững. Còn trong thị trường tuân thủ, Chính phủ yêu cầu các thực thể sử dụng điện từ năng lượng tái tạo như Tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo và các đơn vị/tổ chức sử dụng REC để đáp ứng yêu cầu này.

Đối với doanh nghiệp, sở hữu Chứng chỉ REC mang lại nhiều lợi ích:

Công nhận toàn cầu: Được quốc tế công nhận, chứng minh cam kết của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định về sử dụng năng lượng tái tạo và giảm khí thải carbon. Đây là cách duy nhất để xác nhận sử dụng năng lượng tái tạo từ thị trường năng lượng.

Báo cáo: Công bố cho các tổ chức như CDP, RE100 về việc thực hiện các cam kết bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.

Lợi ích tài chính: Có thể nhận được các ưu đãi của chính phủ như ưu đãi thuế và tăng thêm doanh thu từ việc bán chứng chỉ.

Lợi thế thị trường: Cải thiện uy tín, thương hiệu và tăng khả năng cạnh tranh.

Nhìn chung, việc sở hữu REC và tham gia vào thị trường REC quốc tế rất quan trọng với nhiều công ty toàn cầu và cần thiết để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các công ty có mục tiêu ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp).

Thị trường REC trên thế giới

Chứng chỉ năng lượng tái tạo REC trên toàn cầu đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng tái tạo và các chính sách khuyến khích của chính phủ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường REC dự kiến sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2030. 

Thị trường REC được phân khúc theo khu vực, loại REC và ứng dụng. Bắc Mỹ và châu Âu là hai khu vực có thị trường REC lớn nhất. Về loại REC, REC năng lượng mặt trời chiếm phần lớn thị phần, tiếp theo là REC năng lượng gió và REC thủy điện. Các ứng dụng chính của REC bao gồm đáp ứng các yêu cầu tuân thủ, bù đắp phát thải carbon và giao dịch năng lượng.

Một số xu hướng chính đang định hình thị trường REC toàn cầu bao gồm: Tăng cường vào việc đầu tư năng lượng tái tạo; Các chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn của chính phủ; Nhu cầu ngày càng tăng về bù đắp phát thải carbon; Phát triển thị trường REC ở các nền kinh tế mới nổi.

Tính đến đầu tháng 8 năm 2023, riêng với I-REC, trên thế giới đã có hơn 512,33 triệu chứng chỉ đã được phát hành, tương ứng với công suất 195,2 GW năng lượng tái tạo. Đã có hơn 4.200 dự án tại 48 quốc gia được cấp chứng chỉ I-REC. (Nguồn https://vuphong.vn/chung-chi-nang-luong-tai-tao-rec).

Thị trường REC tại Việt Nam

Chứng chỉ năng lượng tái tạo REC tại Việt Nam còn tương đối non trẻ nhưng đang phát triển nhanh chóng. Theo Bộ Công Thương, thị trường REC Việt Nam có thể đạt 1 tỷ USD vào năm 2030. Thị trường REC Việt Nam được phân khúc theo loại REC và ứng dụng. REC năng lượng mặt trời vẫn chiếm phần lớn thị trường, tiếp theo là REC năng lượng gió và REC thủy điện. Các ứng dụng chính của REC bao gồm đáp ứng các yêu cầu tuân thủ và giao dịch năng lượng.

Một số xu hướng chính đang định hình thị trường REC Việt Nam bao gồm: Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo; Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường REC; Nhu cầu ngày càng tăng về bù đắp phát thải carbon; Tham gia thị trường REC quốc tế.

Tại Việt Nam, chứng chỉ I-REC đã hoạt động từ năm 2014 và được điều hành bởi tổ chức phi lợi nhuận I-REC Standard Foundation. Việc cấp chứng chỉ I-REC tại địa phương do một thực thể độc lập quản lý (số lượng I-REC phát hành tại Việt Nam qua từng năm đến năm 2022 như dưới đây). 

Nguồn https://vepg.vn/wp-content/uploads/2022/12/5.-VIE_USAID-V-LEEP-II-REC-VEPG-Presentation_2022.11.25_Formatted_KE3.pdf

Theo số liệu ngày 25 tháng 10 năm 2023, hiện có 492 dự án đang vận hành với tổng công suất hơn 8.000 MW được cấp chứng chỉ I-REC, bao gồm 353 dự án điện mặt trời, 124 dự án thủy điện và 15 dự án điện gió. Còn với TIGR, hiện có 196 dự án đang vận hành với tổng công suất 864,593 MW được cấp chứng chỉ TIGR, bao gồm 191 dự án điện mặt trời, 3 dự án thủy điện và 2 dự án điện gió. (Nguồn https://vuphong.vn/chung-chi-nang-luong-tai-tao-rec)

REC được tạo ra như thế nào?

Chứng chỉ REC được tạo ra thông qua quy trình xác nhận và tách biệt giữa nguồn năng lượng tái tạo và các giá trị khác của năng lượng (như khí thải CO2). Quy trình này bao gồm các bước sau:
Xác định nguồn năng lượng tái tạo: Đầu tiên, cần xác định nguồn năng lượng tái tạo cụ thể mà chứng chỉ REC sẽ được liên kết.

Xác minh và đánh giá: Một bên thứ ba độc lập thực hiện xác minh và đánh giá quá trình sản xuất năng lượng tái tạo từ nguồn đã xác định. Quá trình này đảm bảo rằng năng lượng tái tạo được sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu cụ thể.

Cấp chứng chỉ REC: Sau khi quá trình xác minh và đánh giá hoàn tất, chứng chỉ REC được cấp phát cho đơn vị sản xuất năng lượng tái tạo. Mỗi chứng chỉ REC biểu thị một đơn vị của năng lượng tái tạo đã được sản xuất.

Giao dịch và sử dụng REC: Chứng chỉ REC có thể được mua bán trên thị trường năng lượng. Các bên mua chứng chỉ REC có thể sử dụng chúng để chứng minh và xác nhận việc sử dụng năng lượng tái tạo, mặc dù họ không mua trực tiếp năng lượng từ nguồn tái tạo. Điều này cho phép họ đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo hoặc tuân thủ các yêu cầu quy định.

Quy trình trên giúp tách biệt giữa năng lượng tái tạo và các giá trị khác của năng lượng, và cho phép các đơn vị mua chứng chỉ REC chứng minh và sử dụng năng lượng tái tạo mà không cần phải mua trực tiếp điện từ nguồn tái tạo.

Sự khác biệt giữa Tín chỉ carbon và Chứng chỉ năng lượng tái tạo I-REC

Cả Tín chỉ carbon và Chứng chỉ năng lượng tái tạo I-REC đều đại diện cho những cách mà chúng ta có thể giảm thiểu lượng khí thải carbon và sự nóng lên toàn cầu. Nhưng chúng cũng là những phương pháp hành động khí hậu khác nhau với các tác động môi trường khác nhau, điều quan trọng là phải hiểu được sự khác biệt của chúng.

So sánh khái niệm Tín chỉ carbon và Chứng chỉ năng lượng tái tạo I-REC

I-REC nhằm mục đích chứng minh rằng một công ty đang sử dụng năng lượng tái tạo, trong khi tín chỉ carbon nhằm mục đích khuyến khích các công ty giảm lượng khí thải của họ. I-REC được tạo ra và bán bởi các nhà máy điện tái tạo, trong khi tín chỉ carbon được tạo ra và bán bởi các dự án giảm phát thải khí nhà kính. I-REC có thể giúp các công ty đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo của họ, trong khi tín chỉ carbon có thể giúp các công ty giảm lượng khí thải của họ. 

Với nhiều lợi ích thiết thực, Chứng chỉ năng lượng tái tạo REC đang ngày càng được quan tâm và sử dụng rộng rãi. Việc lựa chọn sản phẩm có REC và sử dụng năng lượng tái tạo là hành động thiết thực để mỗi cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai bền vững.

Việc mua bán tín chỉ I-REC ở Việt Nam đã có từ vài năm trở lại đây. Nhưng do chưa có các quy định cụ thể nên hầu hết các hoạt động mua bán, trao đổi đều thực hiện tự phát theo nhu cầu của bên mua là các tổ chức quốc tế. Tại thị trường trong nước, đã có đơn vị đơn vị phát hành I-REC, cũng như để hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký cấp và giao dịch I-REC đã hình thành các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

Link gốc


  • 30/07/2024 10:11
  • Theo Cục Điều tiết Điện lực
  • 11076