Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh: “60 năm EVN – Thắp sáng ngọn lửa niềm tin”

PV Tạp chí Điện lực đã có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - ông Phạm Lê Thanh về chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển đầy chông gai nhưng rất đỗi tự hào của ngành Điện Việt Nam nhân Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2014).

PV: Theo ông, 60 năm trên chặng đường xây dựng và phát triển, ngành Điện lực Việt Nam đã có những bước tiến nào quan trọng, khẳng định được sức mạnh nội lực của mình?

Ông Phạm Lê Thanh: Nếu so với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thì 60 năm phát triển ngành Điện cách mạng Việt Nam chỉ mới là một chặng đường rất ngắn. Tuy nhiên, với những gì mà ngành Điện đã đóng góp cho nhân dân, cho đất nước trong suốt 60 năm qua, nhất là đối với sự nghiệp xây dựng và đổi mới, thì có thể khẳng định, ngành Điện đã hoàn thành  sứ mệnh lịch sử của mình “Điện đi trước một bước”.

Có thể dễ dàng thấy được điều này nếu so sánh hệ thống điện từ ngày tiếp quản, với tổng công suất đặt đã tăng từ 31,5 MW (năm 1954) lên tới khoảng gần 35.000 MW (năm 2014) – gấp hơn 1.000 lần! Từ một hệ thống điện nhỏ bé, lạc hậu và manh mún, sau 60 năm, hệ thống điện Việt Nam đã trở thành hệ thống điện đứng thứ 31 thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, với đa dạng các nguồn điện và hệ thống lưới điện siêu cao áp 220 kV, 500 kV trải dài đất nước. Từ chỗ điện chỉ là nguồn sáng dành cho chế độ thực dân cai trị và các “tầng lớp trên” của xã hội, đến nay điện lưới quốc gia đã về tận các bản làng heo hút, các miền hải đảo xa xôi với 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ, 99,42% số xã, 97,83% số hộ dân nông thôn cả nước được dùng điện lưới với chất lượng ngày càng được nâng cao. Điện đã đem nguồn sáng, thắp niềm tin, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cải thiện đời sống người dân nông thôn nói riêng, góp phần hiện thực hóa các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, điện khí hóa nông thôn, cũng như thúc đẩy sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước, giữ vững an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ.

Đặc biệt, trong suốt lịch sử phát triển của mình, ngành Điện đã thực hiện tốt sứ mệnh “đi trước một bước” và hiện nay đã có dự phòng công suất. Trong nhiều năm liền, tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng điện thương phẩm luôn đạt trên 10%, thậm chí có những giai đoạn lên tới 15 – 17%. Đây chính là nền tảng quan trọng góp phần vào sự phát triển của nước ta, đảm bảo sự phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2014), Tập đoàn Điện lực Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 vì đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Theo tôi, những bước tiến đặc biệt ấn tượng này của ngành Điện trong suốt 60 năm qua, đã khẳng định sức mạnh nội lực mà không phải lĩnh vực nào, ngành nào cũng có thể đạt được.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) phát lệnh đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa thủy điện Sơn La (năm 2010) - Ảnh Anh Tuấn

PV: Ông có thể lý giải những nguyên nhân để ngành Điện lực Việt Nam có được những kỳ tích như vậy?

Ông Phạm Lê Thanh: Có thể gọi đó là những kỳ tích cũng không sai. Bởi các thế hệ những người làm Điện Việt Nam đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, phải đổ nhiều mồ hôi và nước mắt, thậm chí cả hy sinh xương máu, giữ cho dòng điện luôn tỏa sáng. Tinh thần hy sinh quên mình ấy, theo tôi, cũng chính là sức mạnh vượt thời gian, hun đúc qua nhiều thế hệ, tạo thành sức mạnh nội lực để ngành Điện có thể hoàn thành tốt mọi trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Đặc biệt, có những giai đoạn khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, như thời điểm xây dựng đường dây 500 kV mạch 1 nối liền hệ thống điện Bắc – Nam, hay xây dựng các công trình thế kỷ Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện năng… Từ những năm tháng đất nước còn chìm trong khói lửa, vừa chiến đấu, vừa xây dựng và bảo vệ các nhà máy điện, đến những thách thức lớn về nguồn vốn và công nghệ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, nếu không có niềm tin, ý chí sắt đá và nhiệt huyết cống hiến không bao giờ cạn, thì sẽ không thể có một ngành Điện Việt Nam vững vàng, lớn mạnh như ngày hôm nay.

Đặc biệt, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, ngành Điện cũng luôn nhận được sự tin tưởng, quan tâm của Đảng và Chính phủ, sự chia sẻ của các cấp chính quyền địa phương, nhân dân cả nước. Đó chính là nguồn cổ vũ lớn lao đối với người làm điện các thế hệ, giúp họ luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngành Điện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước (Trong ảnh: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra tiến độ các dự án giao thông tránh ngập Thủy điện Sơn La, năm 2008) - Ảnh: Vũ Lam

PV: Nhiệm vụ của EVN trong thời kỳ đổi mới và hội nhập có gì khác so với các giai đoạn lịch sử đã qua hay không, thưa ông?

Ông Phạm Lê Thanh: Nhiệm vụ xuyên suốt của ngành Điện nói chung, EVN nói riêng, bao giờ cũng là việc đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, nhiệm vụ này lại có những yêu cầu và đòi hỏi khác nhau.

Hiện nay, cùng với sự phát triển và đi lên của đất nước, sự đòi hỏi ngày càng cao của đời sống xã hội, mục tiêu đặt ra cho ngành Điện sẽ ngày càng lớn, trọng trách sẽ ngày càng nặng nề hơn.

Đó không chỉ là nhiệm vụ đưa điện đến 100% thôn bản, đảm bảo cho 100% người dân nông thôn được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia an toàn, ổn định, mà còn là trọng trách phải không ngừng nâng cao chất lượng điện năng và các dịch vụ khách hàng. Đó không chỉ là trọng trách xây dựng, vận hành an toàn các trung tâm điện lực lớn, nhà máy điện hạt nhân, mà còn là nhiệm vụ phải từng bước xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, tiên tiến, giảm thiểu tổn thất điện năng và sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Và trước mắt là thực hiện tái cơ cấu EVN thành công, vận hành thị trường điện hiệu quả, triển khai Quy hoạch điện VII theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt.

Tất cả những trọng trách lớn lao này, ngành Điện nói chung, EVN nói riêng đang và sẽ tiếp tục phải thực hiện trong bối cảnh nguồn vốn huy động ngày càng khó khăn, yêu cầu của xã hội đối với EVN ngày càng cao, áp lực đổi mới và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Cùng với đó, những khó khăn, thách thức đối với ngành Điện có thể nói, đang và sẽ ngày càng phức tạp hơn nhiều.

PV: EVN có thể vượt qua khó khăn, thách thức đó hay không thưa ông?

Ông Phạm Lê Thanh: Đúng là khó khăn chưa và sẽ không bao giờ dừng lại. Điều đó cũng giống như khi chúng ta xây dựng được hệ thống đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc  - Nam mạch 1, chúng ta đã tiếp tục nỗ lực xây dựng tiếp mạch 2, rồi mạch 3; hay khi xây dựng thành công Thủy điện  Hòa Bình, chúng ta đã xây dựng Thủy điện Sơn La, Lai Châu, cùng rất nhiều trung tâm điện lực lớn khác và tiếp đến sẽ là điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời…

Nói cách khác, cùng với thời gian, thách thức, khó khăn đang đặt ra với ngành Điện theo cấp số nhân. Nhưng cũng cùng với các khó khăn thì sự nỗ lực, niềm đam mê và sáng tạo, bản lĩnh của người làm điện sẽ ngày càng được tôi luyện, mãnh liệt hơn và kiên định hơn. Vì vậy, tôi hy vọng và tin tưởng rằng, CBCNV ngành Điện nói chung, EVN nói riêng sẽ tiếp tục vượt qua các thử thách, lập nên những “kỳ tích” mới trong lao động dựng xây đất nước.

Tôi có thể kể đến việc EVN hoàn thành việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La – lớn nhất Đông  Nam Á vượt kế hoạch 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội và đang vận hành hiệu quả nhà máy, hiện nay đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Thủy điện Lai Châu cũng như một loạt các dự án điện lớn khác; EVN cũng đã “chinh phục” đại dương bằng hệ thống cáp ngầm xuyên biển, đưa điện vượt sóng ra một loạt các huyện đảo xa xôi như Lý Sơn, Cô Tô, Phú Quốc; Xây dựng thành công hệ thống đường dây siêu cao áp 500 kV mạch 3 và chế tạo thành công nhiều máy biến áp lớn; Từng bước làm chủ công nghệ hiện đại SCADA/EMS; Vận hành  hiệu quả thị trường phát điện cạnh  tranh và sẵn sàng thí điểm thị trường điện bán buôn cạnh tranh trong năm 2015… Đặc biệt, EVN đã nâng cao một bước công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng theo hướng tạo thuận tiện tối đa cho khách hàng dùng điện, hướng tới xây dựng một tập đoàn kinh tế “phục vụ” đúng nghĩa. Vì vậy, theo tôi, không có lý do gì để ngành Điện không chinh phục được các khó khăn, thử thách phía trước.

Với những đóng góp quan trọng cho thành công của chương trình điện khí hóa nông thôn, EVN đã được Đảng, Chính phủ ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý (Ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trao Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong chương trình Điện khí hóa nông thôn tại Hội nghị tổng kết 15 năm ĐKH NT - 26/4/2014). Ảnh: Phan Trang

PV: Theo ông, đâu là yếu tố kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của ngành Điện Việt Nam?

Ông Phạm Lê Thanh: Ngoài những thành tích căn bản trong việc đảm bảo đủ điện, thực hiện tốt sứ mệnh “Điện đi trước một bước” để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống của người dân, giá trị cốt lõi và thiêng liêng nhất mà các thế hệ những người thợ điện Việt Nam đã tạo nên, theo tôi đó chính là sức mạnh nội lực, tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo, ý chí và bản lĩnh vượt khó.

Và vượt lên tất cả, đó chính là ngọn lửa của niềm tin. Những ngọn lửa đã, đang và sẽ còn cháy mãi, góp phần đưa dòng điện thắp sáng mọi miền đất nước, đã Thắp sáng niềm tin trong Đảng, trong dân.

Thế hệ những người thợ điện nói chung, EVN nói riêng ngày hôm nay có trách nhiệm và nghĩa vụ giữ mãi ngọn lửa ấy cho đến mai sau…

PV: Vâng, xin chúc cho ngọn lửa của niềm tin sẽ luôn cháy mãi trong trái tim những người thợ điện. Xin trân trọng cảm ơn ông!


  • 22/01/2015 04:22
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 5276


Gửi nhận xét