“Tối ưu hóa chi phí không là khái niệm mơ hồ”

Tối ưu hóa chi phí là tiết kiệm chi phí không cần thiết, nhưng cũng có thể tăng thêm một phần chi phí cần thiết để đạt được doanh thu cao hơn, hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt hơn so với chi phí tăng thêm. Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri, đây không phải là một khái niệm mơ hồ.

Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

PV: Thưa ông, vì sao EVN lại chọn “Tối ưu hóa chi phí” là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014?

Ông Đinh Quang Tri: Năm 2014 là năm bản lề của việc thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, EVN chọn là năm “Tối ưu hóa chi phí và điện cho miền Nam” với mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển KTXH và đời sống nhân dân; đảm bảo khối lượng và tiến độ đầu tư các dự án điện theo Quy hoạch điện VII và Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm 2011 – 2015, đặc biệt là các công trình cấp bách cấp điện cho miền Nam; đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu Tập đoàn và đổi mới quản trị doanh nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là tối ưu hóa chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; sản xuất và kinh doanh có lợi nhuận, đảm bảo thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động.

Tối ưu hóa chi phí là mục tiêu lâu dài, không chỉ thực hiện trong năm 2014 mà sẽ tiếp tục được triển khai trong những năm tiếp theo.

PV: Có ý kiến cho rằng, “Tối ưu hóa chi phí” là một khái niệm mơ hồ. Ông có thể giải thích rõ hơn vấn đề này?

Ông Đinh Quang Tri: Khi không hiểu rõ bản chất, người ta sẽ cho rằng đó  là một khái niệm mơ hồ. Thực chất, tối ưu hóa chi phí là tối ưu quá trình sản xuất để làm ra một sản phẩm hoặc dịch vụ với chất lượng, tiến độ đạt yêu cầu đề ra nhưng với chi phí thấp nhất hoặc với một chi phí tăng thêm nhưng hiệu quả mang lại (doanh thu, lợi nhuận) cao hơn chi phí tăng thêm.

Để tối ưu hóa chi phí đòi hỏi lãnh đạo, CBCNV các đơn vị phải nắm chắc quy trình công nghệ, đặc điểm sản xuất kinh doanh, nghiên cứu đưa ra các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng chất lượng dịch vụ.

Ngược lại, nếu không nắm chắc công nghệ sản xuất kinh doanh, quy trình quản lý của đơn vị thì không thể đề xuất giải pháp tối ưu hóa chi phí. Việc tối ưu hóa chi phí là việc phải làm thường xuyên trong sản xuất kinh doanh và đặc biệt với bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay, đơn vị nào không thực hiện tối ưu hóa chi phí sẽ dẫn tới giảm năng lực cạnh tranh và không có cơ hội phát triển.

PV: Để có thể hiểu rõ hơn, xin ông giải thích cụ thể “Tối ưu hóa chi phí” khác với “Cắt giảm chi phí” như thế nào?

Ông Đinh Quang Tri: Tối ưu hóa chi phí với ý nghĩa là nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và đầu tư để phát triển bền vững, thông qua việc sử dụng tối ưu mọi nguồn lực và các nguồn vốn. Việc thực hiện tối ưu hóa chi phí khác hẳn với cắt giảm chi phí. Tối ưu hóa chi phí bao gồm việc tiết kiệm chi phí không cần thiết, nhưng cũng có thể tăng thêm một phần chi phí để đạt được doanh thu cao hơn so với chi phí tăng thêm. Còn cắt giảm chi phí thì chỉ đơn giản là cắt đi những chi phí không cần thiết hoặc là giảm chi cho một hoạt động nào đó.  

PV: Xin ông cho biết, EVN đã làm gì để triển khai Đề án tối ưu hóa chi phí?

Ông Đinh Quang Tri: Chọn chủ đề “Tối ưu hóa chi phí”, đồng thời EVN cũng thành lập Ban chỉ đạo tối ưu hóa chi phí do Tổng giám đốc làm Trưởng ban, gồm 3 tiểu ban (Tiểu ban thường trực, Tiểu ban tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh và Tiểu ban tối ưu hóa chi phí đầu tư xây dựng).

Hai tiểu ban Tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh và Đầu tư xây dựng đã lập đề cương chi tiết về nhiệm vụ, chỉ tiêu với mục tiêu hàng năm tiết kiệm 5% chi phí đầu tư xây dựng so với dự toán gói thầu và 2% chi phí sản xuất kinh doanh so với định mức hoặc kế hoạch giao; đồng thời trên cơ sở đề án tối ưu hóa chi phí của các đơn vị, Tập đoàn tổng hợp chỉ tiêu, nhiệm vụ tối ưu hóa chi phí trong sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của Tập đoàn.

PV: Để thực hiện thành công mục tiêu “Tối ưu hóa chi phí”, nhiệm vụ trọng tâm của EVN và các đơn vị trong năm 2014 và những năm tiếp theo là gì, thưa ông?

Ông Đinh Quang Tri: Để thực hiện nhiệm vụ tối ưu hóa trong sản xuất kinh doanh đòi hỏi EVN và các đơn vị tiếp tục tái cơ cấu, đổi mới quản trị doanh nghiệp; đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện như chỉ tiêu điện dùng để truyền tải, phân phối điện; chỉ tiêu suất sự cố, độ tin cậy của nhà máy điện, lưới điện; chỉ tiêu suất tiêu hao nhiên liệu…

Đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế hệ thống điện khi mở rộng thị trường phát điện cạnh tranh, giảm thiểu chi phí phát điện và chi phí mua điện; Xây dựng các giải pháp sử dụng hiệu quả dòng tiền trong sản xuất kinh doanh và đầu tư của từng đơn vị; Quyết liệt thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành; Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động.

Về tối ưu hóa chi phí trong đầu tư xây dựng, yêu cầu EVN và các đơn vị hoàn thành hệ thống quy trình, quy định trong quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng; Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số quy định, quy trình liên quan tới quản lý đầu tư xây dựng như trình tự lập, thẩm định và phê duyệt Dự án đầu tư và các bước thiết kế xây dựng công trình; trình tự các bước thiết kế công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân và tái định cư dự án nguồn điện; quy chế đấu thầu, chỉ định thầu…

Bên cạnh đó, việc xây dựng định mức – đơn giá cho công trình mới cần phù hợp với đặc thù riêng của từng công trình. Ngoài ra, chi phí đầu tư trong tất cả các giai đoạn từ chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn đầu tư và kết thúc đầu tư, nghiệm thu bàn giao và quyết toán công trình phải được kiểm soát chặt chẽ.

Như vậy, “Tối ưu hóa chi phí” là mục tiêu lâu dài và phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để mang lại hiệu quả cao nhất.
 

Một số chỉ tiêu tối ưu hóa trong sản xuất kinh doanh:

-   Giảm điện tự dùng 5% so với năm 2013.
-   Tiết kiệm điện tương đương 1,5%.
-   Tiết kiệm nhiên liệu 2% suất tiêu hao than, dầu, khí.
-   Tiết kiệm 2% kế hoạch chi phí và 5% kế hoạch chi phí sửa chữa lớn.
-   Chuyển đổi tất cả các kênh thông tin thuê ngoài sang dùng kênh của EVN, tiến độ chậm nhất là tháng 12/2014.
-   Thanh lý, xử lý 100% vật tư thiết bị tồn đọng, kém mất phẩm chất.
-   Giảm ít nhất 10% hàng tồn kho (thời điểm 31/12/2014 so với 31/12/2013).
-   Chỉ tiêu suất sự cố nhà máy thủy điện năm 2014 là 0,20; Suất sự cố nhà máy nhiệt điện năm 2014 là 0,35.

Một số chỉ tiêu tối ưu hóa trong đầu tư xây dựng:

-   Giai đoạn chuẩn bị đầu tư: Giảm ít nhất 5% giá trị dự toán được duyệt.
-   Giai đoạn thực hiện đầu tư: Giảm ít nhất 5% giá trị dự toán được duyệt đối với các dự án, công trình chỉ định thầu.
-   Giai đoạn kết thúc đầu tư: Nghiệm thu hoàn thành, quyết toán dự án, công trình đúng thời hạn quy định.

 


  • 27/08/2014 09:58
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 9749


Gửi nhận xét