Tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021.

Tình hình công tác 6 tháng đầu năm 2021

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiều khó khăn: dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; nhu cầu điện tăng trưởng cao do các tỉnh miền Bắc, miền Trung trải qua giai đoạn thời tiết nắng nóng rất khắc nghiệt khi nhiệt độ nhiều nơi cao hơn 40 độ C trong khi mực nước nhiều hồ thủy điện lớn ở phía Bắc đang xuống thấp vào cuối mùa khô, nguy cơ sự cố do quá tải và ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện...

Mặc dù vậy, EVN và các đơn vị đã có nhiều cố gắng nỗ lực đảm bảo cung cấp điện, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước và sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt đã đảm bảo các sự kiện chính trị xã hội quan trọng, đặc biệt là cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội toàn quốc khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong các tháng đầu năm 2021, EVN đã đảm bảo tăng cường cấp điện cho các bệnh viện, cơ sở y tế và các khu vực cách ly tập trung phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tập đoàn và các đơn vị cũng đã phối hợp với với chính quyền và nhân dân các địa phương và phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi và các địa phương tiến hành 3 đợt xả nước, cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2020 - 2021 cho các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Trong tháng 6/2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 23,9 tỷ kWh, tăng 8,6% so với tháng 6/2020. Sản lượng điện sản xuất bình quân đạt 796,7 triệu kWh/ngày, trong đó sản lượng ngày lớn nhất đạt 880,3 triệu kWh (ngày 1/6), công suất phụ tải lớn nhất đạt 42.146 MW (ngày 21/6).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 128,51 tỷ kWh, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tỷ trọng sản lượng huy động của một số loại hình nguồn điện chính trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống như sau: 

+ Thủy điện huy động đạt 30,46 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 23,7%.

+ Nhiệt điện than huy động đạt 66,67 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 51,9%.

+ Tua bin khí huy động đạt 15,66 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 12,2%.

+ Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) huy động đạt 14,69 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 11,4%.

+ Điện nhập khẩu đạt 624 triệu kWh, chiếm tỷ trọng 0,5%.

+ Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 02 triệu kWh.

Trong 6 tháng năm 2021, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 64,39 tỷ kWh, chiếm 50,11% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Trong đó, tổng sản lượng điện của các nhà máy điện do EVN sở hữu 100% vốn (không tính EVNGENCO3 và các công ty cổ phần) đạt 37,63 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 29,28%.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN trong 6 tháng ước đạt 111,75 tỷ kWh, tăng 8,36% so cùng kỳ năm trước. 

Sản lượng điện truyền tải tháng 6/2021 đạt 18,37 tỷ kWh, trào lưu truyền tải chủ yếu theo hướng Trung - Bắc và Trung - Nam. Lũy kế 6 tháng năm 2021, sản lượng điện truyền tải đạt 102,1 tỷ kWh, tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước.

Về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng: 

- Đến hết tháng 6 năm 2021 trên toàn quốc, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt gần 70%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không bằng tiền mặt đạt khoảng 91%.

- Giải quyết yêu cầu về chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện: Nhờ việc cung cấp nhiều tiện ích hỗ trợ khách hàng sử dụng điện (như: theo dõi sản lượng điện hàng ngày, công cụ ước tính lượng điện năng tiêu thụ) và nâng cao tính minh bạch trong công tác ghi chỉ số (như: lắp đặt công tơ điện tử, áp dụng công cụ rà soát chỉ số bất thường …), số lượng giải quyết yêu cầu của khách hàng liên quan đến chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện trong 06 tháng đầu năm đã giảm mạnh, chỉ chiếm 3% tổng số yêu cầu.

Về việc thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện lần 3: Tính đến hết 30/6/2021, EVN đã giảm giá điện, giảm tiền điện cho 11.614 khách hàng với tổng số tiền giảm là 118,557 tỷ đồng.

Về đầu tư xây dựng: Trong 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị đã rất nỗ lực, tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án. 

Đối với các dự án nguồn điện: EVN và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ký Thoả thuận tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 74,7 triệu Euro (tương đương 1.900 tỷ đồng, chiếm 30,8% tổng mức vốn đầu tư cho dự án) cho Dự án Nhà máy Thuỷ điện Ialy mở rộng; đã ký hợp đồng gói thầu số 15 (EPC-QTI) trị giá khoảng 30.236 tỷ đồng và ký hợp đồng tín dụng vay vốn Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I. 

Đối với các dự án lưới điện: lũy kế 6 tháng năm 2021 đã khởi công 64 công trình; hoàn thành đóng điện 64 công trình lưới điện 110-500 kV, trong đó đã đóng điện các dự án lưới điện quan trọng gồm: đường dây 500 kV Mỹ Tho - Đức Hòa, đường dây 220 kV Phả Lại nhánh rẽ Hải Dương, đóng điện máy 2 trạm biến áp 220 kV Thanh Nghị, đóng điện cải tạo đường dây 110 kV Hóc Môn - Bà Quẹo (đoạn Bình Tân – Bà Quẹo), đóng điện trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đóng điện đường dây 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 (thuộc dự án đường dây 500 kV mạch 3).

Để đảm bảo đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, liên tục hệ thống điện Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách, ứng phó với diễn biến phức tạp của đợt dịch bệnh COVID-19 mới từ ngày 27/4 trở lại đây. Bên cạnh đó, với tinh thần khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ và phát huy vai trò, trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội đối với cộng đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, EVN đã ủng hộ 400 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 (trong đó đã bao gồm cả 30 tỷ đồng mà EVN đã trao tặng tại Bộ Y tế vào ngày 28/5/2021). Đến nay, tổng số tiền mà EVN và các đơn vị thành viên đã đóng góp, ủng hộ cho các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề cũng như hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch của ngành Y tế đối với riêng đợt dịch COVID-19 từ cuối tháng 4 trở lại đây là gần 430 tỷ đồng.

Một số nhiệm vụ công tác trong tháng 7 và các tháng cuối năm 2021

Trên cơ sở nhận định xu thế thời tiết theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nhiều ngày nắng nóng, có nơi có nắng nóng gay gắt đến đặc biệt gay gắt, EVN dự báo trong tháng 7/2021, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn HTĐ Quốc gia dự kiến ở mức 785,3 triệu kWh/ngày, công suất tiêu thụ lớn nhất toàn HTĐ Quốc gia ước khoảng 43.000 MW.

Mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 7/2021: 

- Tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo cung cấp điện trong bất kỳ tình huống nào, nhất là đảm bảo điện tại các bệnh viện điều trị và các cơ sở cách ly. Đồng thời, tiếp tục đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ kỳ thi THPT quốc gia.

- Khai thác các nguồn điện đảm bảo tối ưu đồng thời thủy điện - nhiệt điện; huy động thủy điện hợp lý theo nước về, đảm bảo cấp nước hạ du cho các địa phương. 

- Các Tổng Công ty Phát điện đảm bảo khả dụng các tổ máy cao nhất có thể trong các tháng cuối mùa khô của năm 2021. 

Về công tác đầu tư xây dựng: Đôn đốc các đơn vị khắc phục khó khăn trong thi công do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện và lưới điện quan trọng. Phấn đấu hoàn thành phát điện dự án Thủy điện Đa Nhim mở rộng trong tháng 8/2021; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Quảng Trạch. Phấn đấu đảm bảo kế hoạch đóng điện các công trình: Đấu nối các Nhiệt điện BOT Hải Dương, Nghi Sơn 2; giải tỏa năng lượng tái tạo (đường dây 220kV Quảng Ngãi - Quy Nhơn (đoạn Quảng Ngãi - Phù Mỹ), đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm, trạm biến áp 220 kV Cam Ranh và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo); đảm bảo cấp điện đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín, đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín... Khởi công các dự án trọng điểm: trạm biến áp 500 kV Vân Phong, đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân, nâng công suất trạm biến áp 500 kV Pleiku 2, nâng công suất trạm biến áp 500 kV Đắk Nông, trạm biến áp 220 kV Tương Dương, đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống và các công trình giải tỏa thủy điện vùng Tây Bắc…

Ngoài ra, trong tháng 7/2021, EVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo điện mùa khô, trong đó yêu cầu các Tổng Công ty/Công ty Điện lực chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h để đối phó, xử lý kịp thời với diễn biến thiên tai cũng như các tình huống quá tải cục bộ, xử lý kịp thời sự cố, tiếp tục nỗ lực để đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng. Tuy nhiên, để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố về điện do nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối (buổi trưa từ 11h30 đến 15h00, buổi tối từ 20h00 đến 23h00); đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn…

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Ban Truyền thông - Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

Địa chỉ: Số 11 phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình - Hà Nội;

Email: bantt@evn.com.vn     

Website: www.evn.com.vnwww.tietkiemnangluong.vn

Fanpage: www.facebook.com/evndienlucvietnam

Tải TCBC tại đây.

 


  • 11/07/2021 05:35
  • Ban Truyền thông EVN
  • 9100


Các Tin khác