Tìm giải pháp nâng hiệu quả huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập

Ngày 24/11, Ban Kinh tế Trung ương và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề về “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập”.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổ chức, công ty quốc tế. Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực gắn nhiệm vụ công tác của Ban Kinh tế Trung ương về hướng dẫn, triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo  “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập" diễn ra sáng ngày 24/11

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định quan điểm “khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”. Đồng thời, Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành Điện.

Để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, trong đó tổng công suất các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ kWh, ngành Điện cần đầu tư với quy mô rất lớn (133,3 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030).

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, việc tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn từ những định chế tài chính, tín dụng quốc tế để đầu tư vào các dự án nguồn phát điện, nhất là các dự án nguồn phát điện độc lập là yêu cầu hết sức cần thiết, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp, cùng với đó là một số hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan đến huy động vốn và phát hành chứng khoán trong nước đối với các dự án năng lượng.

Tham dự và trình bày tại Hội thảo là các diễn giả, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, luật, năng lượng. Các diễn giả tập trung tham luận một số chủ đề như: khái quát quy trình cấp vốn và phân bổ rủi ro giữa các bên trong Hợp đồng mua bán điện (PPA); cách thức cải thiện chỉ số tín dụng quốc gia cho Việt Nam; cụ thể các tiêu chuẩn kêu gọi vốn và các thức phân bổ rủi ro trong Hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện độc lập; chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam…

Bên cạnh các tham luận, hội thảo còn có phiên hỏi đáp và thảo luận về những cơ chế, chính sách liên quan đến chủ đề hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và các Bộ, ngành của Việt Nam.

Hội thảo là diễn đàn hữu ích, giúp các cơ quan tham mưu của Đảng, các cơ quan quản lý của Nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, đánh giá thêm về hướng tiếp cận và một số phương thức, điều kiện phù hợp để huy động các nguồn vốn quốc tế cho phát triển năng lượng nói chung và cho các dự án nguồn điện độc lập nói riêng.

Cho đến tháng 8/2020, các dự án nguồn điện độc lập (IPP) đã được đầu tư và vận hành có công suất khoảng 16.400MW (chiếm 28,3% công suất đặt của toàn hệ thống) và ngày càng có xu hướng tăng lên theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 55.


  • 25/11/2020 02:00
  • Vũ Chang
  • 1836