Tiết kiệm năng lượng: Giải pháp cấp bách và chiến lược

Trước thực trạng khó khăn chung của năng lượng toàn cầu, vấn đề tiết kiệm năng lượng càng trở nên ý nghĩa. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, vừa mang tính cấp bách, vừa chiến lược, lâu dài.

Tiềm năng còn rất lớn

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nền kinh tế mở cửa, kéo theo GDP tăng nhanh, đã tạo ra áp lực lớn cho toàn bộ hệ thống năng lượng, trong đó có hệ thống điện. Giai đoạn vừa qua, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam vẫn không ngừng tăng nhanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, nhu cầu năng lượng sơ cấp giai đoạn 2010 - 2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm; tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2010 - 2015 là 10,9% và giai đoạn 2016 - 2019 là 10,1%.

Theo dự báo 5 năm tới, nhu cầu điện năng trong nước vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, việc bảo đảm cung cấp điện giai đoạn 2020-2025 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. 

Trên thực tế, tiềm năng tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng còn rất lớn. Từ khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%. Hiện, cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm này thực hành tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm, bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh. Tương tự, với 27 triệu hộ gia đình, nếu tiết kiệm 1% điện thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 630 triệu kWh. 

Sản lượng điện thương phẩm quốc gia năm 2022 là 242,72 tỷ kWh. Như vậy, nếu thực hiện tiết kiệm 2% tổng điện năng tiêu thụ, thì có thể tiết kiệm được gần 5 tỷ kWh/năm, tương đương sản lượng một nhà máy điện có công suất khoảng 1.000MW. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh nguồn cung khó khăn và diễn biến phức tạp của thời tiết do biến đổi khí hậu.

Chung tay hiện thực hoá mục tiêu tiết kiệm năng lượng

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong những năm qua, việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả là chính sách lớn và xuyên suốt của Đảng, Chính phủ. Là một trong những đơn vị sản xuất điện năng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiên phong tích cực thực hiện các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện.

Với nhiều hình thức khác nhau, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung tuyên truyền những chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như những biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Các chương trình tiết kiệm điện được triển khai sâu rộng như: khuyến khích doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện; đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; chương trình Giờ Trái đất, chương trình Gia đình tiết kiệm điện…

Trong nhiều năm qua, EVN đã đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Ảnh: PC Hà Nam.

Cùng với đó, EVN tập trung vào một số dự án cụ thể để làm mẫu cho các doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Quảng bá thay đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang, compact bằng đèn LED tiết kiệm điện; hỗ trợ lắp đặt bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời (thay thế bình đun nước nóng bằng điện); thí điểm mô hình tiết kiệm điện trong nuôi trồng thuỷ sản cho bà con nông dân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR)... Đồng thời, EVN cũng phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh đề nghị các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện kiểm toán năng lượng để tìm ra những giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả nhất.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, để hiện thực hoá mục tiêu tiêu tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương tập trung vào 2 nhóm đối tượng sử dụng năng lượng lớn là công nghiệp và gia đình. Cụ thể, đối với công nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng. Đối với hộ gia đình tuyên truyền ưu tiên sử dụng thiết bị công nghệ hiệu suất cao. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi các quy định của luật. Trong quá trình rà soát, Bộ Công Thương sẽ tập trung đánh giá lại 5 nhóm: các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; trang thiết bị sử dụng năng lượng; cơ sở đào tạo, đơn vị cung cấp nguồn nhân lực cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực.

Để việc thực hành tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả thì không thể thiếu vai trò của chính quyền địa phương. Ông Hoàng Minh Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội chia sẻ, việc triển khai các chương trình tiết kiệm điện đã được thực hiện linh hoạt, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo nâng cao năng lực; hỗ trợ kỹ thuật; kiểm tra giám sát và đánh giá việc tuân thủ các quy định của nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, với mỗi chính sách được ban hành, thành phố Hà Nội đều đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để có thể triển khai có hiệu quả tới người dân và doanh nghiệp.

Phải khẳng định rằng, năng lượng có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện sử dụng tiết kiệm năng lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là một quốc sách quan trọng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành năng lượng nói riêng mà đó còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một cao hơn của nền kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

“Nếu đến năm 2030, Việt Nam tiết kiệm khoảng 9% năng lượng thì sẽ giảm bớt được 10 triệu tấn dầu quy đổi, tương đương với 1,5 năng lượng lọc dầu của nhà máy Dung Quất hoặc giảm 40% lượng xăng dầu tiêu thụ... Đối với điện năng, nếu tiết kiệm khoảng 9% thì sẽ tiết kiệm được 45 tỉ kWh” - Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chuyên gia năng lượng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tạp chí năng lượng Việt Nam.


  • 07/02/2024 10:59
  • Theo Tạp chí Điện lực
  • 3079