Tiết kiệm điện góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện

Đó là khẳng định của ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khi trao đổi với evn.com.vn xoay quanh chủ đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - một trong những giải pháp hữu hiệu nhất lúc này để giảm áp lực trong cung ứng và vận hành hệ thống điện.

Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN

Tháng 6 vừa qua, công suất tiêu thụ điện toàn quốc thiết lập mức kỷ lục mới với hơn 45.500 MW (trưa ngày 21/6/2022), vượt mức đỉnh năm 2021 tới gần 3.100MW. Sản lượng tiêu thụ điện trong ngày toàn hệ thống điện quốc gia cũng lần đầu tiên vượt 900 triệu kWh.

Sản lượng tiêu thụ điện ngày càng tăng cao trước diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng ở miền Bắc và miền Trung từ giữa tháng 6 trở lại đây. Trưa ngày 18/7/2022, riêng tại miền Bắc, công suất tiêu thụ điện lập mức đỉnh mới là 22.800MW, cao hơn tới khoảng 4.200MW so với cùng kỳ 2021 và cũng cao hơn 500MW so với mức kỷ lục gần đây (22.300MW - ngày 21/6/2022).

PV: Đâu là những thách thức trong việc đảm bảo điện các tháng tới đây nếu nắng nóng tiếp tục diễn ra, thưa ông?

Ông Trần Viết Nguyên: Nắng nóng kéo dài làm tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao, phần lớn do sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Ngay việc sử dụng điện trong sinh hoạt thì nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện trong thời gian qua tăng rất cao (như than, khí, dầu….) thì việc sử dụng điện tiết kiệm lại càng rất cần thiết và hết sức có ý nghĩa, góp phần giảm bớt chi phí vận hành cho toàn hệ thống.

EVNHANOI tuyên truyền tiết kiệm điện đến từng hộ gia đình

PV: Xin ông cho biết vai trò của tiết kiệm điện đối với việc đảm bảo điện, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay?

Ông Trần Viết Nguyên: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ cũng đã khẳng định tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện. Nghị quyết 55 khẳng định “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”.

Việc sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm trong thời gian cao điểm nắng nóng không chỉ giúp hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao mà còn chia sẻ nguồn điện đối với các hộ dân khác khi nhu cầu điện tăng cao, nắng nóng bất thường.

Tôi lấy ví dụ, nếu tất cả khách hàng ở một địa bàn sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc, có thể gây quá tải lưới điện cục bộ, dẫn tới sự cố, mất điện, mất điện sẽ làm ảnh hưởng chung của tất cả các khách hàng. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết sử dụng điện đúng cách (ví dụ: không bật đồng thời các thiết bị điện cùng một lúc, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện nhiều ở khung giờ cao điểm – buổi tối chẳng hạn, thì chúng ta đã góp phần cho hệ thống điện được vận hành không bị quá tải). 

PV: Có ý kiến cho rằng khách hàng có khả năng chi trả cho nhu cầu sử dụng điện, tại sao phải khuyến cáo người dân tiết kiệm điện?

Ông Trần Viết Nguyên: Chính sách của Nhà nước ta là “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”. Nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí đốt) để sản xuất ra điện, là có hạn. Nếu chúng ta sử dụng năng lượng một cách lãng phí, không tiết kiệm, đồng nghĩa với với việc chúng ta phải khai thác nhiều nhiên liệu hóa thạch, hoặc nhập khẩu nhiên liệu, làm tăng chi phí sản xuất điện, làm hệ thống vận hành không hiệu quả về mặt kinh tế. Ngoài ra, sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm sẽ đóng góp tích cực trong bảo vệ môi trường xung quanh chúng ta.

PV: Xin cảm ơn ông!

5 nhiệm vụ trọng tâm EVN đặt ra trong công tác tiết kiệm điện năm 2022:

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp tối ưu trong sản xuất, vận hành, cung ứng điện (giảm tổn thất điện năng; giảm điện tự dùng,….).

- Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, đặc biệt trên các kênh mạng xã hội sử dụng điện “hiệu quả và tiết kiệm”.

- Làm việc với các khách hàng sản xuất công nghiệp thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR).

- Phối hợp tổ chức giải báo chí về tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai các cuộc thi về sáng kiến tiết kiệm điện (như: thi vẽ, thi tìm hiểu về các giải pháp sử đụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả).

- Đề xuất với các Bộ ngành  các cơ chế, chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng xã hội sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 


  • 20/07/2022 08:40
  • Nguyên Linh
  • 6554