Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân

Ngày 12/8/2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản 301/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (Ban Chỉ đạo).

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử thì từ đầu năm 2013 đến nay, Việt Nam đã duy trì được nhịp độ cử người đi học tập, đào tạo, đồng thời tổng hợp được nhu cầu đào tạo của Bộ, ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự thảo được kế hoạch đào tạo tổng thể đến năm 2020. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tích cực, chủ động triển khai có kết quả chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Dự án điện hạt nhân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế nhất định.

Lớp sinh viên Việt Nam đầu tiên học chuyên ngành “Nhà máy và trạm điện nguyên tử” tại Trường Đại học Năng lượng nguyên tử Obninsk (Liên bang Nga)- Ảnh RU

Xây dựng kế hoạch cụ thể

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, đặc biệt đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thời gian tới, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu:

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thành kế hoạch tổng thể đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2020, gửi ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo, trình Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở kế hoạch tổng thể, sớm tách riêng kế hoạch thực hiện năm 2014 gửi Bộ Tài chính thẩm định, trước ngày 15/8/2013 trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, lấy ý kiến chuyên gia về các hồ sơ dự án đầu tư tăng cường cơ sở vật chất của các cơ sở được quy hoạch tham gia Đề án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định, trước ngày 30/8/2013 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát kỹ quy trình thủ tục phê duyệt theo đúng quy định, tập trung ưu tiên việc cử người đi đào tạo, huấn luyện bảo đảm về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ dự án điện hạt nhân.

Cơ chế, chính sách phải phù hợp

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để thực hiện từ năm học 2013 - 2014.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, trong tháng 8 năm 2013 thống nhất, ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn nội dung và mức chi thực hiện Quyết định số 1558 QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” trên cơ sở Nghị định trên.

Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, rà soát, hệ thống hóa vị trí, chức danh, nhu cầu biên chế để xây dựng chính sách ưu đãi gắn với ngạch, bậc người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Trong tháng 8/2013, các Bộ tổ chức họp chuyên đề báo cáo Ban Chỉ đạo vấn đề này.

Vị trí dự kiến xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam - Ảnh: Vũ Lam

Kiện toàn, tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các Bộ, ngành gửi văn bản cử người bổ sung, thay thế đại diện thành viên Ban Chỉ đạo đã nghỉ hoặc thay đổi công tác.

Bộ Công Thương, EVN cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Bộ Xây dựng để xác định yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị nhân lực tham gia dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Qua đó, xem xét khả năng đề xuất bổ sung đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng tham gia Ban Chỉ đạo trong thời gian tới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Điều hành Đề án nâng cao vai trò liên kết phối hợp, chủ động đôn đốc các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiêm túc thực hiện kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo và các nhiệm vụ đặt ra trong Đề án, kịp thời báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo các vấn đề vượt thẩm quyền.

Được biết, từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 70 sinh viên được cử sang Liên bang Nga học chuyên ngành “Thiết bị và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân” theo dạng học bổng, nâng tổng số sinh viên theo học chuyên ngành này tại LB Nga lên 230 người. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động khảo sát, học tập ngắn hạn và học tập kinh nghiệm quản lý tại một số nước như Nga, Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc…


  • 14/08/2013 10:53
  • Xuân Tiến
  • 10946


Gửi nhận xét