Tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ EVN lần thứ III: Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam gắn với các nghị quyết của Đảng

Xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành Tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ, quản trị hiện đại, chuyên môn hoá cao; tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia được xác định là mục tiêu của Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong nhiệm kỳ tới. Xác định chiến lược phát triển Tập đoàn gắn với các nghị quyết của Đảng, dự thảo Chương trình hành động của Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 gồm sáu điểm gắn với tám nhóm nhiệm vụ trọng tâm, với quyết tâm chính trị cao, nhằm tập trung thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.

Những con số ý nghĩa

Nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Dương Quang Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định: Dù ảnh hưởng tiêu cực từ thiên tai, dịch bệnh, thủy văn ngày càng khốc liệt, một số chi phí đầu vào tăng, cân đối cung cầu điện khu vực phía nam tiếp tục thiếu hụt,… nhưng Đảng ủy đã lãnh đạo Tập đoàn hoàn thành hầu hết các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Theo đó,  Đảng ủy Tập đoàn và các đảng ủy trực thuộc đã lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị trong Tập đoàn bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân, kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. 

Với con số dự kiến đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam là 59.210MW, sản lượng điện thương phẩm đạt 227,99 tỷ kWh, tăng 8,7% so với năm 2019; tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hằng năm đạt 9,67%/năm, EVN đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra. Hoạt động điều hành hệ thống điện đã đáp ứng nhu cầu và mức tăng trưởng nhu cầu điện của nền kinh tế; huy động hợp lý các nguồn điện, trong đó các nhà máy thủy điện đã đảm bảo phát điện, đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn và sinh hoạt của nhân dân.

Công tác đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện của Tập đoàn đã cơ bản bám sát chỉ tiêu kế hoạch được giao. Nhiều công trình điện quan trọng hoàn thành, kịp thời đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả cao, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tập đoàn đưa vào vận hành 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.093MW, bằng 100% khối lượng được giao, trong đó có nhiều dự án vượt tiến độ như dự án Nhiệt điện Thái Bình, Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Thác Mơ,... Khởi công 5 dự án nguồn điện với tổng công suất 2.380MW, bảo đảm tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm cho khu vực miền Nam. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào vận hành các dự án nguồn điện mặt trời với tổng công suất 240MWp, đã hỗ trợ và phối hợp các nhà đầu tư vận hành gần 100 nhà máy điện gió, mặt trời với tổng công suất hơn 5.000MW, bổ sung nguồn cấp điện quốc gia; tiếp tục triển khai các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Về lưới điện, đã khởi công 771 công trình và hoàn thành đóng điện 792 công trình lưới điện từ 110-500 kV, tăng  năng lực truyền tải của hệ thống,... 

Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 1 

Một trong những điểm nhấn trong nỗ lực phục vụ khách hàng, đó là  ứng dụng công nghệ trong công tác kinh doanh. Tính đến cuối năm 2019, EVN đã cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tại 63/63 tỉnh/thành phố. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có bước đột phá, vươn lên đứng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, vượt trước hai năm so với mục tiêu của Chính phủ. Sau 4 năm, giai đoạn 2016-2019, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam cải thiện 81 bậc, là chỉ số có mức độ cải thiện nhiều nhất và là một trong ba chỉ số có thứ hạng tốt nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam. 

Đảng bộ Tập đoàn EVN luôn chú trọng quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển kinh tế xã hội đi đôi với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh; cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo, đặc biệt khu vực chưa có điện. Trong giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn đã đầu tư cấp điện cho hơn 51.000 hộ dân tại địa bàn khó khăn, vùng biên giới, đồng thời tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp cho hơn 90.000 hộ dân tại 35 xã. Đến cuối năm 2019, 100% số xã trên cả nước có điện và 99,52% số hộ dân (trong đó 99,25% số hộ dân nông thôn) được sử dụng điện. Tập đoàn đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo trên cả nước, đặc biệt đã cấp điện và quản lý vận hành cho huyện đảo Trường Sa, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tập đoàn đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo trên cả nước, đặc biệt đã cấp điện và quản lý vận hành cho huyện đảo Trường Sa. Nguồn ảnh: Ban Truyền thông EVN

Những yếu tố động lực

Góp phần tạo nên thành quả của chặng đường nhiều chông gai vừa qua là sự tổng hợp nhiều giải pháp, hành động có ý nghĩa động lực. Trong đó, việc đẩy mạnh sắp xếp đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp đã tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững. EVN đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành nghề kinh doanh chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản để tập trung vào lĩnh vực hoạt động chính là SXKD điện năng và tư vấn điện; các nhiệm vụ về tối ưu hóa chi phí, chỉ tiêu về tài chính đều đạt, vượt kế hoạch. Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết, xây dựng chương trình hành động tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017 - 2020. Trên cơ sở đó, Tập đoàn đã hoàn thành rà soát, xây dựng, ban hành hệ thống Quy chế quản lý nội bộ, đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) nhằm nâng cao hiệu quả điều hành sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực quản trị. Điều này đã mang lại hiệu quả kép, vừa tinh gọn bộ máy tổ chức, định biên, vừa giảm chi phí thường xuyên; hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn có lãi, bảo đảm tài chính lành mạnh, bảo toàn được vốn nhà nước.

Nhiệm kỳ qua cũng là giai đoạn đột phá trong ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng của EVN. Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành, triển khai thực hiện Nghị quyết về “Phát triển khoa học, công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”, Nghị quyết về “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4” với mục tiêu xây dựng Tập đoàn trở thành doanh nghiệp số. Việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý vận hành đã nâng cao độ tin cậy vận hành và tăng năng suất lao động. Nhờ đó, đã "số hóa" hơn  90% các quy trình nghiệp vụ liên quan  hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của Tập đoàn. Theo đánh giá sơ bộ của các công ty tư vấn, đến nay quá trình chuyển đổi số của EVN đạt hơn 50% và dự kiến đến 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số.

Trạm biến áp 500kV Tân Định, Bình Dương. Nguồn ảnh: Ban Truyền thông EVN

Sẽ không có thành công nào mà thiếu yếu tố quan trọng nhất, đó là con người. Tại EVN, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực trở thành vấn đề cốt lõi sau tái cơ cấu doanh nghiệp, kịp thời đáp ứng yêu cầu trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập ngày càng sâu. Đảng uỷ, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn tích cực chỉ đạo, triển khai, áp dụng nhiều giải pháp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành;  phân công, phân cấp, uỷ quyền xây dựng, rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định, định mức phù hợp với tình hình thực tế; gắn thực hiện việc phân công nhiệm vụ với chịu trách nhiệm được giao; xây dựng và cụ thể hoá tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm; đẩy mạnh các công cụ quản trị hiện đại, tạo sự chuyển biến rõ rệt, hiệu quả trong quản lý doanh nghiệp. 

Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để chỉ đạo, lãnh đạo Tập đoàn triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Với Đề án Quản trị nguồn nhân lực trong Tập đoàn giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030 theo hướng tiếp cận hệ thống quản trị nhân lực hiện đại, tiên tiến của các tập đoàn năng lượng hàng đầu khu vực và châu Á, Tập đoàn đã từng bước xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Các giải pháp có tính “cộng hưởng” như  đào tạo chuyên gia trong 6 lĩnh vực chủ chốt; xây dựng tiêu chuẩn năng lực đối với chuyên gia từng lĩnh vực. Từng bước áp dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đã thực hiện đào tạo bằng hình thức trực tuyến để tất cả các CBCNV có thể tự học tập nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, công tác đào tạo theo phương thức truyền thống tiếp tục được thực hiện với số lượng trên 230 nghìn lượt người mỗi năm...

Hiện thực hóa tầm nhìn

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2015 - 2020, dự báo tình hình những năm tiếp theo, Đảng ủy Tập đoàn đã xác định mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 là xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; giữ vai trò chính trong cung cấp điện cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. 

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ủy Tập đoàn đó là tập trung xây dựng Chiến lược phát triển Tập đoàn gắn với các Nghị quyết của Đảng. Việc hiện thực hóa các định hướng lớn,Đảng đặt cấp ủy và tập thể EVN trước những đòi hỏi cao nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước;  xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Và mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11- 2-2020 Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, EVN càng không thể không nhập cuộc toàn diện.

Đường dây 500kV Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên. Nguồn ảnh: Ban Truyền thông EVN

Cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy Tập đoàn EVN đã xác định 8 nội dung cụ thể, được dự thảo tại văn kiện trình Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, nhiệm kỳ mới, các cấp ủy tập trung xây dựng Chiến lược phát triển Tập đoàn gắn với các Nghị quyết của Đảng; bảo đảm sản xuất, vận hành hiệu quả, tối ưu hệ thống điện và thực hiện thị trường điện theo lộ trình đã được duyệt;đầu tư nguồn điện và hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối đồng bộ phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước; tiếp tục đổi mới công tác kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp hiện đại; đảm bảo tình hình tài chính của EVN lành mạnh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư tại các doanh nghiệp khác; tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất kinh doanh, từng bước nâng cao năng lực khoa học công nghệ của Tập đoàn; tích cực thực thi chính sách bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn; đảm bảo việc làm, thu nhập cho cán bộ, công nhân viên; thực hiện tốt công tác truyền thông và quan hệ cộng đồng; thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội; thực thi văn hóa doanh nghiệp, giữ gìn và phát triển thương hiệu EVN.

Đại hội lần thứ III của Đảng bộ Tập đoàn sẽ là Đại hội Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển. Với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và những bài học kinh nghiệm quý báu từ những nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương và sự nỗ lực của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, CNVC trong Tập đoàn, chắc chắn Đảng bộ Tập đoàn sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, lãnh đạo Tập đoàn hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 -2025 đề ra.


  • 13/07/2020 11:24
  • BBT
  • 8459