Thủy điện khu vực Tây Nguyên góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương

Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên vừa có buổi làm việc với Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về công tác quy hoạch, đầu tư phát triển thủy điện khu vực Tây Nguyên và các vùng phụ cận.

Vai trò của các thủy điện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương là không thể phủ nhận - Ảnh PV

Tham dự buổi làm việc có ông Trần Việt Hùng- Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, ông Lê Hồng Liêm – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, ông Lữ Ngọc Cư – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.

Về phía EVN có ông Hoàng Quốc Vượng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, ông Phạm Lê Thanh – Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc EVN và các đồng chí Ủy viên Thường vụ Đảng ủy EVN.

Đánh giá khái quát về tình hình quy hoạch, đầu tư phát triển thủy điện khu vực Tây Nguyên, ông Trần Việt Hùng khẳng định đây là khu vực có tiềm năng lớn để phát triển thủy điện. Cho đến nay, các dự án thủy điện do EVN làm chủ đầu tư và góp vốn đầu tư tại Tây Nguyên đều được EVN đảm bảo đúng trình tự đầu tư xây dựng theo các quy định hiện hành về: Đánh giá tác động môi trường của dự án, quy hoạch di dân tái định cư, tái định canh, quy trình vận hành hồ chứa…

Các nhà máy thủy điện khi đưa vào khai thác đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương, cải tạo môi trường xung quanh các hồ, góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống trong mùa khô ở vùng hạ du và khu vực xung quanh hồ chứa. Hàng năm, các nhà máy thủy điện đang vận hành tại khu vực này còn đóng góp cho ngân sách nhà nước và xã hội khoảng 6.500 tỷ đồng thông qua việc nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quá trình đầu tư, xây dựng thủy điện cũng gây ảnh hưởng đến môi trường, làm ngập diện tích rừng, đất đai, phá vỡ cân bằng sinh thái, hệ động thực vật, làm thay đổi dòng chảy… ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư... Chính vì vậy. EVN cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chính quyền địa phương để hạn chế đến mức thấp nhất những mặt còn chưa được này.

Thay mặt EVN, ông Hoàng Quốc Vượng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn đánh giá cao việc Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã phân tích cụ thể về quy hoạch, đầu tư, phát triển thủy điện ở Tây Nguyên và vùng phụ cận để cùng EVN thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

3 nội dung mà Ban chỉ đạo Tây Nguyên đặc biệt quan tâm là: Công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định, trồng rừng; Đánh giá về tác động môi trường và công tác quản lý vận hành cũng là vấn đề được EVN xếp vào vị trí số 1 khi tham gia đầu tư, xây dựng thủy điện.

EVN luôn xác định, sự phát triển của EVN đồng hành cùng với sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, của địa phương và của cộng đồng.

* Tính đến nay, Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh đã phê duyệt theo quy hoạch hoặc cho phép đầu tư xây dựng 485 dự án điện với tổng công suất thiết kế 9.988,7 MW.

* Toàn bộ khu vực Tây Nguyên hiện có 118 dự án thủy điện đã hoàn thành, phát điện với công suất 5.978,2 MW; 75 dự án đang thi công với công suất thiết kế 1.945,2 MW, dự kiến sẽ phát điện từ nay đến năm 2015.

* EVN làm chủ sở hữu 17 dự án tại Tây Nguyên, với công suất 3.928 MW, góp vốn đầu tư 5 dự án khác với công suất 716 MW.

 


  • 13/07/2013 02:53
  • Xuân Tiến
  • 6411


Gửi nhận xét