Thủy điện cột nước thấp: Triển vọng mới cho phát triển thủy điện tại Việt Nam

Được đánh giá là thủy điện xanh, thân thiện với môi trường - Công trình thủy điện cột nước thấp đầu tiên ở Việt Nam - Thủy điện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) vừa đi vào vận hành sẽ mở ra hướng đi mới cho phát triển thủy điện xanh ở Việt Nam.

Thân thiện với môi trường

Theo Kỹ sư Nguyễn Đình Tứ, Ban quản lý Dự án Thủy điện Chiêm Hóa – ICT, Thuỷ điện Chiêm Hoá là nhà máy thuỷ điện ngang đập, cột nước thấp, sử dụng tuabin bóng đèn trục ngang, chảy thẳng, còn gọi là tuabin Capsun.

Ông Bùi Tiến Trung, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển năng lượng – Viện Khoa học năng lượng: Theo những nghiên cứu của Trung tâm tư vấn phát triển năng lượng, trên thế giới hiện nay phần lớn các nước ở châu Âu có hơn một nửa trên tổng số các nhà máy thủy điện nhỏ là các thủy điện cột nước thấp. Ở châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã xây dựng nhiều nhà máy thủy điện cột nước thấp với công suất từ 1 MW đến hàng trăm MW.

Ưu điểm của loại công nghệ này là tận dụng tối đa nguồn thuỷ năng trên các con sông lớn để phát điện, vì cột phát điện rất thấp, chỉ từ 2,5m. Kết cấu công trình đơn giản, ngập lụt ít, hầu như không phải di dân mà chỉ đền bù đất nông nghiệp ven sông suối. Thuỷ điện cột nước thấp điều tiết ngày, nên không ảnh hưởng lớn đến chế độ chảy tự nhiên của sông. Mực nước hồ thay đổi nhỏ trong ngày (0,5m) tạo ra cảnh quan đẹp và khu vực nuôi trồng thuỷ sản tốt.

Nhà máy Thủy điện Chiêm Hóa sẽ tận dụng khả năng điều tiết năm của nhà máy thủy điện bậc trên, khai thác và tận dụng nguồn thủy năng của sông Gâm phục vụ cho việc phát triển công nghiệp của tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận, góp phần nâng công suất và sản lượng cho hệ thống điện quốc gia. Nhà máy thủy điện giống như một cây cầu vắt ngang qua dòng sông Gâm trong xanh hiền hòa, sẽ khó nhìn thấy sự chênh lệch của cột nước như các nhà máy thủy điện cột nước cao, nó gần như vẫn giữ nguyên dòng chảy tự nhiên.

Tổng mức đầu tư cho công trình Thủy điện Chiêm Hóa là 1.700 tỷ đồng. So với công trình thủy điện cột nước cao và trung bình thì giá thành cao hơn nhiều, vì phải sử dụng công nghệ tuabin Capsun. Tuy nhiên, đây vẫn là nguồn cung cấp điện năng rẻ hơn nhiều so với than và khí.

Thủy điện Chiêm Hóa - công trình thủy điện cột nước thấp đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Xuân Tiến

Triển vọng phát triển lớn ở Việt Nam

Ông Bùi Tiến Trung, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển năng lượng – Viện Khoa học năng lượng nhận định: Những nhà máy thủy điện cột nước thấp góp phần khai thác triệt để được nguồn thủy năng và giảm bớt nguy cơ thiếu điện cho toàn bộ hệ thống. Thủy điện cột nước thấp chính là nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, tác động tích cực đến việc cải tạo môi trường tại những khu vực khô hạn. Qua các nghiên cứu và đánh giá cho thấy Việt Nam là một quốc gia có nguồn thủy năng dồi dào. Hiện nay, các công trình thủy điện cột nước cao và trung bình đã khai thác hết. Việc phát triển thủy điện cột nước thấp được đánh giá là giải pháp cho vấn đề khai thác hiệu quả và bền vững nguồn năng lượng tái tạo này.

Nhà máy Thủy điện Chiêm Hóa:

- Địa điểm: Là công trình thủy điện thứ 4 trong bậc thang nhà máy thủy điện được quy hoạch trên dòng Sông Gâm, cách Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang bậc trên khoảng 20 km.

- Chủ đầu tư: Công Ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Quốc tế (ICT)

- Công suất: 48 MW

- Sản lượng điện trung bình: 198,6 triệu kWh/năm,

- Thời gian phát điện: Tổ máy số 1 tháng 7/2012, dự kiến tổ máy 2 vào tháng 10, tổ máy 3 vào tháng 12

 


  • 03/08/2012 09:17
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 12381


Gửi nhận xét