Thủy điện Sông Bung 2 tập trung cho tiến độ công trình

Theo kế hoạch, Thủy điện Sông Bung 2 sẽ hoàn thành và phát điện lên lưới điện quốc gia vào năm 2015. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này còn nhiều việc phải làm... Phóng viên evn.com.vn đã phỏng vấn ông Nguyễn Sơn – Trưởng ban Quản lý dự án Thủy điện Sông Bung 2 về những thuận lợi, khó khăn khi bước vào thi công công trình chính.

PV: Ông cho biết vài nét khái quát về khối lượng và tiến độ thi công công trình Thủy điện Sông Bung 2 tính tới thời điểm hiện tại?

Ông Nguyễn Sơn: Dự án Thủy điện Sông Bung 2 nằm gần vùng biên giới, có địa hình phức tạp, núi cao, dốc lớn, thung lũng hẹp, cách xa khu dân cư. Vì vậy, chúng tôi phải xây dựng mới hoàn toàn kết cấu hạ tầng như điện, đường, thông tin liên lạc…. Việc này đã được giải quyết xong. Công tác giải phóng mặt bằng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cấp đất xây dựng. Ban quản lý Thủy điện Sông Bung 2 đã ký hợp đồng thuê đất với địa phương. Về phần thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các hố móng của công trình chính đều đã được phê duyệt. Đã có hợp đồng vay vốn giữa EVN với Tổ hợp Ngân hàng gồm: Sumitomo Mitsui Bangking Corportion (SMBC), BNP Paripas, Societe Generale. Phần xây dựng và thiết bị của hạng mục hầm dẫn dòng đã hoàn thành và được nghiệm thu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, phần đê quai thượng lưu đã được thi công trước, lấn dần ra hai bên.

Nói chung, công tác giải phóng mặt bằng, kết cấu hạ tầng, các  hợp đồng về thiết kế, nguồn vốn đã hoàn tất. Hiện giờ, chúng tôi đang tập trung nhân lực, vật lực thi công công trình chính như đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước, đường hầm dẫn nước, tháp điều áp, bể áp lực, đường ống áp lực…

PV: Được biết, trong quá trình thi công, một số hạng mục chính như đường hầm đã phát sinh những vấn đề nằm ngoài dự kiến. Ban và các đơn vị thi công đã có giải pháp nào cho vấn đề này?

Ông Nguyễn Sơn: Thực tế, công trình hiện có 2 khó khăn lớn nhất mà chúng tôi đang tập trung xử lý. Một là, mỏ đá khai thác làm vật liệu đắp đập có chất lượng không tốt. Theo dự kiến, EVN đã có chủ trương tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi khai thác mỏ đá, đảm bảo đủ khối lượng xây dựng đập. Hiện EVN đã cho phép mở rộng mỏ đá và kết quả thí nghiệm cho thấy, chất lượng đá ở phần mở rộng mỏ tốt hơn ..

Khó khăn thứ hai là Thủy điện Sông Bung 2 có đường hầm dẫn nước dài hơn 9km, trong đó 6km không có ngách thi công. Đường hầm có đường kính quá nhỏ, nếu thi công theo phương pháp khoan nổ mìn bình thường thì việc đảm bảo an toàn sẽ rất khó khăn. Về vấn đề này, Tư vấn thiết kế là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 3 và chúng tôi đã tính đến phương án sử dụng công nghệ TBM (Đức), không chỉ đảm bảo an toàn mà còn có thể rút ngắn tiến độ thi công được 8 tháng. Nếu được EVN chấp thuận thì phương án này sẽ làm lợi được khoảng 238 tỷ đồng nhờ phát điện sớm.

PV: Ông đánh giá như thế nào về năng lực của các đơn vị thi công chính Dự án?

Ông Nguyễn Sơn: Thực tế diễn ra trên công trường thời gian qua cho thấy, các nhà thầu đã làm việc với nỗ lực cao. Hầu hết các đơn vị thi công như Tổng công ty Lũng Lô (Bộ Quốc phòng), Tổng Công ty Thủy lợi 4; Tổng công ty Xây dựng Cơ điện Nông nghiệp và Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đều là những đơn vị có nhiều năm “chinh chiến” tại những công trình thủy điện lớn và phức tạp. Riêng Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô đảm nhận công trình đường hầm dẫn dòng. Đây là đơn vị xây dựng quân đội có tinh thần làm việc rất nghiêm túc, đúng phong cách người lính trên mặt trận xây dựng kinh tế. Liên danh giữa Tổng công ty Thủy lợi 4; Tổng công ty Xây dựng Cơ điện nông nghiệp và Thủy lợi đều là những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng đập có kết cấu đá đổ bê tông bản mặt. Tất cả những đơn vị thi công mà chúng tôi lựa  chọn đều có nhiều kinh nghiệm, tổ chức làm việc rất chuyên nghiệp. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm và tin rằng, các đơn vị thi công sẽ đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

PV:  Dự án nằm trong khu vực có nhiều dân tộc ít người như Ve, Cơ Tu, Tà Riềng và là nơi đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam. Vậy hiệu quả kinh tế -  xã hội mà Dự án sẽ mang lại là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Sơn: Thủy điện sông Bung 2 là công trình đạt những chỉ tiêu tốt về môi trường. Dự án không làm  ảnh  hưởng đến đất thổ cư và không có người dân nào phải di dân tái định cư. Có chăng chỉ phải bồi thường cho một số diện tích hoa màu trên đất thu hồi. Sau khi hoàn thành Dự án, sẽ có một con đường kiên cố nối liền Quốc lộ 14D qua Chà Vafll đi qua các xã Zuôih, La Êê, Cà Dy… Đời sống người dân thuộc các thôn sâu của xã này đã có nhiều đổi thay nhờ lưu thông hàng hóa, kết nối thông tin và giao lưu văn hóa.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thủy điện Sông Bung 2:

- Được xây dựng trên địa bàn xã La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam;

- Công suất lắp máy: 100 MW với 2 tổ máy;

- Điện lượng bình quân hàng  năm: 425,57 triệu kWh;

- Dung tích hồ chứa: 94,3 triệu m3;

- Diện tích mặt hồ: 2,9 km2;

- Độ dài đường hầm: 9,091km;

- Tổng mức đầu tư là 3.661 tỷ đồng;

- Dự án không ảnh hưởng đến đất thổ cư của người dân.

 


  • 26/01/2013 02:25
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 4265


Gửi nhận xét