Thủy điện Sơn La và dấu ấn Nguyễn Tăng Cường

Những ai đã từng chứng kiến, thi công và gắn bó với công trình trọng điểm quốc gia này hẳn không quên được giây phút các rotor có sức nặng 1 nghìn tấn được đặt chính xác từng centimet vào “trái tim” của mỗi tổ máy bởi “cánh tay” cần cẩu mang tên Nguyễn Tăng Cường.

Để lại sau lưng không khí náo nhiệt ở thành phố, chúng tôi lên với núi rừng Tây Bắc, với thủy điện Sơn La, nơi  có hàng nghìn người đang lao động miệt mài vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Quốc lộ 6  vào buổi sớm mây giăng kín lối, bồng bềnh tựa chốn bồng lai. Các loài hoa thi nhau khoe sắc, mận nở trắng đồi…  Không khí hăng say lao động của tập thể cán bộ và công nhân nơi đây đã xóa tan đi cái mệt mỏi trong mỗi chúng tôi, khi vừa phải vượt hàng trăm cây số lên với công trình thế kỷ này. Nhìn dòng Sông Đà hung dữ đã được “thuần hóa” bởi con đập đắp ngang qua, thủy điện Sơn La hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc. Chúng tôi lên đây thăm công trình và được nghe kể về những “chiến tích” đáng nể của Nguyễn Tăng Cường.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ 2012 cho DN Nguyễn Tăng Cường

Được khởi công từ tháng 12/2005, cho đến nay đã có 4/6 tổ máy của thủy điện Sơn La (công suất 2400 MW) chính thức phát điện hòa vào lưới điện quốc gia. Những KW điện này được làm bằng nước Sông Đà hòa với mồ hôi, nước mắt, với bao hy sinh (kể cả tính mạng) của những kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân phải dãi nắng dầm mưa, chịu gian khổ trong nhiều năm trời để hoàn thành công trình then chốt này cho đất nước. Đồng thời góp phần vào thành công đó là chiếc cần cẩu có sức nâng 1200 tấn do Xí nghiệp cơ khí Quang Trung sản xuất. Nhiều người may mắn được tận mắt chứng kiến thời khắc thả rô-to vào các tổ máy, đều ấn tượng trước cảnh dàn máy khổng lồ đang hạ chiếc rotor nặng nghìn tấn được đặt chính xác đến từng centimet vào “trái tim” của mỗi tổ máy. Và nhiều người còn ngạc nhiên hơn nữa, khi biết rằng chiếc cẩu trục đó chính là một trong những sản phẩm cơ khí thủy công lần đầu tiên được cơ khí Quang Trung sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 90%.

Khi trò chuyện với ông Nguyễn Tăng Cường – GĐ Xí nghiệp cơ khí Quang Trung chúng tôi được biết, để lấy đà cho việc nghiên cứu và chế tạo ra sản phẩm cẩu trục có sức nâng kỷ lục này, trước đó lực lượng kỹ sư của đơn vị nổi tiếng trong sản xuất cơ khí này, đã từng nghiên cứu, chế tạo hàng loạt các sản phẩm cẩu có sức nâng từ 500 tấn đến hàng nghìn tấn phục vụ cho hầu khắp các ngành công nghiệp chủ lực của nước ta như hóa chất, điện lực, đóng tàu. Đây đều là những thiết bị nâng lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, được nội địa lên tới 90%, các sản phẩm này đã được tặng nhiều giải thưởng, chứng nhận chất lượng tại các hội chợ khoa học và công nghệ toàn quốc, quốc tế bởi chất lượng tương đương, giá cả cạnh tranh với hàng nhập ngoại nên đã tiết kiệm được nhiều ngoại tệ cho đất nước.

Ngoài việc đảm bảo chất lượng, điều nổi trội hơn hẳn của sản phẩm này là khi đặt hàng ta có thể trực tiếp giám sát được chất lượng, mẫu mã trong quá trình chế tạo và chủ động được linh kiện, chi tiết khi có hư hỏng xảy ra. Đặc biệt so với hàng nhập ngoại giá thành chỉ bằng 40% đến 70% nên rút tiết kiệm một phần lớn ngoại tệ.

Chính bởi tính ưu việt của sản phẩm Cơ khí Quang Trung đã góp phần vào việc rút ngắn thời gian hòa lưới điện quốc gia của Nhà máy Thủy Điện Sơn La làm lợi cho đất nước khoảng 500 triệu đô la Mỹ, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu điện của đất nước. Là một doanh nghiệp tư nhân nhưng với sự nỗ lực cố gắng của mình, tập thể cán bộ, công nhân Xí nghiệp đã vươn lên chế tạo các máy móc có yêu cầu về độ chính xác cao.

Hạ rôto tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Sơn La

Hiện nay Xí nghiệp đã chế tạo được các sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp nhiệt điện, thủy điện, ô tô, xe máy, các loại máy cần cẩu, các loại máy công trình trong ngành dầu khí, hàng hải quốc phòng. Mỗi năm Xí nghiệp có thể sản xuất khoảng 1 nghìn chiếc cần cẩu, các thiết bị nâng hạ có trọng tải lên tới 1200 tấn, đóng mới và sửa chữa tàu có trọng tải lên tới 15 nghìn tấn.

Bên cạnh đó, khu công nghệ cao cơ khí Quang Trung Uông Bí đã sáng chế thành công bước đầu công trình phát điện từ năng lượng sóng biển. Công trình này được coi là một trong sáng kiến mới nhất của GĐ Nguyễn Tăng Cường, có lẽ ít có doanh nghiệp nào lại mạnh dạn bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thực hiện sáng kiến chế tạo điện từ sóng biển như Xí nghiệp cơ khí Quang Trung. Nhất là trong lĩnh vực này trên thế giới sự thành công chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Với công trình phát điện từ năng lượng sóng biển,đội ngũ cán bộ, kỹ sư thiết kế của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã thức nhiều đêm trắng thử nghiệm rồi thất bại lên tới bảy lần, nhưng trời không phụ người, chiếc máy phát điện từ năng lượng sóng biển cũng được thử nghiệm thành công với những tính năng ưu việt để một ngày không xa sẽ đưa vào thương mại phục vụ hàng triệu hộ dân sống ven biển nước ta, với nguồn năng lượng mới, giá thành hấp dẫn, bảo vệ môi trường.

Theo ông Cường, để huy động đội ngũ cán bộ, kỹ sư lành nghề, chất lượng cao, Xí nghiệp đã xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn cho con người. Nhiều cán bộ, kỹ sư cán bộ, kỹ sư được đào tạo bài bản tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất, bên cạnh đó tạo môi trường làm việc phát huy được tối đa tính sáng tạo của mọi người, mọi sản phẩm hoàn thành tốt đều là công lao, là niềm vui chung của mọi người.

"Để doanh nghiệp có được thành công trước hết là do tham vọng lớn, có sự thống nhất ý chí. Khi đã bắt tay vào công việc thì tạo mọi điều kiện tốt nhất để làm, nếu đã làm hết khả năng mà không xong thì có người giúp đỡ, nếu vẫn không được thì tất cả sẽ thức trắng đêm để làm cho bằng được " vị Giám đốc chia sẻ.

Những ai đã từng tiếp xúc, trò chuyện  với “phù thủy” cơ khí, mà có người còn đặt cho ông cả biệt danh “vua” cần cẩu đều nhận thấy ở con người này sự khiêm tốn, tự nhận mình học hàm học vị không có, nhưng khác với nhiều người là ông có thừa lòng đam mê, lăn lộn trong thực tế sản xuất. Chính những điều đó đã tích lũy được vốn tri thức đáng kể về các lĩnh vực điện, tự động hóa, vật liệu chế tạo bệ thông mô đun bánh răng điều đó đã tạo ra thành công nhất định với Doanh nghiệp.

Trong cuộc đời làm kinh doanh và say mê nghiên cứu khoa học, ông đã vinh dự, tự hào, trân trọng - được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình "Ứng dụng 5 giải pháp KHCN chế tạo các loại thiết bị nâng hạ tại Việt Nam", giúp rút ngắn tiến độ xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La.

“Khi tôi đặt vấn đề, sẽ nhận lắp đặt cần cẩu hạng nặng 1.200 tấn cho công trình Thủy điện Sơn La, nhiều cơ quan bộ, ngành tỏ ra băn khoăn, thậm chí có ý kiến phản đối. Vì lẽ, đây là loại cần cẩu tải nặng hàng nghìn tấn, nếu làm không được, chẳng may xảy ra sự cố vỡ đập, dưới hạ lưu, 28 triệu dân sinh sống, ai là người chịu trách nhiệm? Do đó, mọi người đều cho rằng, mua cần cẩu của nước ngoài là phương án tối ưu nhất. Khi ấy, tôi đưa ra ý kiến, nếu mua của nước ngoài, chắc chắn Trung Quốc trúng thầu, mà hàng Trung Quốc chưa chắc đã hơn mình... Tôi xin lấy cả danh hiệu Anh hùng Lao động ra đặt cược…” - doanh nhân Nguyễn Tăng Cường nhớ lại thời điểm quyết tâm đề xuất ý kiến với Nhà nước để doanh nghiệp được lắp đặt các thiết bị nâng hạ tại Thủy điện Sơn La.

Vẫn cái dáng đi vững chắc, khuôn mặt phúc hậu và cái giọng nói trầm ấm, vị "thuyền trưởng" Nguyễn Tăng Cường hàng ngày vẫn cần mẫn truyền sự đam mê, hoài bão cho tập thể CBCNV nơi đây tiếp tục thực hiện nhiều dự án lớn, nhiều công trình lớn hơn nữa đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa -  hiện đại hóa đất nước. Thủy điện Sơn La sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, thế nhưng trong tiềm thức mỗi người có một cái tên sẽ chạy song song với công trình thế kỷ này, đó là cái tên Nguyễn Tăng Cường với chiếc cần cẩu khổng lồ.
 


  • 20/04/2012 10:25
  • Theo baomoi.com
  • 5234


Gửi nhận xét