Thủy điện Đam’bri chuẩn bị phát điện

Dự án Nhà máy thủy điện Đam’bri (Lâm Đồng) công suất 75 MW, do Công ty CP thủy điện Miền Nam (SHP) đầu tư với tổng kinh phí 2.800 tỷ đồng đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng để chuẩn bị phát điện.

Hối hả về đích

Công trường xây dựng nhà máy thủy điện Đam’bri đang trong giai đoạn nước rút, chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Ông Nguyễn Vĩnh Châu - Phó tổng giám đốc SHP, tổng chỉ huy công trình xây dựng nhà máy thủy điện Đam’bri cho biết tính đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng, trong đó nhiều hạng mục chính đã hoàn thành và sẵn sàng tích nước như đập chính, đập phụ và cửa nhận nước. Hạng mục nhà máy đã hoàn thiện phần bê tông và đang tiến hành lắp đặt thiết bị 2 tổ máy. Đường dây 110 kV mạch kép với tổng chiều dài 14 km cũng đã hoàn thành và đấu nối với lưới điện quốc gia.

Đam’bri là một trong số ít nhà máy thủy điện tại Việt Nam có đường hầm dẫn dòng dài nhất, với 8,3 km. Ông Châu cũng cho biết, hiện đã thông tuyến và các đơn vị thi công đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng là gia cố bê tông bề mặt. Toàn bộ đường hầm sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6 vừa qua. Anh Vũ Đức Hưng (Tổng công ty XD Lũng Lô) - Chỉ huy phó công trường thi công 1,6 km đầu tiên của đường hầm cho biết, để đảm bảo tiến độ của chủ đầu tư, đơn vị đã tập trung lực lượng làm 3 ca liên lục và đến giữa tháng 6 là hoàn thành gói thầu và bàn giao cho chủ đầu tư.

Công nhân Tổng Cty XD Sông Đà đang hoàn thiện việc bơm bê tông gia cố những mét hầm cuối cùng

Tổng công ty Sông Đà đảm trách việc thi công 4 km cuối của đường hầm. Anh Lưu Công Tới – Chỉ huy trưởng công trường cho biết, đây là đoạn khó khăn và phức tạp nhất trong toàn tuyến đường hầm bởi có đến 2 đoạn hầm đứng, một cao 159 mét và một cao 80 mét. Đoạn này còn có tháp điều áp cao 99 mét, việc thi công cũng khó khăn không kém. Tuy nhiên, theo anh Tới, đến nay đã thi công hoàn thành trên 90% khối lượng công việc, hiện chỉ còn găm lưới, bơm bê tông phun vảy, gia cố thành hầm của những mét hầm cuối cùng.

Ông Nguyễn Vĩnh Châu cũng cho biết, việc lắp đặt máy biến áp lực đã hoàn thành trong tháng 6 vừa qua. Theo kế hoạch, việc lắp đặt tổ máy số 1 sẽ hoàn thành trong tháng 7 này và sẽ phát điện trong tháng 9/2013. Tổ máy số 2 sẽ hoàn thành việc lắp đặt và phát điện một tháng sau đó.

Trở ngại

Theo kế hoạch, dự án sẽ tích nước hồ vào tháng 5/2013 và phát điện nhà máy vào Quí III/2013. Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư (Công ty SHP) đang gặp vướng mắc trong công tác giải tỏa 50 ha chè nằm trong khu vực lòng hồ. “Việc chậm giải quyết các vướng mắc trong đền bù, tỏa mặt bằng của chính quyền địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ tích nước và phát điện của nhà máy, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư và lãng phí xã hội” - ông Châu nói, đồng thời phân tích, nếu không tích nước hồ ngay từ mùa khô năm nay này thì sẽ phải chờ đến mùa khô năm sau mới có thể tích nước. Không tích nước, nhà máy sẽ không thể hoạt động và sẽ không bổ sung cho lưới điện quốc gia 350 triệu kWh/năm trong khi khu vực miền Nam đang khó khăn về nguồn điện cho năm 2013 và những năm tiếp theo.

Theo Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tình hình cấp điện ở miền Nam vẫn rất căng thẳng do các dự án nhiệt điện chưa vào kịp, trong khi hệ thống lưới điện truyền tải 500 - 220 kV không đủ khả năng truyền tải hết nguồn điện ở miền Bắc và miền Trung vào khu vực miền Nam... Do đó, khu vực miền Nam đứng trước nguy cơ thiếu điện trong năm 2013 và những năm tiếp theo là khó tránh khỏi.

Việc chậm tích nước và phát điện không chỉ gây lãng phí xã hội, thiệt hại cho quốc gia mà còn gây thiệt hại không nhỏ cho chủ đầu tư. Theo tính toán của SHP, với công suất 75 MW, cứ mỗi ngày không phát điện, Công ty thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng và chậm một tháng phát điện công ty sẽ mất khoảng 200 tỷ đồng. Điều đó cũng có nghĩa Nhà nước sẽ thất thu một khoản ngân sách không nhỏ. Ngoài ra, chưa kể chủ đầu tư phải trả lãi hàng trăm tỷ đồng vốn vay để đầu tư xây dựng nhà máy.

Dự án thủy điện Đam’bri nằm trong Tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn VI và được Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty CP thủy điện Miền Nam thực hiện (Công văn số 864/TTg-CN ngày 28/6/2005). Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ bổ sung cho lưới điện quốc gia 350 triệu kWh/năm. Nộp ngân sách địa phương 50 tỷ đồng/năm. Góp phần phát triển kinh tế xã hội đối với địa phương.

 

 


  • 05/07/2013 09:50
  • Theo Tiền phong Online
  • 5107


Gửi nhận xét