Thực hiện chủ đề năm “Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện”: Khó khăn nào đã vượt qua?

Để thực hiện thành công chủ đề năm: “Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện”, EVN đã vượt qua những khó khăn, thách thức như thế nào?

Khó chồng khó

Năm 2019, ghi nhận tình hình nắng nóng gay gắt diện rộng ở miền Bắc và miền Trung. Nhiều thời điểm trong tháng 5, tháng 6, nhiệt độ liên tục duy trì ở mức 39-40 độ C, khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng chóng mặt. Công suất và sản lượng điện toàn quốc liên tục lập kỷ lục. Ngày 18/5, lần đầu tiên trong lịch sử, công suất đầu nguồn của hệ thống điện toàn quốc vượt qua ngưỡng 36.000MW và sản lượng tiêu thụ điện cũng ghi nhận con số cao kỷ lục 756,9 triệu kWh. Tuy nhiên, đến ngày 21/6, kỷ lục này bị xô đổ với công suất đạt 38.147MW và sản lượng lên tới 782,9 triệu kWh.

Cũng do nắng nóng, công tác đảm bảo điện bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng xảy ra liên tục trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Căng thẳng nhất là vào 28/6, đường dây 500kV đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh bị sự cố do đám cháy rừng ở khu vực thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có thời điểm ngọn lửa bao trùm, dẫn tới nguy cơ tách đôi hệ thống điện Bắc và Trung - Nam hoàn toàn. Cũng trong thời điểm đó, một số tổ máy của các nhà máy điện: Sơn Động, Cẩm Phả, Hải Phòng, Quảng Ninh, Uông Bí bị sự cố; NĐ Mông Dương 1 và NĐ Mông Dương 2 bị suy giảm công suất; NĐ Vũng Áng bị thiếu than. Đặc biệt, các hồ thủy điện lớn trên dòng sông Đà (Sơn La, Hòa Bình) ở gần mực nước chết…

Thủy điện không chỉ thiếu nước trong mùa khô mà ngay cả trong mùa lũ, nước về các hồ thủy điện cũng thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Sản lượng thủy điện giảm mạnh. Theo ước tính cả năm 2019, tổng sản lượng thủy điện chỉ đạt 65,3 tỷ kWh, giảm 9,9 tỷ kWh so với kế hoạch. Khó khăn cũng chưa dừng lại khi nguồn cung ứng than, khí cũng hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất điện. Vì vậy, EVN đã phải tăng cường huy động nguồn điện chạy dầu giá cao, với tổng sản lượng dầu huy động ước khoảng 2,57 tỷ kWh - cao nhất từ trước đến nay.

Cũng trong năm 2019, hệ thống điện đã đón nhận thêm hơn 4.400MW điện mặt trời, nâng tỷ trọng công suất nguồn NLTT lên gần 9% công suất đặt toàn hệ thống. Tuy công suất có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng sản lượng điện của NLTT chỉ chiếm khoảng 2,5%. Các nhà máy ĐMT chủ yếu tập trung tại khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra quá tải cho lưới điện truyền tải. Bên cạnh đó, do đặc thù tự nhiên (phụ thuộc nhiều vào thời tiết), các nhà máy ĐMT có hệ số đồng thời khá cao, làm thay đổi lớn về công suất trong khoảng thời gian rất ngắn; trong khi đó, công suất dự phòng của hệ thống lại không cao. Đây chính là thách thức không nhỏ mà hệ thống điện Việt Nam từ trước tới nay chưa phải đối mặt.

EVN đã vượt qua nhiều khó khăn, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định trong năm 2009

Vượt thách thức

Với sự chủ động, sáng tạo, EVN đã có các giải pháp linh hoạt vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện - thị trường điện. Trong 6 tháng đầu năm 2019, EVN và các đơn vị thành viên đã hết sức nỗ lực, làm việc không kể ngày đêm để tạo điều kiện cho 89 chủ đầu tư điện mặt trời vào vận hành kịp tiến độ trước 30/6/2019, tăng thêm nguồn điện cho hệ thống. Đây là một kỉ lục chưa từng có trong lịch sử ngành Điện Việt Nam về số nhà máy điện được đưa vào vận hành trong 1 thời gian rất ngắn.

Để kịp thời bổ sung nguồn điện lớn, Tập đoàn cũng duy trì tốc độ đầu tư - xây dựng cao, hoàn thành nhiều công trình quan trọng, tăng cường năng lực cấp điện cho hệ thống điện quốc gia như: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4; hòa lưới phát điện Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng; đầu tư và nâng cấp cảng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đảm bảo tiếp nhận tàu 70.000 tấn… Nhiều công trình trọng điểm đã được đóng điện, nâng cao năng lực truyền tải cho hệ thống điện như: Đường dây 500kV Vĩnh Tân-rẽ Sông Mây - Tân Uyên, 500kV Nhiệt điện Long Phú-Ô Môn…

EVN và các đơn vị cũng đã ứng dụng nhiều công nghệ mới, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống điện như: Nâng cao hiệu suất vận hành các nhà máy điện; dự báo phụ tải; ứng dụng công nghệ tự động hóa, giám sát, điều khiển xa, sửa chữa điện hotline.... Đặc biệt, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia không ngừng nâng cao chất lượng công tác chỉ huy điều độ thời gian thực; ứng phó linh hoạt với các diễn biến bất định của hệ thống điện.

Công tác điều hành thị trường phát điện cạnh tranh cũng đảm bảo được sự công bằng, minh bạch; không để xảy ra khiếu nại, thắc mắc mà không có giải thích hợp lý. Các đơn vị phát điện đã nhận thức rõ vai trò của mình, từ đó, chủ động trong vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng thiết bị, giảm chi phí, chủ động trong chào giá ở mức hợp lý, nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của hệ thống điện.

Đặc biệt, năm 2019, thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức vận hành. Cùng với EVN, các Tổng công ty Điện lực trực tiếp tham gia mua buôn điện trên thị trường. Với bước tiến này, mức độ hoàn thiện của thị trường điện đã tăng lên khi cả người bán và người mua đều đã có thể trực tiếp tham gia thị trường điện và tương đối chủ động trong khâu sản xuất kinh doanh theo chiến lược riêng của mỗi đơn vị. Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các tổ chức tư vấn quốc tế, nghiên cứu, cho phép các khách hàng lớn được phép mua điện trực tiếp từ thị trường điện, thực hiện cơ chế thí điểm, tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh…

Cán đích các mục tiêu chủ đề năm 2019 với nhiều thành tích ấn tượng, EVN cũng sẵn sàng đối mặt và sẽ vượt qua những thách thức đã được dự báo trước trong thời gian tới; nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.


  • 24/12/2019 02:24
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 7273