Thu xếp vốn cho các công trình điện: Khó đâu, gỡ đó

Giai đoạn 2017 - 2020 được đánh giá là khó khăn đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam khi nhu cầu điện tiếp tục tăng cao, các nguồn điện giá thành cao có thể được huy động với sản lượng lớn, điều kiện vay vốn ngày càng khắt khe… Gánh nặng thu xếp vốn đầu tư xây dựng các công trình điện đặt lên vai EVN.

EVN cần hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để đầu tư các công trình điện

5 - 6 tỷ USD/năm

Đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2017/NĐ-CP (ngày 16/1/2017) thay thế Nghị định số 15/2011/NĐ-CP (ngày 16/2/2011) về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Theo đó, giảm mức bảo lãnh Chính phủ từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không quá 70%, tùy theo mức độ quan trọng của chương trình, dự án. 

Theo ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN, trong khi các điều kiện về bảo lãnh và vay vốn của Chính phủ ngày càng khắt khe, EVN còn phải đối mặt với một loạt khó khăn, thách thức trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

Đó là, một số yếu tố đầu vào của sản xuất điện liên tục gia tăng từ năm 2015, nhưng chưa được đưa vào cân đối trong giá bán điện hiện hành như biến động tỷ giá, giá than, giá khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí bảo vệ môi trường rừng...

Đáng chú ý, từ ngày 24/12/2016, giá bán than trong nước cho sản xuất điện tăng 7%, kéo theo chi phí sản xuất điện đội lên gần 5.000 tỷ đồng. Trong trường hợp các nhà máy nhiệt điện than tiếp tục được huy động cao thời gian tới, con số này sẽ còn tăng lên đáng kể.

Giai đoạn 2017 – 2020, để đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và công trình cấp bách, trung bình mỗi năm, EVN cần phải huy động vốn đầu tư khoảng 5 – 6 tỷ USD. Mặc dù Điện lực vẫn là một trong những ngành được Chính phủ cho phép bảo lãnh, nhưng theo ông Đinh Quang Tri, hiện nay hạn ngạch tín dụng (room) đối với EVN gần như không còn, trong khi còn rất nhiều dự án giao thông, y tế, giáo dục cũng cần được ưu tiên.

Mặt khác, đối với các dự án có bảo lãnh của Chính phủ hoặc vay vốn ODA, trình tự và thủ tục phê duyệt rất lâu, đặc biệt là các dự án với số vốn trên 10.000 tỷ đồng phải trình Quốc hội xem xét. 

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

Việc thu xếp vốn cho các dự án điện giai đoạn 2017 - 2020 là cực kỳ khó khăn, yêu cầu EVN phải xây dựng chiến lược tài chính mới, đảm bảo kế hoạch thu xếp đủ vốn để bù đắp tăng trưởng điện trong tương lai và đầu tư mới. Trước mắt, đối với những công trình, dự án đã được Chính phủ bảo lãnh và vay vốn ODA sẽ được EVN và các đơn vị tiếp tục triển khai. 

Theo thông báo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thời hạn vay vốn ODA của Việt Nam còn kéo dài đến năm 2019, sau đó sẽ chuyển sang vay thương mại là chủ yếu. Vì vậy, từ nay đến năm 2019, EVN sẽ tích cực làm việc với các tổ chức tài chính và ngân hàng quốc tế như WB, ADB, JICA và các tổ chức tín dụng khác để thu xếp vốn ODA.

EVN cũng sẽ đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp để tất cả các đơn vị của EVN đảm bảo được các chỉ tiêu tài chính và đạt được mục tiêu tự phát hành trái phiếu, không cần bảo lãnh Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Tri, đây là việc rất khó, yêu cầu các đơn vị phải đạt tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu thấp hơn 3 lần, lợi nhuận hàng năm phải đạt từ 10 – 12% trên vốn sở hữu. Các chỉ tiêu thanh toán nhanh phải đảm bảo có thể sẵn sàng trả nợ bất kỳ lúc nào. 

Vì vậy, để đạt được các chỉ tiêu đó, trong năm 2017, EVN sẽ thuê tư vấn quốc tế đánh giá, xếp hạng tài chính của EVN, tương ứng trên thị trường quốc tế có thể phát hành loại trái phiếu nào. Những tiêu chí không đảm bảo được theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ có kế hoạch điều chỉnh kịp thời. Mục tiêu đến năm 2018 – 2019, EVN phải phát hành trái phiếu quốc tế. Theo ông Đinh Quang Tri, với nhu cầu vốn trung bình từ 5 – 6 tỷ USD mỗi năm, bắt buộc EVN phải phát hành trái phiếu quốc tế, khi thị trường trái phiếu trong nước mỗi năm chỉ có 2 tỷ USD. 

Tuy nhiên, một trong những điều kiện cần để có thể phát hành trái phiếu quốc tế đó là các tiêu chuẩn hạch toán, kế toán, báo cáo cũng phải theo chuẩn quốc tế. Đây cũng là mục tiêu của Bộ Tài chính đến năm 2020 sẽ áp dụng chuẩn kế toán quốc tế trên cả nước. Đối với EVN, vấn đề tối ưu hoá trong hệ thống, áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra những đột phá mới được xem là một giải pháp quan trọng và lâu dài. Vì vậy, ngay từ năm 2017, EVN sẽ tiến hành đào tạo, sẵn sàng đưa vào hoạt động sau khi Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện.

Đối với những dự án nguồn điện lớn, vay vốn không có bảo lãnh Chính phủ, EVN cũng tính đến phương án thành lập các công ty hạch toán phụ thuộc, ký hợp đồng mua bán điện dài hạn với các tổng công ty điện lực, dùng hợp đồng mua bán điện đó cùng với tài sản hình thành nhà máy làm thế chấp vay ngân hàng không có bảo lãnh Chính phủ. Đây là giải pháp huy động vốn vẫn thường được sử dụng trên thị trường quốc tế, nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Vì vậy, EVN sẽ tăng cường làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế và trong nước xây dựng chuẩn mực, để có thể triển khai phương án này trong thời gian tới.

“Mặc dù rất khó huy động đủ vốn đầu tư - xây dựng các công trình điện, nhưng EVN vẫn quyết tâm đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân” – ông Đinh Quang Tri khẳng định. 

Ông Vũ Ngọc Minh - Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT):

Trung bình mỗi năm, EVNNPT phải đầu tư khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng cho các công trình truyền tải điện. Hiện nay, nguồn vốn do EVNNPT thu xếp được chủ yếu là vốn nước ngoài ODA từ WB, ADB và các tổ chức tín dụng khác.

Theo quy định của Chính phủ, thủ tục, trình tự phê duyệt vay vốn nước ngoài thường phức tạp và kéo dài. Vì vậy, EVNNPT đã giao cho các đơn vị chuẩn bị thủ tục đầu tư từ nay đến năm 2025, sẵn sàng các điều kiện cần thiết, khi các tổ chức quốc tế đồng ý cho vay là có thể nộp hồ sơ, kịp thời thu xếp đủ vốn cho các công trình truyền tải điện.

 


  • 13/04/2017 10:07
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 12647