Thử nghiệm thành công phương pháp sửa chữa bảo dưỡng hệ thống điện dựa trên tình trạng vận hành của thiết bị

Sáng 7/5, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ trì buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) về tình hình triển khai dự án tư vấn sửa chữa thiết bị lưới điện từ 110kV trở xuống theo phương pháp sửa chữa bảo dưỡng hệ thống điện dựa trên tình trạng vận hành của thiết bị - CBM (bảo trì theo điều kiện).

Tham dự còn có ông Đặng Huy Cường - Thành viên HĐTV EVN. 

Ông Luân Quốc Hưng - Trưởng Ban kỹ thuật EVNHCMC báo cáo tình hình triển khai phương pháp CBM. Ảnh: Chi Lan

Ông Luân Quốc Hưng - Trưởng Ban Kỹ thuật EVNHCMC cho biết, việc ứng dụng phương pháp CBM được EVNHCMC phối hợp với đối tác TNB (Malaysia) triển khai thí điểm từ tháng 10/2019. Đến nay, Tổng công ty đã nắm bắt được phương pháp luận về CBM như: Phân tích sự cố (FMECA) và chấm điểm chỉ số sức khỏe của thiết bị (CHI) để từ đó tự xây dựng được quy trình sửa chữa bảo dưỡng phù hợp cho MBA và thiết bị đóng cắt 110kV tại đơn vị.

Tổng công ty đã áp dụng thí điểm thành công phương pháp CBM cho 4 trạm 110kV, qua đó sớm phát hiện các nguy cơ có thể gây ra sự cố để đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời.

Điển hình, tại Trạm 110kV Trường Đua, đã phát hiện giá trị tandelta của sứ cao 3 pha cao bất thường so với ngưỡng cho phép. Tổng công ty đã phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị tháo và kiểm tra ty sứ cao, phát hiện tiếp xúc xấu giữa ty sứ và đầu cosse MBA, tiến hành thay thế kịp thời đầu cosse. Sau khi thay thế, thực hiện thử nghiệm lại và cho ra kết quả tốt.

Tương tự, tại Trạm 110kV Bến Thành, phương pháp CBM đã phát hiện độ lệch nhiệt độ của đầu cosse pha B so với 2 pha còn lại vượt mức cho phép. Khi kiểm tra chuyên sâu, đã phát hiện ty sứ pha tiếp xúc xấu và đã cho thay thế ty sứ mới, thực hiện đo lại cho kết quả tốt.

Cũng theo ông Luân Quốc Hưng, trước đây việc thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng cho một trạm điện thường được thực hiện theo nguyên tắc định kỳ, với thời gian là 03 năm, dẫn đến có trường hợp không cần thiết hoặc không kịp thời. Nếu áp dụng phương pháp CBM sẽ giúp hợp lý hóa công tác sửa chữa bảo dưỡng cả về mặt kỹ thuật và kinh tế và đặc biệt góp phần ngăn ngừa được các sự cố để đảm bảo vận hành an toàn.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đưa ra các vấn đề cần làm rõ với đơn vị tư vấn như: Có hướng dẫn cụ thể các trường hợp phải xử lý khẩn theo quy trình riêng, nếu kết quả đo thể hiện xu thế bất thường; cần phải sớm hoàn thiện phần mềm hỗ trợ cho CBM (tích hợp trong chương trình quản lý PMIS).

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, ông Ngô Sơn Hải biểu dương EVNHCMC đã tích cực trong công tác triển khai cũng như đã có các phân tích cụ thể, đánh giá hiệu quả bước đầu của việc áp dụng phương pháp CBM vào thực tiễn. Ông Ngô Sơn Hải cũng yêu cầu EVNHCMC sớm hoàn thiện bộ quy trình CBM để có thể triển khai, nhân rộng trong toàn Tập đoàn.


  • 08/05/2020 01:43
  • Hương Thảo
  • 8007