Thợ điện vùng cao xứ Nghệ trong “chảo lửa” nắng hè

Chưa khi nào, thợ điện miền Tây xứ Nghệ lại phải chống chọi với cái nắng nóng gay gắt và kéo dài liên tục nền nhiệt trên 38 độ C như mùa hè 2020. 

Chủ động “sống chung” với thời tiết cực đoan

Kỳ Sơn - một huyện rẻo cao cực Tây xứ Nghệ, đang trong những ngày mà cỏ lau cũng khô khốc dưới cái nắng nóng gay gắt.

Có mặt tại Điện lực Kỳ Sơn (Công ty Điện lực Nghệ An), mới thấy được sự nỗ lực của ban lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên đã và đang chủ động sống chung với sự cực đoan của thời tiết, phản ứng nhanh với từng sự cố, để cấp điện an toàn, ổn định cho nhân dân trong mùa nắng nóng. 

Năm nay, nắng gắt hơn, nền nhiệt cao và nóng hơn. Có khi nắng nóng kéo dài hai tuần liền, Kỳ Sơn không có một giọt mưa, nên công việc của Điện lực vì thế cũng vất vả, gian nan hơn bội phần.

Công nhân Điện lực Kỳ Sơn vận chuyển máy biến áp lên vị trí lắp đặt dưới sự hỗ trợ của người dân

Theo ông Nguyễn Minh Hồng - Giám đốc Điện lực Kỳ Sơn (PC Nghệ An), Điện lực Kỳ Sơn đang quản lý 330km đường dây trung thế 35kV, 114 trạm biến áp phân phối. Đây là huyện miền núi, nên có trạm biến áp chỉ cấp điện cho những bản chỉ có khoảng 30 khách hàng, sản lượng điện tầm 300 kWh/tháng, trong khi đường từ Điện lực vào tới bản đến hơn 70 km. 

Trước những bất thường của thời tiết, ngay trước mùa nắng nóng, Điện lực Kỳ Sơn đã chủ động dự báo phụ tải ở từng khu vực, từ đó tiến hành nâng công suất, san tải các máy biến áp có nguy cơ đầy tải, quá tải; thực hiện kiểm tra, rà soát các khiếm khuyết trên lưới điện và có phương án khắc phục ngay... Nhờ đó, đến nay, dù nhu cầu sử dụng điện trong mùa nắng nóng tăng cao nhưng trên địa bàn huyện chưa xảy ra tình trạng quá tải.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Hồng, những bất thường, khắc nghiệt của thời tiết ở Kỳ Sơn cũng đòi hỏi cách bố trí sức người, thời gian làm việc hợp lý cho thợ điện khi ra hiện trường. Mùa nắng nóng, buổi sáng, giờ làm việc của công nhân ra hiện trường từ 5h30 đến 9h-10h; buổi chiều, từ 15h30 đến 18h30, tuyệt đối phải đầy đủ trang bị đồ bảo hộ lao động như quần áo, mũ, dép và găng tay cách điện.

Áo đẫm mồ hôi, chân hằn quai dép

Đáng nói, nắng nóng gay gắt kéo dài nhưng khi có mưa thì Kỳ Sơn lại xuất hiện ngay giông, sét. Dù đã lắp 4 bộ thu lôi trên các tuyến đường dây, giảm rất nhiều nguy cơ sự cố nhưng trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, trên địa bàn vẫn xảy ra 02 vụ cháy máy biến áp do sét đánh trực tiếp, anh Lầu Chồng Của - Đội trưởng Đội trung thế Điện lực Kỳ Sơn cho biết.

Nhớ lại công tác khắc phục sự cố cháy máy biến áp xã Bảo Nam do giông sét đánh trực tiếp, anh Lầu Chồng Của cho hay: "Hôm đấy trời nắng rất to, nhưng chúng tôi xác định, tinh thần anh em phải “to hơn nắng”.

Máy biến áp nặng tầm 7 tạ được chở bằng xe ô tô vào bản Hín Pèn (xã Bảo Nam). Tuy nhiên, từ điểm ô tô đỗ lên đến vị trí máy biến áp còn hơn 1 km, phải vượt đồi, vượt dốc. Lúc này, một tốp thợ điện rẽ đường, mắc dây ròng rọc để chuẩn bị kéo máy. 5 thanh niên trai tráng của bản được huy động để cùng 8 thợ điện chung sức tải máy biến áp lên dốc. Người khom lưng kéo dây ròng rọc, nhiều người ghé vai gánh máy biến áp nhích từng bước một. “Một, hai…ba!”- điệp khúc này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi máy biến áp bò tới chân cột điện.

Phút giây nghỉ ngơi uống nước sau những giờ làm việc vất vả

Chứng kiến thợ điện Kỳ Sơn làm việc dưới cái nắng gay gắt của miền Tây xứ Nghệ, dưới sự khắc nghiệt của gió Lào mới biết, vì sao làn da của họ lại đen giòn đến thế. Quan sát kĩ hơn, mới thấy đôi chân rám nắng của anh lính áo cam lại in cả hình quai dép sau một ngày làm việc vất vả.

Đó là chưa kể, quãng đường di chuyển từ cơ quan đến hiện trường xa, đường đồi núi với cơ man ổ gà, ổ voi, vượt suối, vượt đồi. Đi từ lúc 5h30 sáng, đến nơi đã hơn 8 giờ, nắng đã vàng cả nương ngô. Trung bình, cứ 5 năm, công nhân điện lực phải thay một chiếc xe máy mới. “Từ khi vào ngành Điện đến nay, tôi đổi nhiều xe rồi. Đường đi vào bản chỉ cho phép một người/xe. Anh em lúc nào cũng phải dự phòng cờ lê, mỏ lết, săm và xăng,…Thậm chí có những ngày, phải đổ đến bình xăng thứ 3 mới về tới nhà”, anh Lầu Chồng Của chia sẻ.

Một bất lợi cho thợ điện Kỳ Sơn khi bám bản là có nhiều nơi không có sóng điện thoại. Chính vì vậy, có những lúc đang làm việc ở quả đồi này phải chạy sang quả đồi khác để dò sóng viễn thông gửi ảnh, phiếu công tác lên hệ thống phần mềm của công ty theo quy định. Không hiếm những lần phản ứng nhanh với sự cố, họ không kịp mang theo đồ ăn thức uống, là phải nhịn đói qua trưa. Chiều đến, về qua thị trấn Mường Xén, mới có chỗ mà lót dạ với bát mì tôm, bát phở.

Dự báo thời tiết cho thấy, nắng nóng đang tiếp tục gia tăng tại Nghệ An. Với thợ điện vùng rẻo cao Kỳ Sơn, họ vẫn tiếp tục chống chọi với “chảo lửa”, để đảm bảo nguồn điện luôn sáng trên mỗi bản làng. 


  • 20/07/2020 02:30
  • Kiều Anh
  • 4454