Thị trường phát điện cạnh tranh sau 1 năm chính thức vận hành: Từ 29 lên 37 nhà máy

Đó là số lượng các nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá tăng lên trong 1 năm qua - kết quả bước đầu của thị trường phát điện cạnh tranh tại Việt Nam. Những con số này khẳng định điều gì?

Sôi động thị trường

Từ chỗ chỉ có 1 số ít nhà máy tham gia dưới hình thức thí điểm, đến 1/7/2012, khi VCGM chính thức được vận hành, đã có 29 nhà máy trực tiếp tham gia chào giá. Đây là các nhà máy có công suất thiết kế từ 30 MW trở lên (trừ các nhà máy thủy điện đa mục tiêu) và đã được chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, thiết bị cũng như được trang bị các kiến thức cơ bản về VCGM. Theo nhận định của các chuyên gia, 29 tuy chưa nhiều, nhưng cũng là con số đủ để tạo mức độ cạnh tranh cần thiết trên VCGM.

Vượt qua những khó khăn, vướng mắc ban đầu về công tác chào giá, chỉ sau nửa năm, các đơn vị tham gia đã quen dần với phương thức chào giá trực tiếp trên VCGM. Nhiều nhà máy đã biết vận dụng chiến lược chào giá hợp lý, từ đó góp phần làm gia tăng lợi nhuận cho mình. Tính đến cuối năm 2012, số lượng các nhà máy chào giá trực tiếp trên VCGM đã tăng lên 31, tạo không khí cạnh tranh lành mạnh, rất sôi động và khách quan trên thị trường.

Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí - 1 trong những đơn vị tham gia VCGM sớm nhất - Ảnh: PV

Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về việc tăng số lượng nhà máy tham gia trực tiếp trên VCGM, Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút các nhà máy có đủ điều kiện tham gia chào giá trên VCGM. Sau 1 năm chính thức vận hành, tính đến tháng 7/2013, đã có 37 nhà máy tham gia chào giá trực tiếp trên VCGM.

Đây thực sự là con số gây ấn tượng cho các nhà quản lý và thực sự nằm ngoài mong đợi của những người trong cuộc - ông Nguyễn Xuân Khu – Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), khẳng định.

Theo phân tích của ông Khu, số lượng nhà máy tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường không ngừng gia tăng trong 1 năm qua, đã chứng tỏ được tính hấp dẫn của VCGM. Đây đồng thời cũng là sự minh chứng cho những thành công bước đầu của thị trường điện Việt Nam trong việc tạo lập một sân chơi bình đẳng, cạnh tranh khách quan cho tất cả các đơn vị tham gia. “Yếu tố cạnh trạnh trên thị trường ngày càng rõ ràng hơn, cũng đồng nghĩa với việc thị trường ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn” – ông Khu nhấn mạnh.

Thành công song hành cùng thách thức

Mặc dù phải đối diện với không ít khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai VCGM, nhưng hầu hết các đơn vị tham gia trực tiếp trên thị trường đã làm quen được với những nguyên tắc, vì vậy, hệ thống điện quốc gia đã được vận hành ổn định, không gặp bất kỳ một gián đoạn hay sự cố chủ quan nào trong công tác điều hành VCGM. Đó là thành công lớn nhất của A0 trong 1 năm tham gia VCGM.  

Tại cuộc họp báo thường kỳ đầu tháng 7/2013, Thứ trưởng Bộ Công Thương – bà Hồ Thị Kim Thoa cũng nhận định:  “Sau 1 năm vận hành chính thức, thị trường phát điện cạnh tranh nước ta nhìn chung đã phát huy hiệu quả. Số lượng các nhà máy tham gia thị trường không ngừng gia tăng. Thị trường được vận hành minh bạch và khách quan. Đó chính là thành công bước đầu có ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành một thị trường điện hoàn thiện của Việt Nam trong tương lai”.

Nhà máy Thủy điện Thác Bà - đơn vị chào giá trực tiếp trên VCGM - Ảnh: PV

Còn đối với nhiều chuyên gia, việc VCGM vận hành an toàn, hiệu quả - dù mới là bước đầu, vẫn có nghĩa hết sức quan trọng. Với gần 40% các đơn vị phát điện tham gia trực tiếp thị trường, trước hết, đã đánh tan những hoài nghi và tranh cãi trong dư luận về tính  khả thi của thị trường này. Từ đó, tạo sức hấp dẫn cần thiết để có thể thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào phát triền nguồn điện, góp phần cùng EVN đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công ban đầu, VCGM cũng đã và đang bộc lộ rất nhiều khó khăn, thách thức. Ngoại trừ các vấn đề khách quan như khó khăn của các nhà máy thủy điện do phụ thuộc vào thời tiết, mực nước hồ; các nhà máy nhiệt điện than, khí phụ thuộc vào tính ổn định của nguồn nguyên liệu hóa thạnh đầu vào… các vấn đề khác liên quan đến hệ thống văn bản pháp lý phục vụ thị trường, nhân lực, hạ tầng công nghệ… cũng chưa thể hoàn thiện ngay trong một sớm một chiều. Đặc biệt, để thu hút được hết các nhà máy đủ điều kiện tham gia thị trường vẫn cần phải có đủ  thời gian cần thiết.

Vì vậy, để cụ thể hóa mục tiêu hình thành một thị trường điện hoàn thiện ở nước ta sau năm 2022, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Thành công của VCGM sau 1 năm vận hành vừa qua, chính là bước tiến quan trọng đầu tiên trên lộ trình nhiều khó khăn, thách thức này…
 

Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam:
- Tên viết tắt: VCGM (Vietnam Competitive Generation Market)
- Chính thức vận hành: 1/7/2012
- Đối tượng tham gia trực tiếp: Các nhà máy điện có công suất lớn hơn 30 MW
- Nguyên tắc vận hành thị trường: Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia tính toán và sắp xếp lịch huy động các nhà máy điện theo bản chào giá, thứ tự huy động từ rẻ đến đắt, công suất các nhà máy được huy động đến khi đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải.
- Số lượng các nhà máy tham gia chào giá trực tiếp tính đến tháng 7/2013: 37 nhà máy

Nhiệm vụ của EVN trong VCGM:
- Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường
- Tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản pháp lý phục vụ thị trường
- Vận hành thị trường
- Đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường

 


  • 08/08/2013 09:03
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4994


Gửi nhận xét