Thị trường phát điện cạnh tranh - Còn phải nỗ lực nhiều

“Phát triển thị trường điện cạnh tranh là mục tiêu chiến lược trong phát triển thị trường điện Việt Nam. Phát triển thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo động lực nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh điện, đồng thời nâng cao tính minh bạch. Tuy nhiên, để thị trường phát điện cạnh tranh thực sự có hiệu quả đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều bên có liên quan”, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết.

Những khởi đầu gian nan của thị trường phát điện cạnh tranh

Theo ông Đặng Huy Cường: “Việc vận hành thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh là nhằm thử nghiệm tính đồng bộ của hệ thống các văn bản pháp lý, tính đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện cho các đơn vị làm quen cũng như đánh giá tác động của thị trường phát điện cạnh tranh”. Sau hơn 2 tháng đi vào vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Các quy định của thị trường được các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Hầu hết các đơn vị phát điện đã được tập dượt và quen dần với các khái niệm, các quy định của thị trường, các phần mềm chào giá, thông tin trên thị trường, chất lượng chào giá của các đơn vị dần được cải thiện. Giá điện năng thị trường được thiết lập qua cơ chế cạnh tranh và phản ánh đúng quan hệ cung cầu. Giá thị trường cao vào các giờ nhu cầu cấp phụ tải cao và thấp vào các giờ thấp điểm.

Tuy nhiên, cũng trong quá trình vận hành vẫn còn rất nhiều những hạn chế đang tồn tại. Một số đơn vị phát điện chưa chào giá đúng quy định, ví dụ: Chào sai công suất công bố, chào muộn hoặc chào không hợp lý dẫn đến phải ngừng hoặc tăng tải liên tục. Thông tin về tính toán thanh toán chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn cho các đơn vị phát điện trong các tính toán  chiến lược chào giá của mình. Thông tin trên trang web của cơ quan vận hành thị trường đôi khi còn chậm. Quy định thị trường cần tiếp tục được bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện.

Qua hơn 2 tháng vận hành, giá điện năng đang dần được thiết lập qua cơ chế cạnh tranh và từng bước phản ánh đúng quan hệ cung cầu. Ảnh: Ngọc Thọ

Cần nỗ lực từ nhiều bên

Đại diện của VINACONEX P&C cho rằng: “Cần sớm hoàn thiện hạ tầng hoạt động của thị trường, hoàn thiện các thông tin trên website thị trường điện theo quy định để các đơn vị tiếp cận và áp dụng trước khi thị trường điện cạnh tranh chính thức vận hành. Thêm vào đó, cần sớm có hướng dẫn cụ thể về chức năng, tiêu chuẩn kĩ thuật của các thiết bị để phù hợp với phần mềm phục vụ thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm”.

Sau 2 tháng vận hành thị trường điện cạnh tranh thí điểm, cũng đã có rất nhiều ý kiến đóng góp của các bên liên quan, đặc biệt là từ chính các nhà máy đang thực hiện vận hành thị trường điện cạnh tranh thí điểm nhằm nâng cao tính thực tiễn và minh bạch trong vận hành thị trường điện.

EVN, Vinaconex P&C, PVN cho rằng nên điều chỉnh giá sàn bản chào giá thủy điện từ 80%-110% thành từ 0% đến 110% giá trị nước. Bổ sung quy định điều chỉnh giá trần bản chào hàng tháng bản chào nhiệt điện theo giá nhiên liệu dự kiến tháng tiếp sau đó.

Nhằm ổn định thị trường điện tạo cơ hội thuận lợi cho thị trường điện cạnh tranh phát triển trong thời gian tới, Lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực khẳng định, hiện đang trong giai đoạn thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh, nên giá điện vẫn do Nhà nước quản lý, vì thế dù giá cả giao dịch giữa các cơ sở phát điện với công ty mua bán điện như thế nào cũng không ảnh hưởng đến người tiêu dùng điện.

Nhà nước cũng sẽ tiếp tục nắm giữ các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng. Các nhà máy điện còn lại thuộc sở hữu của EVN sẽ được tổ chức lại thành các Tổng công ty phát điện độc lập. Trước mắt, các tổng công ty này sẽ tiếp tục trực thuộc EVN.

Sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan sẽ đẩy mạnh nỗ lực xây dựng một thị trường phát điện cạnh tranh, mang tính minh bạch cao tại Việt Nam.


  • 29/09/2011 04:42
  • Theo Quân đội nhân dân online
  • 7519