Thị trường điện sẽ là “sân chơi sòng phẳng”

Đó là khẳng định của ông Bùi Văn Thạch - Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương. Trả lời phỏng vấn của phóng viên evn.com.vn, ông Thạch cho rằng, phát triển thị trường điện là một thách thức lớn, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc

Bên lề Hội thảo khoa học "Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách", Phóng viên evn.com.vn đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Bùi Văn Thạch - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, về những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội cho các đơn vị khi triển khai Thị trường điện tại nước ta.

Phóng viên (PV): Theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về việc hình thành và phát triển thị trường điện tại Việt Nam, từ sau năm 2023, cơ bản Thị trường điện sẽ được vận hành chính thức một cách toàn diện. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?

Ông Bùi Văn Thạch - Phó Trưởng Ban Kinh tế TW: Thị trường điện sẽ là "sân chơi sòng phẳng"...

Ông Bùi Văn Thạch: Trước hết, việc hình thành và phát triển thị trường điện là điều tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển chung. Mặt khác, nếu không nhanh chóng phát triển thị trường điện tại nước ta, thì những khó khăn, thách thức mà ngành Điện nói chung, EVN nói riêng đang phải đối mặt, sẽ ngày càng lớn và khó tháo gỡ.

Theo tôi, đây là một chủ trương đúng đắn. Cá nhân tôi cũng được biết, ý tưởng phát triển thị trường điện đã có cách đây từ 10 năm trước, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên lộ trình triển khai đến nay mới được cụ thể hóa một cách rõ ràng. Không còn cách nào khác hơn là chúng ta phải nhanh chóng triển khai, và phải triển khai thành công.

PV: Theo ông, lợi ích lớn nhất mà thị trường điện (hoàn chỉnh) sẽ mang lại cho EVN cũng như các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện nói chung là gì?

Ông  Bùi Văn Thạch: Nếu phát triển được thị trường điện đúng hướng, hoàn chỉnh, thì ngành Điện sẽ không còn phải lo thiếu vốn để đầu tư. Các đơn vị tham gia "sân chơi" này cũng sẽ được bình đẳng  cạnh tranh, tìm kiếm lợi nhuận cao nhất cho mình.

Trên thực tế, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong những năm tới, khi đã thoát khỏi khủng hoảng, sẽ hứa hẹn là rất ấn tượng. Tôi nghĩ GDP từ 7 - 8 %/năm không phải là điều không thể. Và đi cùng với đó là tốc độ tăng trưởng nguồn điện cũng sẽ cao hơn, chất lượng nguồn điện cung cấp cũng phải được đảm bảo hơn. Đây chính là thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho ngành Điện.

PV: Ông có thể nói rõ hơn thách thức và cơ hội là những gì, thưa ông?

Ông Bùi Văn Thạch: Thách thức khi thị trường điện phát triển hoàn chỉnh đối với tất cả các đơn vị, là nếu anh nào yếu kém thì tất nhiên sẽ bị đào thải. Ngược lại, nếu anh làm ăn tốt, có sản phẩm tốt,  minh bạch, thì sẽ tạo lập được vị thế và thương hiệu cho riêng mình. Tất nhiên đây là cả một quá trình dài.

Còn hiện tại, khi thị trường điện đang phát triển ở cấp độ 1 - cấp độ phát điện cạnh tranh, thì vẫn còn rất nhiêu các vấn đề phải bàn. Tuy bước đầu thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành hiệu quả, nhưng để chuyển sang thị trường bán buôn cạnh tranh, bán lẻ cạnh tranh... là không hề đơn giản. Các đơn vị tham gia thị trường, mà chủ yếu là EVN, phải có những bước đi thực sự vững chắc, đảm bảo thành công, trước mắt là thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2015, 2016.

PV: Ngoài sự nỗ lực của EVN và các đơn vị ngành Điện, theo ông, để triển khai thị trường điện thành công, đâu là những điều kiện “cần và đủ”?

Ông  Bùi Văn Thạch: Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu muốn phát triển ngành Điện bền vững, cần rất nhiều yếu tố. Và quan trọng nhất vẫn là cơ chế. Cơ chế cho việc huy động vốn, cơ chế cho giá bán điện, cơ chế tạo sân chơi bình đẳng…

Nếu chỉ tiếp cận ở góc độ giá điện không thôi, cũng đã thấy có nhiểu bất cập. Trong một thời gian dài, ngành Điện đã phải bán giá điện dưới giá thành sản xuất. Cả ngành Than và EVN đều phải bù lỗ cho giá điện, dẫn tới “bao cấp” cho cả các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động sản xuất ở Việt Nam. Tôi đã đi và tìm hiểu giá điện ở nhiều nước, thì thấy hầu như các nước giá điện đều cao hơn Việt Nam.

Đơn cử như ở Campuchia, giá điện của họ lên tới 17 -22 cent/kWh, trong khi ở nước ta chỉ hơn 7 cent/kWh. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho biết, họ rất muốn đầu tư vào ngành Điện Việt Nam, nhưng giá điện quá thấp nên họ chưa dám bỏ tiền vào… Như vậy, nếu chúng ta có cơ chế để cho giá điện đảm bảo giá thành sản xuất và có lãi, thì tôi nghĩ việc cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện sẽ không hề khó. Đây cũng là cơ chế để tạo sức hấp dẫn cho thị trường điện nói chung.

Nói tóm lại, thị trường điện sẽ là sân chơi “sòng phẳng” mà ở đó, các đơn vị hoạt động trên nền tảng cạnh tranh bình đẳng, cung cầu về điện cũng như giá điện sẽ được quyết định bởi thị trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

 


  • 18/12/2013 12:37
  • Vĩnh Long (Thực hiện)
  • 3626


Gửi nhận xét