Thêm 5 xã đảo huyện Vân Đồn có điện

Sau bao năm vất vả, giờ đây ước mơ được sử dụng điện lưới quốc gia của người dân 5 xã đảo huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã trở thành hiện thực: Người dân được đón điện trước khi Tết đến, Xuân về.

Tết vui hơn vì có điện

Vượt qua 45 km đường biển, chúng tôi có mặt tại xã đảo Ngọc Vừng, chứng kiến niềm vui của người dân khi điện lưới quốc gia được kéo về từng nhà, đi qua mọi đường làng, ngõ xóm. Lần đầu tiên, người dân xã đảo Ngọc Vừng được đón Tết với ánh sáng điện quốc gia. Nhiều gia đình đã có kế hoạch sắm Tết, mua thêm tivi, nồi cơm điện, tủ lạnh… đón một cái Tết thật vui, thật đặc biệt.

Chị Vũ Thị Thủy, thôn Bình Ngọc chia sẻ: “Nhờ Nhà nước, nhờ ngành Điện, Tết năm nay chúng tôi không còn nỗi lo “hết điện”. Những năm trước, nhìn những gia đình có tivi xem các chương trình Tết, tôi ao ước lắm, nhất là mấy đứa trẻ. Nhưng riêng tiền mua dầu chạy máy phát hàng tháng đã lên tới 300 - 400 nghìn đồng, kinh tế gia đình còn khó khăn nên chẳng dám mua. Năm nay có điện, gia đình quyết định mua tivi đón Tết”.

Từ năm 2011 đến nay, với sự hỗ trợ của Nhà nước và UBND tỉnh Quảng Ninh, mỗi hộ dân xã Ngọc Vừng được cấp một tấm pin mặt trời cỡ nhỏ. Tuy nhiên, nguồn điện từ pin mặt trời chỉ đủ thắp sáng 2-3 giờ/ngày. Với những gia đình có ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh…, để vận hành các thiết bị này phải mua thêm máy phát điện, chi phí dầu từ 300-400 nghìn đồng/tháng. Đặc biệt, những gia đình làm thêm nghề phụ như, cơ khí, hàn, xì, kinh doanh dịch vụ…, tiền mua dầu lên tới 2-3 triệu đồng/tháng.

Ảnh minh họa

Là một trong những gia đình được coi là khá giả ở xã Ngọc Vừng, mỗi tháng gia đình anh Phạm Văn Hưng (thôn Bình Ngọc) phải chi 2,5-3 triệu đồng tiền mua dầu diezel chạy máy phát điện, phục vụ sửa chữa cơ khí và ô tô chở hàng. “Chi phí tiền dầu quá lớn nên lợi nhuận mang lại không đáng bao nhiêu. Không có điện, cuộc sống khó khăn, chuyện học hành của con cái cũng bị hạn chế. Nhiều năm trước, tôi đã mua đất trong đất liền và có kế hoạch rời đảo, mong sao con cái có môi trường học tập tốt hơn. Nhưng nay, điện đã về làm kế hoạch thay đổi. Tôi quyết định ở lại đảo, phát triển kinh tế gia đình”, anh Hưng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch xã Ngọc Vừng cho biết, với diện tích hơn 40 km2, đảo Ngọc Vừng được thiên nhiên ưu đãi, có bờ biển đẹp, dài 3km. Cùng với đó là tiềm năng về nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản. Tuy nhiên, không có điện, người dân chưa phát huy được lợi thế, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. “Có điện, không chỉ là cơ hội để người dân xã Ngọc Vừng phát huy tiềm năng về du lịch, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhất là y tế, giáo dục”, bà Phượng cho hay.

Trạm y tế xã Ngọc Vừng được đầu tư khá nhiều thiết bị, máy móc hiện đại như máy siêu âm, máy xét nghiệm máu, nước tiểu... Nhưng theo chị Lê Thị Hoài - Nhân viên Kế hoạch hóa gia đình của Trạm Y tế, không có điện, chẳng mấy khi các thiết bị này được sử dụng. Chị Hoài tin rằng, điện lưới quốc gia đã về xã đảo, những thiết bị này sẽ phát huy được công dụng, giảm lượng bệnh nhân phải vào đất liền khám bệnh, vừa vất vả, vừa tốn kém.

Vượt khó đưa điện ra đảo xa

Ngọc Vừng chỉ là 1 trong số 5 xã đảo nằm trong Dự án đưa điện lưới ra các xã đảo của huyện Vân Đồn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và UBND tỉnh Quảng Ninh đầu tư, với tổng số vốn hơn 300 tỷ đồng.
Khởi công từ tháng 4/2014, đóng điện theo đúng kế hoạch vào tháng 12/2014, Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) - đơn vị quản lý Dự án và các đơn vị tham gia thi công đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách.

Ông Phùng Kim Đại - Phó Giám đốc PC Quảng Ninh cho biết, do tuyến đi qua nhiều địa hình đồi núi cao, hiểm trở, có nhiều khoảng vượt biển lớn và cách xa đất liền nên quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tuyến đường dây trung thế cấp điện cho đảo Thắng Lợi, Ngọc Vừng. Bên cạnh đó, cảng của các xã đảo phần lớn là cảng nhỏ, nên khi thi công, nhà thầu phải chờ con nước lên mới có thể vận chuyển được vật tư, thiết bị nặng, cồng kềnh như, 21TBA, gần 800 cột trung thế, hơn 1500 cột hạ thế, đường dây…

Đó là chưa kể, việc triển khai thiết kế bản vẽ thi công cũng không thuận lợi. Có rất nhiều vị trí có khoảng vượt lớn, thậm chí có khoảng vượt lên tới 1.264 m, cột sắt phải thiết kế cao tới 98 m. Trong khi đó, cấu tạo địa chất không ổn định, địa hình rất phức tạp, nhà thầu và các đơn vị tư vấn thiết kế mất rất nhiều thời gian thẩm tra, đưa ra các phương án hợp lý nhằm đảm bảo an toàn thi công cũng như chất lượng công trình…

Cùng với nỗ lực của PC Quảng Ninh và các đơn vị thi công, sự ủng hộ tích cực và hiệu quả của chính quyền địa phương và bà con nhân dân các xã đảo đã góp phần vào sự thành công của Dự án. Nhiều nơi bà con đã tự nguyện hiến đất dựng cột, xây trạm biến áp. Riêng xã Ngọc Vừng, 100% người dân ký cam kết hiến đất, có gia đình hiến tới 40 m2  đất.

Đóng điện đúng tiến độ, Dự án đưa điện lưới ra 5 xã đảo của huyện Vân Đồn không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các xã đảo phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, mà còn tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật ban đầu để phát triển khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Cô Phạm Thị Nga, giáo viên Trường THCS Ngọc Vừng chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi thường phải  soạn giáo án dưới ánh đèn dầu và tiếng ầm ầm của máy phát điện, bây giờ đã khác rồi. Nghề giáo ở đảo có cả những chuyện cười ra nước mắt, chẳng hạn khi kiểm tra bài cũ, hỏi vì sao không học bài, có em trả lời rất hồn nhiên: Vì tối qua “hết điện”. Vừa bực vừa buồn cười. Thương học sinh lắm nên đôi lúc chẳng nỡ trách phạt”.

 


  • 21/02/2015 09:50
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3748


Gửi nhận xét