Thay thế bánh xe công tác: Vừa là thách thức, vừa là cơ hội...

Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN (EVNPSC) đang triển khai thay thế bánh xe công tác của tổ máy H5, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Đây là lần đầu tiên đơn vị thực hiện nhiệm vụ này, dù không ít khó khăn nhưng cũng là một cơ hội tốt góp phần nâng cao năng lực, tay nghề cho lực lượng sửa chữa nhà máy điện. Cùng theo dõi cuộc trao đổi của evn.com.vn với ông Từ Nguyễn Khiêm – Trưởng phòng Kỹ thuật và An toàn EVNPSC, Chỉ huy trưởng công trường.

Ông Từ Nguyễn Khiêm – Trưởng phòng Kỹ thuật và an toàn (EVNPSC), Chỉ huy trưởng công trường theo dõi các thông số kỹ thuật thay thế bánh xe công tác H5 tại hiện trường

- Đây là lần đầu tiên EVNPSC nói riêng, EVN nói chung tự thực hiện thay thế bánh xe công tác. Ông có thể chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà đơn vị gặp phải?

Ông Từ Nguyễn Khiêm: Tổ máy H5 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được đưa vào vận hành từ năm 1992 đến nay. Qua hơn 30 năm vận hành, bánh xe công tác được phát hiện xâm thực và có vết nứt ở cánh, dẫn tới nguy cơ sự cố cao. Trong khi đó, dự báo nhu cầu điện trong mùa nắng nóng năm nay ở khu vực phía Bắc cũng rất cao, đòi hỏi các tổ máy phải vận hành an toàn, ổn định, phát tối đa công suất. Chính vì vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao EVNPSC phối hợp với Công ty Thủy điện Hòa Bình thay thế bánh xe công tác này từ ngày 10/1/2023. Công đoàn Điện lực Việt Nam cũng tổ chức phát động thi đua liên kết phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ này trước ngày 30/5/2023.

Triển khai nhiệm vụ này, EVNPSC gặp rất nhiều thách thức, trong đó công tác cung ứng vật tư thiết bị của nhà cung cấp bị chậm do ảnh hưởng xung đột chính trị trên thế giới, có khả năng ảnh hưởng đến kế hoạch sửa chữa. Tiếp đó, thời gian thi công ngắn, dự kiến khoảng 130 ngày - ít hơn nhiều so với một đơn vị trước đó thực hiện thay thế bánh xe công tác tổ máy H6 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (180 ngày) vào năm 2017.

Mặt khác, thay thế bánh xe công tác sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với lắp thiết bị mới. Ví dụ như phải tháo các mối liên kết siêu trường đã được cố định với nhau trên 30 năm như trục tuabin và rotor, trục tuabin và bánh xe công tác... Cùng với đó các tổ máy khác của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vẫn đang hoạt động tối đa công suất nhằm đảm bảo cấp nước đổ ải nên cầm đảm bảo an toàn cho các tổ máy đang hoạt động.

Tuy nhiên, mỗi thách thức cũng đồng nghĩa với một cơ hội và thời cơ để EVNPSC tập trung nguồn nhân lực và thiết bị, thực hiện nghiên cứu, đào tạo và phát triển đội ngũ CBCNV để đáp ứng và hoàn thành tốt những nhiệm vụ do EVN giao.

 

Một số thông tin về bánh xe công tác được thay thế:

+ Số cánh của bánh xe công tác: 13 cánh;

+ Chiều cao bánh xe công tác: 3.048mm;

+ Đường kính: 5.672mm;

+ Cột áp tính toán: 88m;       

+ Hiệu suất tối đa ở cột áp định mức: 95%

+ Trọng lượng: 82,81 tấn

   

- Trước những thách thức trên, EVNPSC có những giải pháp gì để đáp ứng yêu cầu?

Ông Từ Nguyễn Khiêm: Để chuẩn bị tốt cho công tác thay thế bánh xe công tác H5 - NMTĐ Hòa Bình, từ khi được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ, EVNPSC đã tập trung nghiên cứu và tổ chức nhiều cuộc hội thảo để xây dựng được phương án thi công tối ưu nhất.

Công tác chuẩn bị thi công của EVNPSC rất chi tiết và tỉ mỉ từ phương án thi công, các biện pháp tháo lắp thiết bị, vận chuyển vật tư thiết bị, công tác huy động chuyên gia, phương án bố trí nhân lực... đã nhận được sự thống nhất cao từ chuyên gia và các đơn vị liên quan.

Trước khi thi công 01 tháng, EVNPSC đã cử 01 đoàn công tác sang Liên bang Nga làm việc trực tiếp với các chuyên gia của Nhà sản xuất Power Machines để trao đổi và thống nhất các phương án thi công tối ưu nhằm rút ngắn tiến độ sửa chữa và đảm bảo chất lượng công trình.

Nhân lực EVNPSC lựa chọn để thi công bánh xe công tác là 56 người cốt lõi, có nhiều kinh nghiệm đã trực tiếp thực hiện tư vấn giám sát, thi công lắp đặt, sửa chữa các Nhà máy điện trên cả nước.

Các kỹ sư EVNPSC thực hiện nhiệm vụ thay bánh xe công tác H5 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ngay từ mùng 4 Tết Nguyên đán 2023

Đặc biệt trong tổ chức thi công, Giám đốc EVNPSC - Trưởng ban Chỉ đạo, là người trực tiếp theo dõi, bám sát mọi diễn biến tại công trình để có những phương án chỉ đạo điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng sửa chữa. Chỉ huy trưởng công trình là người sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi công trên công trường. EVNPSC tổ chức bố trí 02 đội công tác đi 02 ca liên tục để đảm bảo tiến độ, rút ngắn thời gian sửa chữa.

Đặc biệt, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo EVN, các Ban chuyên môn của Tập đoàn và hợp tác của các đơn vị bạn, cùng với sự nỗ lực của toàn thể CBCNV của EVNPSC, chúng tôi tin chắc rằng công tác thay thế bánh xe công tác tổ máy H5 sẽ thành công, đảm bảo tiến độ, chất lượng và đưa vào vận hành ổn định, an toàn, tin cậy và hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Phạm Văn Vương – Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình: Công ty cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung công tác giám sát và quy trình phối hợp giữa 2 đơn vị; tuyệt đối chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường; đảm bảo thay thế sửa chữa bảo dưỡng đúng theo hướng dẫn của nhà chế tạo; tích cực đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án, để tổ máy sẵn sàng được huy động cao trước mùa mưa lũ năm 2023.

Ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam: Công đoàn Điện lực Việt Nam phát động phong trào thi đua với mong muốn toàn công trường vượt qua khó khăn, đảm bảo tiến độ, an toàn và chất lượng công trình. Đồng thời, trong quá trình lao động sẽ có thêm những sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần vào thực hiện thắng lợi phong trào thi đua “10 nghìn sáng kiến” do Công đoàn Điện lực Việt Nam phát động.


  • 03/02/2023 04:00
  • Đinh Liên
  • 4634