Thanh toán không dùng tiền mặt: Không còn là khẩu hiệu

Nếu vài năm trước, thanh toán không dùng tiền mặt tưởng như chỉ là khẩu hiệu khi người dân vẫn giữ thói quen tiêu dùng truyền thống "tiền trao cháo múc", thì đến nay hình thức thanh toán qua thẻ, tài khoản, ví điện tử phát triển không ngừng. Cùng với đó là sự ra đời của dịch vụ ngân hàng và các mô hình thương mại hiện đại.

Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội, đến năm 2020 sẽ có khoảng 85% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt...

  Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch hằng năm đều đạt trên 30%. Thanh toán qua internet tăng 81% và qua điện thoại di động tăng gần 70%. Tỷ lệ rút tiền mặt giảm dần qua các năm, đến nay còn khoảng 10%...

Xu thế phát triển

Chị Minh Hà (phố Khâm Thiên, quận Đống Đa) cho biết, chị thường sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán mỗi khi đi siêu thị hay du lịch. "Sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán vừa không phải lo lắng khi mang quá nhiều tiền mặt theo người vừa không sợ đánh rơi tiền" - chị Hà nhận xét.

Hiện việc sử dụng tài khoản ngân hàng đã trở thành thói quen của nhiều người, bởi xu hướng mua sắm hiện đại phát triển nhanh chóng. Nắm bắt xu thế và để tạo thuận lợi cho người dân, các ngân hàng đã đầu tư mạnh cho dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. 

Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đã phát hành sản phẩm dịch vụ Ví Việt, một loại hình ví điện tử giúp thanh toán, mua sắm, chuyển tiền… trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Ra mắt tháng 8-2016, đến nay Ví Việt đã kết nối thanh toán với nhiều đối tác, thuộc lĩnh vực điện lực, cấp nước, viễn thông, giao thông, du lịch, tài chính, thương mại… với hàng trăm dịch vụ thanh toán online, khoảng 10.000 điểm chấp nhận thanh toán, hàng triệu lượt người sử dụng.

Tại Hà Nội, từ tháng 9-2016, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã cung cấp dịch vụ thanh toán tiền điện linh hoạt nhằm tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí... cho khách hàng, như: Trích nợ tự động tài khoản, thanh toán qua internet banking, mobile banking, thanh toán qua 15 ngân hàng hợp tác với EVNHANOI. 

Theo ông Lê Việt Hùng, Phó Trưởng ban Quan hệ cộng đồng EVNHANOI, hằng tháng đơn vị nhắn tin thông báo chỉ số điện, số tiền điện sử dụng cho khách hàng, còn ngân hàng tự động khấu trừ tài khoản của khách. Khách hàng cũng có thể thanh toán qua ATM hoặc qua các tổ chức trung gian thanh toán qua internet. Đến hết năm 2017, EVNHANOI đã dừng việc thu tiền điện tại hộ gia đình.

Trong khi đó, đại diện hệ thống siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho biết, toàn bộ các siêu thị đều lắp đặt cổng thanh toán POS, chấp nhận các loại thẻ ngân hàng phát hành. Lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tăng dần theo từng năm, hiện chiếm tỷ lệ 10% - 15%. Để khuyến khích khách hàng, các ngân hàng phối hợp với siêu thị áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá khi thanh toán qua thẻ. Tương tự, theo đại diện hệ thống siêu thị Hapro (Tổng công ty Thương mại Hà Nội), lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt năm 2017 và đầu năm 2018 tăng khoảng 30% - 35% so với các năm trước.

Hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng phát triển góp phần giảm thời gian thanh toán, an toàn cho người sử dụng

Cần tăng cường an ninh, bảo mật

Dù chưa có số liệu thống kê chính xác về số người sử dụng dịch vụ ngân hàng ở Hà Nội, song lượng người sở hữu tài khoản, thẻ thanh toán ngân hàng khá lớn. Để đẩy mạnh hình thức thanh toán này, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, đến cuối năm 2020, 100% siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ hoặc các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác. 85% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 60% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. 

Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại phù hợp với khu vực nông thôn, để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán.

Trong số đó phải kể đến mục tiêu 70% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng vào cuối năm 2020, là tỷ lệ không nhỏ. Tuy nhiên, trong xu thế sử dụng thẻ và các dịch vụ ngân hàng ngày càng rộng rãi, cộng với những ưu đãi mà các ngân hàng đưa ra, mục tiêu này không khó hoàn thành.

Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018-2020, thành phố giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội chỉ đạo đơn vị cung cấp dịch vụ kết hợp với ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ thiết yếu, như điện, nước, học phí, cước viễn thông, truyền hình... Đồng thời tăng cường quản trị rủi ro và các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán; đầu tư hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động, thẻ thanh toán không tiếp xúc…

Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhận định, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt cũng là giải pháp để giảm tải cho việc rút tiền mặt tại các máy ATM. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ, khách hàng khi sử dụng điện thoại thông minh có thể chuyển tiền trong và ngoài hệ thống ngân hàng mọi lúc. 

Để làm được điều đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, hạ tầng thanh toán được đầu tư nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi. Mặt khác, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật các hệ thống thanh toán cần được chú trọng.


  • 23/03/2018 03:16
  • Theo Báo Hà Nội mới
  • 12880