“Thành phố Xanh Quốc gia” Cần Thơ 2024, thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ

Việc thành phố Cần Thơ được trao danh hiệu “Thành phố Xanh Quốc gia” năm 2024 cùng các danh hiệu tương tự trước đó vào các năm 2017 và 2021, là một niềm khích lệ tự hào, nhưng cũng đặt ra cho chính quyền và người dân thành phố này những nhiệm vụ, trọng trách lớn vì một tương lai bền vững...

 

Toàn cảnh thành phố Cần Thơ nhìn trên cao từ Bến Ninh Kiều. Ảnh internet.

Là đô thị trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, cả về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, thành phố Cần Thơ đang triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, xanh – sạch – đẹp và bền vững.

Thành phố xanh Quốc gia năm 2024

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (World Wide Fund For Nature – WWF), ngày 02/6/2024, trong khuôn khổ chương trình OPCC 2023 - 2024 nhân sự kiện Ngày Môi trường Thế giới (05/6), đã công bố và trao danh hiệu “Thành phố Xanh Quốc gia” năm 2024 cho thành phố Cần Thơ vì những nỗ lực không ngừng nghỉ mà người dân và chính quyền thành phố này đạt được.

Ngày Môi trường Thế giới 05/6 do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”, kêu gọi các quốc gia cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực thế giới.

Tổ chức WWF tại Việt Nam cho biết, việc lựa chọn và trao danh hiệu này nhằm tôn vinh các tỉnh, thành phố trên thế giới có thành tích nổi bật trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, các cam kết giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Đối với Cần Thơ, đây là lần thứ 2 thành phố này tham gia chương trình và đạt được nhiều kết quả tích cực, được ghi nhận rất cao từ cộng đồng quốc tế. “Đặc biệt, năm nay trong số 5 tỉnh, thành phố tại Việt Nam tham gia chương trình, dựa trên những nỗ lực hiệu quả và quyết liệt nhằm đưa thành phố phát triển theo hướng bền vững, thông minh, thích đứng với biến đổi khí hậu, thành phố Cần Thơ chính thức được vinh danh là ‘Thành phố Xanh Quốc gia’ năm 2024”, đại diện WWF đã phát biểu tại buổi lễ vinh danh.

Thành phố Xanh Cần Thơ hướng đến phát triển bền vững và Net Zero. Ảnh tham khảo.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ, trong buổi lễ đón nhận danh hiệu “Thành phố Xanh Quốc gia”, đã cho rằng đó là niềm vinh dự lớn đối với người dân và chính quyền thành phố.

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ, phát triển thành phố theo hướng tăng trưởng xanh, ổn định, bền vững, gắn liền với bản sắc sông nước sinh thái đã được xác định tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây không chỉ là lần đầu Cần Thơ được trao tặng danh hiệu về thành phố xanh. Trước đó, vào tháng 11/2021, địa phương này đã được trao giải thưởng “Thành phố bền vững môi trường ASEAN” lần thứ 5, sau nhiều nỗ lực nâng chất lượng môi trường. Chứng nhận “Thành phố có tiềm năng bền vững môi trường ASEAN lĩnh vực không khí” cũng đã được trao cho Cần Thơ vào năm 2017.

Tất cả chính là niềm khích lệ lớn lao, niềm tự hào của người dân và chính quyền vùng sông nước Cửu Long này; nhưng cũng đã đặt ra những nhiệm vụ, trách nhiệm lớn lao vì một tương lai bền vững và phát triển xanh.

Kinh nghiệm cần thơ và bài học cho nhiều địa phương, đô thị khác.

Không chỉ là niềm vinh dự, tự hào song hành cùng những trọng trách đối với Cần Thơ, nó còn là bài học cho nhiều địa phương, đô thị khác trong cả nước trong xu thế phát triển xanh và bền vững.

Chương trình Thành phố Xanh Quốc gia (OPCC) do WWF khởi xướng từ năm 2011, kêu gọi các thành phố trên toàn thế giới chung tay giải quyết các thách thức chung về khí hậu. 

Mục tiêu của chương trình nhằm vinh danh các thành phố thành công trong giảm thiểu và thích ứng với khí hậu trên toàn cầu. Trên 280 thành phố của khoảng 50 quốc gia đã tham gia cuộc bình chọn này. Thành phố Cần Thơ từng lọt vào chung kết đại diện cho Việt Nam tham gia OPCC vào năm 2022; đến OPCC năm 2023 - 2024 thì Cần Thơ đạt được danh hiệu “Thành phố Xanh Quốc gia”.

Không phải ngẫu nhiên hay may mắn mà thành phố Cần Thơ đạt được danh hiệu cao quý đó. Theo đại diện của Tổ chức WWF tại Việt Nam thì từ năm 2015 đến nay, thành phố Cần Thơ đã tích cực tham gia OPCC; và trong giai đoạn 2023 – 2024 là một trong 5 tỉnh, thành tại Việt Nam tham gia chương trình và đạt nhiều kết quả quan trọng được hội đồng chuyên gia OPCC, cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.

Đó là các giải pháp khuyến khích mọi hình thức giao thông ít phát thải khí carbon, thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp hoặc xe điện để di chuyển; chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; trồng cây và xây dựng nhiều công viên trong khuôn viên thành phố...

Địa phương này đã triển khai thực hiện các nguồn lực nhằm đáp ứng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02:2009/BYT) cho người dân đạt 100%, khả năng đáp ứng nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT) đạt tỷ lệ 94,39% (98% ở đô thị và 85% ở nông thôn).

Ở khu vực nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường được triển khai hiệu quả, 100% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh. Thực hiện hiệu quả các mô hình như “Phường sạch rác”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”...

Kinh nghiệm của Cần Thơ cũng là bài học cho nhiều địa phương, đô thị khác trong cả nước. Ảnh: Tuệ An.

Các hoạt động thường xuyên diễn ra tại thành phố Cần Thơ được ghi nhận như chương trình đổi rác thải lấy quà tặng; đạp xe diễu hành trên các trục đường chính của quận Ninh Kiều nhằm truyền tải các thông điệp cùng chung tay bảo vệ môi trường; ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, xóa trắng các biển quảng cáo trái phép, trồng cây xanh ở một số tuyến đường, sông, kênh rạch ở các quận, huyện trên địa bàn...

Là một trong 5 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, vì vậy, từ nhiều năm trở lại đây, Cần Thơ đã xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo và các giải pháp chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bao gồm: nhận diện các rủi ro ngày càng nghiêm trọng, sụt lún, sạt lở, nước biển dâng, triều cường gây ngập lục đô thị, hạn hán, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...

Kinh nghiệm của Cần Thơ cũng là bài học cho nhiều địa phương, đô thị khác trong cả nước; đặc biệt trong xu thế phát triển xanh, nền kinh tế Net Zero và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

“Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có do biến đổi khí hậu, các thành phố, trong đó có Cần Thơ đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi nơi đây có thể triển khai và nhân rộng các giải pháp carbon thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả”, ông Vũ Quốc Anh, đại diện WWF tại Việt Nam nhận định.

Link gốc:


  • 18/09/2024 02:31
  • Theo VnEconomy
  • 6460